Những công trình mới trên quê hương Hùng binh

01:01, 06/01/2013
.

(QNg)- Ngày đầu tiên của năm 2013 là ngày Lý Sơn tròn 20 tuổi. Hai thập niên qua, huyện đảo đã không ngừng được đầu tư, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, làm cho quê hương những hùng binh vươn lên một diện mạo mới.

TIN LIÊN QUAN


Diện mạo mới


Chuyến tàu cao tốc cuối năm ra đảo cập cảng, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là con đê chạy dọc bờ biển phía đông nam của huyện. Nhìn từ ngoài khơi, con đê như dải lụa uốn mình bên chân sóng bạc đầu. Đây là công trình quan trọng có số tiền đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm bảo vệ đảo trước sự xâm thực của biển, kết hợp với giao thông và quốc phòng. Con đê kiên cố chạy dọc bờ biển dài hàng chục cây số khiến cho người ta có cảm giác yên lòng trước sự dữ dội của sóng biển và vững chắc về quốc phòng nơi đảo tiền tiêu.  

 

Tuyến đường trung tâm huyện đưa vào sử dụng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân.
Tuyến đường trung tâm huyện đưa vào sử dụng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân.


Dọc theo con đê biển rẽ vào trung tâm huyện cách đó chừng cây số là con đường trung tâm huyện dài hơn 1.000m rộng thoáng. Tuyến đường này được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho việc lưu thông đi lại cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế. Kéo theo đó là nhiều công trình, nhà cửa mọc lên tạo điểm nhấn nơi cửa ngõ của huyện đảo.


Với thế mạnh kinh tế biển nên Lý Sơn đã chú trọng đầu tư xây dựng cảng cá và vũng neo trú tàu thuyền. Tháng 4/2011, Cảng cá Lý Sơn (đầu tư hơn 30 tỷ đồng) hoàn thành đưa vào sử dụng. Nơi đây trở thành cửa ngõ trao đổi hàng hóa giữa đảo và đất liền. Cách đó khoảng 5 cây số về phía đông là vũng neo trú tàu thuyền đã hoàn thành giai đoạn 1, tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 300 tàu thuyền của địa phương neo trú mùa biển động. Giai đoạn 2 của vũng neo trú tàu thuyền đang được thực hiện với nguồn vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2013, là nơi neo trú an toàn cho 500 tàu thuyền.


Đi đôi với việc đầu tư xây dựng cảng biển và hệ thống giao thông, Lý Sơn còn quan tâm đến sản xuất nông nghiệp và dự trữ nguồn nước ngọt rất khan hiếm trên đảo. Mùa hè năm 2012, đúng lúc nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và nước tưới nông nghiệp khan hiếm thì con đập kiên cố vắt ngang sườn đông nam của ngọn núi lửa Thới Lới được đưa vào sử dụng, giải cơn khát cho Lý Sơn. Đây là công trình rất đặc biệt, dài hơn 200 mét ở độ cao hơn 100 mét so với mực nước biển, ngăn ngọn núi tạo thành hồ chứa nước lớn nhất trên đảo. Việc tích nước trên núi không chỉ dự trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân dưới chân núi.


Bên cạnh đó, nhiều trường học kiên cố cũng được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để giáo dục ở huyện đảo ngày càng đi lên. Nhà máy điện Lý Sơn được nâng công suất, cung cấp điện liên tục mỗi ngày 6 giờ, tăng gấp đôi so với trước đây, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.


An Bình: Hết khát


Năm 2012 vừa qua có một sự kiện lớn có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối nhân dân huyện đảo, đặc biệt là người dân đảo Bé - An Bình. Đó là sự kiện nhà máy nước ngọt được đưa vào sử dụng, chấm dứt cơn khát hàng trăm năm vào mùa khô hạn trên hòn đảo khắc nghiệt này.


Tháng 8/2012, Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt do Công ty Doosan Vina tài trợ với nguồn tiền khoảng 1 triệu đô la Mỹ đã đưa vào hoạt động. Mỗi ngày, một hộ dân được cung cấp 400 lít nước sinh hoạt. Nhờ đó 500 nhân khẩu sinh sống ở đảo Bé không còn nỗi lo thiếu nước uống. Bên cạnh đó, nguồn điện năng lượng mặt trời đã phủ khắp từng nóc nhà của người dân đảo Bé. Giờ đây, họ có thể xem ti vi, vào những buổi tối không còn cảnh leo lắt ngọn đèn dầu. Giấc mơ có điện, có nước ngọt của người dân xã đảo An Bình đã thành hiện thực sau 20 năm huyện Lý Sơn ra đời.


Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện vui mừng chia sẻ: 20 năm không phải là thời gian quá dài để một huyện nghèo cách biệt với đất liền có thể vững bước đi lên. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước mà giờ đây, huyện đảo còn non trẻ này đã có những bước đi vững chắc, làm thay đổi diện mạo Lý Sơn một cách mạnh mẽ. Đây là tiền đề quan trọng để giai đoạn tiếp theo Lý Sơn phát triển, mạnh về kinh tế, ổn định về quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN
 


.