Nghị lực phi thường của một thương binh nặng

03:01, 01/01/2013
.

(QNĐT)- Ông Nguyễn Tiến, 64 tuổi, thương binh hạng ¼ ở thôn 2, xã Bình Hòa, Bình Sơn khiến nhiều người nể phục bởi tinh thần vượt lên gian khó mặc đôi chân đã vĩnh viễn rời cơ thể hơn 40 năm trước.


Giờ mái tóc ngã màu sóng biển, nhưng mỗi khi nhắc lại tuổi trẻ mấy chục năm về trước đôi mắt ông ngời lên một niềm tin tươi sáng. Câu chuyện tình đầy cảm động của chàng trai “khuyết’ và cô thôn nữ làm nhiều người khâm phục cho tình yêu của họ...

Chuyện tình ở bệnh viện Dân y

Năm 1970, lính đánh thuê Nam Triều Tiên càn quét qua đất Bình Hòa (Bình Sơn) giết hại đồng bào vô tội. Là một du kích của địa phương nên khi địch đến ông cùng ba đồng đội băng rừng chặn đánh địch, những loạt đạn càn của quân thù bay rít nghe lạnh sóng lưng.

Ông Tiến trên đường lên rẫy mì
Ông Tiến trên đường lên rẫy mì


Trong một lần truy kích vào hang ổ địch ông và hai đồng đội dẫm phải quả mìn địch gài sẵn. Khi tỉnh dậy ông bàng hoàng khi một phần cơ thể của mình đã không còn. Những tháng ngày sau đó với ông là chuỗi ngày đối diện với đau khổ và buồn chán.

Vào điều trị ở Bệnh viện Quân dân Y Quảng Ngãi, nhìn thấy những người đồng cảnh ngộ như mình nhưng vẫn gắng sống, được y bác sỹ tận tình chăm sóc nên ông cảm thấy được an ủi hơn: “Mình còn đôi tay còn đôi mắt sợ gì không sống nổi. Phải gắng sống”.

Tại đây, ông được đồng đội dạy cho nghề cắt tóc. Có nghề lận lưng ông lấy tay làm chân di chuyển hết tầng 1 đến tầng 2 cắt tóc cho mọi người. Hết khách trong bệnh viện ông bắt đầu lân la ra các quán cơm, quán nước trước cổng bệnh viện hớt tóc kiếm tiền.

Trong một lần ghé vào quán cơm nhỏ hớt tóc cho khách, dưới đôi tay điệu nghệ của mình ông đã làm cô thôn nữ bán cơm thuê Ngô Thị Liệu mê mẩn. Ban đầu chỉ là những cái nhìn lén lút.
     

Trải qua cuộc đời không chân trong bệnh viện 5 năm cũng từng ấy thời gian bồi đắp trong đầu cô thôn nữ bán cơm một anh thanh niên không chân đầy nghị lực, tình cảm cứ thế lớn dần trong chị và anh. Chàng thanh niên Tiến ngày đó muốn ngỏ lời yêu chị nhưng mỗi lần như thế anh lại nhìn xuống đôi chân mình chua chát:  “Mình như thế này thì ai mà dám yêu, mà nếu có yêu thì mình làm gì để nuôi sống gia đình trong tương lai, tự nuôi mình còn khó nữa là…”.

Tình cảm cứ thế giằng xé hai con tim, cả hai cứ giấu kín tình cảm của mình, nhưng rồi lí trí không thể thắng nổi trái tim. Chị dồn hết sức mạnh ngõ lời yêu anh. Anh từ chối dù trái tim anh không còn cho riêng mình từ lâu: “Mình thế này còn cô ấy lành lặn, mình không thể làm khổ cô ấy được”. Anh càng dối lòng mình thì càng nhớ chị.  “Anh yêu em!” câu nói ấy cuối cùng được anh dũng cảm nói ra sau gần một năm chạy trốn tình yêu…

“Lửa thử vàng”

Sau lời cầu hôn chân thành của anh một đám cưới diễn ra tại tiền sảnh bệnh viện Dân Y, chủ hôn là ban giám đốc bệnh viện, khách mời là những thương, bệnh binh. Tất cả như một câu chuyện cổ tích, chồng ngồi xe lăn, vợ đẩy phía sau, khách mời người mất tay, mất chân, mù lòa… nhưng ngập tràn hạnh phúc.

Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, vợ chồng về quê dựng một túp lều bắt đầu cuộc sống mới, đói khổ thiếu thốn trăm bề nhưng với bản chất của người lính cụ Hồ ông tập tành đào ao nuôi cá, phát rẫy trồng cây, biến vùng đất cằn bị chiến tranh cày xới thành những ruộng lúa xanh tốt bằng chính nghị lực của mình, dù cơ thể không còn lành lặn.
 

Tất cả những việc người bình thường làm, ông đều làm được. Ngày mùa đến ông cũng ra đồng làm đất gieo sạ. Trời mưa, vì không có chân bùn lún tới ngực, ông dùng tấm lưới lỗ nhỏ trùm lên đầu để bùn khỏi văng vào mắt.

Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ khi những đứa con lần lượt ra đời. Nhưng từ đó gánh nặng cơm áo, gạo tiền bắt đầu đè nặng lên đôi vai anh thương binh:  “Ngày trước làm một, có con vợ chồng tôi phải làm mười, nhưng vẫn thiếu ăn như thường” – ông Tiến tâm sự.

Hết mùa lúa ông lại lên rẫy mì, keo chăm sóc, thời gian rảnh ông đi quanh xóm cắt tóc. Nhìn ông chống hai tay trên chiếc đòn lếch từng bước lên rẫy mì chậm rãi, ông xoay chiếc đòn ngay thẳng, đôi tay thoăn thoắt cuốc đất, bón phân như một người bình thường, chúng tôi thật khâm phục.
 

Làm rẫy, cuốc đất, bón phân… tất cả công việc người bình thường làm được, ông không chịu thua
Làm rẫy, cuốc đất, bón phân… tất cả công việc người bình thường làm được, ông không chịu thua

Giờ cuộc sống của gia đình ông đã khá hơn trước nhiều, các con ông đã yên bề gia thất. Nhìn đứa cháu nội đang vui đùa cùng đám trẻ con gần nhà, ông tự hào: “Bỏ lại nửa cơ thể mình ở chiến trường, cho tổ quốc, cho hòa bình độc lập đổi lại đời cho tôi có được người vợ hiền, một gia đình hạnh phúc thì đôi chân mình có đáng là gì đâu”.

Còn bà Liệu ngồi bên cười hạnh phúc: “Khi mới yêu nhau ông ấy cứ bảo tôi đi yêu người khác đi chứ yêu anh cả đời sẽ khổ. Nhưng tôi thương anh dù có khổ cực đến mấy mà vợ chồng hiểu nhau là hạnh phúc rồi. “Lửa thử vàng gian nan thử sức” thôi phải không chú…”.

 Tôi chào ông bà ra về, phía xa ánh mặt trời đã dần nhường chỗ cho màn đêm buông xuống và ngày mai ánh mặt trời lại hừng sáng soi lối cho những con đường dù khúc khuỷu chông gai…


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.