Má Tâm...

09:03, 23/03/2013
.

(QNg)- Chị luôn được học viên tâm sự những chuyện vui, buồn. Những lúc họ ốm đau, chị lại hóa thân như người mẹ hiền để chăm sóc, nên đã vực dậy nghị lực, tạo niềm tin vào cuộc sống cho nhiều phận đời lầm lỡ. Đó là chị Nguyễn Thị Tâm, cán bộ tư vấn viên ở Trung tâm giáo dục xã hội tỉnh, được các học viên gọi với cái tên trìu mến "Má Tâm".

Anh quản giáo của Trung tâm đưa tôi vào căn phòng nơi các học viên cai nghiện đang sinh hoạt. Cánh cửa mở hờ, bên trong là gần 30 con người đủ lứa tuổi đang ngồi bên cạnh chị Nguyễn Thị Tâm. Cảm giác rụt rè trong tôi không còn nữa và thay vào đó là sự thân thiện, ấm áp như một gia đình. Chị Tâm ân cần hỏi một học viên: "Bệnh khỏi chưa. Con có ăn được nhiều không?" - "Má yên tâm, con uống thuốc rồi"- học viên tên Toàn (16 tuổi) đáp lời. Thấy tôi có vẻ phân vân cách xưng hô, chị Tâm giải thích: "Chúng nó hay ưa gọi vậy để cho thân mật. Chúng bảo, vào đây tách biệt bên ngoài, thèm tiếng gọi thân thương của người thân nên coi tôi như mẹ vậy".

 

 Chị Tâm chia sẻ kiến thức về HIV/AIDS cùng học viên cai nghiện tại trung tâm.
Chị Tâm chia sẻ kiến thức về HIV/AIDS cùng học viên cai nghiện tại trung tâm.


Gần 15 năm lặng lẽ với công việc, hơn ai hết, chị Tâm luôn thấu hiểu được tâm tư của các học viên nghiện ma túy.  Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có người cha mẹ ly dị, sống nay đây mai đó rồi chán chường, cặp với bạn bè xấu, sa chân vào nghiện ngập. Cũng có em không chịu học hành, tụ tập bạn bè ăn chơi rồi trở thành nạn nhân của ma túy lúc nào không hay; cũng có trường hợp thử cho biết rồi dính luôn. "Dù hoàn cảnh gì chăng nữa, các em vẫn đáng thương hơn đáng giận. Cần nhìn nhận các em ở góc độ là nạn nhân nên rất cần được khoan dung, bảo vệ, giúp đỡ..." - Chị Tâm bộc bạch.

Mỗi ngày gắn bó với các học viên, mỗi người một thế giới riêng, không ít người bi quan không muốn sống. Cũng có học viên tự hủy hoại bản thân như đập đầu vào tường, tự đâm vào bụng… để được đi viện rồi tìm cách trốn khỏi trung tâm. Nhưng vượt qua những khó khăn, bằng trái tim giàu lòng nhân ái, biết lắng nghe, chia sẻ, "má Tâm" luôn là điểm tựa tinh thần của họ.

Những học viên vào đây may mắn cai nghiện thành công đã về với gia đình làm lại cuộc đời, nhưng cũng có người vĩnh viễn ra đi do bị AIDS giai đoạn cuối; có người trở về đi lang bạt khắp nơi rồi bệnh tật, tai nạn chết, cũng có trường hợp ra khỏi trung tâm lại tái nghiện tiếp tục vào lại… Điều ấy khiến chị Tâm ray rứt trong lòng. Chị Tâm thuộc lòng từng tên, tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình của mỗi học viên. Với chị điều vui nhất là những học viên ở đây sau khi cai nghiện về với gia đình đã làm lại cuộc đời, lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định. "Mới đây gặp lại Bi - một học viên hồi gia năm 2010, giờ có vợ, hai con, sống khỏe mạnh, chí thú làm ăn, tôi mừng đến phát khóc vì công sức của mình cũng như các cán bộ ở đây được đền đáp"- chị Tâm kể.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Đà Nẵng, chị Tâm về làm việc tại Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐ-TBXH tỉnh. Năm 1998, chị chuyển về làm việc tại Trung tâm giáo dục xã hội và đến với công việc tư vấn như một cơ duyên. Năm nay chị đã bước vào tuổi 50, nhưng chị vẫn miệt mài với công việc. Chị Tâm cho biết:  "Tiếp xúc với học viên, mình phải kiên trì, nhẹ nhàng, khéo léo nắm bắt tâm lý của họ để họ trải lòng cùng mình. Làm công việc này, nếu không có cái tâm thì khó mà trụ vững".


                                 Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.