Đi từ nhận thức

08:01, 05/01/2013
.

(QNg)- Luận đàm về hiệu quả giúp đỡ hội viên phụ nữ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, ai nấy cũng đều thấm thía phương pháp "đi từ nhận thức" của Hội LHPN tỉnh.


*Cam kết thoát nghèo


Đi từ nhận thức là tên gọi được mọi người thấm thía từ chính phương pháp tăng cường sự nỗ lực thoát nghèo của hội viên phụ nữ từ trong nhận thức đến hành động. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Huỳnh Thị Tuyết Nga cho hay, tổng số vốn khai thác hỗ trợ hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình đến nay đạt trên 830 tỷ đồng. Riêng năm 2012, hỗ trợ phụ nữ vay với tổng nguồn vốn trên 130 tỷ đồng. Trong năm có hơn 3.000 phụ nữ thoát nghèo. Những con số ấn tượng, là niềm vui đối với hội viên và cán bộ phụ nữ trong toàn tỉnh.

 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thu Trang trao quà cho hội viên phụ nữ nghèo ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa).
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thu Trang trao quà cho hội viên phụ nữ nghèo ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa).


Cũng là hỗ trợ nhưng hội phụ nữ hỗ trợ thông qua khảo sát nhu cầu thực tế, loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại. Đơn cử như hỗ trợ chăn nuôi bò, hội viên phụ nữ phải đóng góp khoản kinh phí để có cái "gọi là" trách nhiệm cùng với khoản hỗ trợ chính của Nhà nước để mua bò. Hội viên phụ nữ ký cam kết trong khoảng thời gian 2 năm sau sẽ thoát nghèo kể từ ngày được tiếp sức. Ý thức vươn lên, nỗ lực thoát nghèo được gắn với mỗi hội viên phụ nữ nghèo khi được tổ chức hội trao cho "chiếc cần câu".

*Giúp nhau làm ăn


Hơn 23 tỷ đồng là tổng số tiền hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh huy động được thông qua tổ hùn vốn, huy động ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, vận động hộ phụ nữ khá cho mượn vốn không tính lãi… Đây là khoản kinh phí nêu cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, tiết kiệm vì cuộc sống tươi đẹp, giúp gần 19 nghìn hộ phụ nữ nghèo được giúp đỡ từ khoản kinh phí nói trên.

 

Trong năm 2012, mô hình tiết kiệm mới mang lại hiệu quả thiết thực được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo nhân rộng trong toàn tỉnh, đó là  mô hình đóng góp tiết kiệm 5.000đ/hội viên/tháng ở xã Bình Thới (Bình Sơn). Có hơn 1.000 hội viên phụ nữ ở Bình Thới tham gia và đã tiết kiệm được gần 50 triệu đồng. Số tiền này dùng vào việc nghĩa. Hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được vay mượn (lãi suất thấp) để "làm nền" phát triển kinh tế. Dẫu ít nếu tính sự đóng góp theo đơn vị đầu người, nhưng quý giá biết nhường nào khi đó là đồng tiền của mồ hôi, công sức bao người. Và, càng đáng quý hơn khi số tiền tiết kiệm lớn dần theo năm tháng, lần lượt đến tay hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

* Hiệu quả từ đào tạo nghề


Cho “chiếc cần câu” không chỉ là cho vốn mà quan trọng hơn là hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn thế nào cho hiệu quả. Nghĩa là phải được đào tạo nghề. Nghề được đào tạo phải thực tế, phù hợp với khả năng, trình độ của chị em, nhất là phụ nữ ở khu vực nông thôn, từ  chế biến thức ăn, làm mây tre đan cho đến nghề thú y, trồng rau, trồng hoa… Trong năm, các cấp hội đã mở lớp dạy nghề cho hơn 2.000 lao động nữ (137% kế hoạch). Từ phương pháp chế biến thức ăn đã học được, phụ nữ ở phường Nghĩa Chánh, ở phường Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi) đã thành lập các tổ dịch vụ nấu ăn. Phụ nữ xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) phát triển mô hình trồng rau an toàn; phụ nữ Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) gắn với mô hình chăm sóc cây cảnh…

Từ trong nhận thức đến hành động, các cấp hội phụ nữ từng bước trang bị cho hội viên phụ nữ khả năng tự khẳng định mình để vươn lên trong cuộc sống.   


Bài, ảnh: Minh Anh
 


.