Di Lăng phố mới ở miền Tây Quảng Ngãi

08:01, 25/01/2013
.

(QNg)- Bây giờ lên thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), ai cũng dễ nhận thấy "đô thị" vùng cao này đang khởi sắc. Những tuyến đường nội thị, cùng nhiều công trình hạ tầng được chỉnh trang, xây dựng đã từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, từng bước đưa Di Lăng sớm trở thành đô thị động lực phía tây của tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng cho biết: Tỉnh chọn Sơn Hà đầu tư phát triển trở thành đô thị mới ở miền tây Quảng Ngãi là rất đúng hướng. Bởi từ trung tâm huyện lỵ Sơn Hà đến các huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long và Tây Trà bán kính không quá 30 km. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa bền vững của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn vùng cao. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã phê duyệt tổng thể quy hoạch phát triển thị trấn Di Lăng.

 

d
Một góc thị trấn Di Lăng


Còn huyện đã đầu tư xây dựng mới khu dân cư, các công trình hạ tầng quan trọng. Để tạo điểm nhấn cho “phố” mới, huyện cho xây dựng 2 tuyến đường nội thị theo hướng đông - tây. Đó là tuyến đường dọc theo con suối Tà Mang và nâng cấp đường Tỉnh 623 đoạn qua trung tâm thị trấn. Trên hai tuyến đường  này, huyện đầu tư xây dựng nhiều cây cầu mới kết hợp với tuyến đường ngang rộng thoáng, tạo diện mạo mới cho đô thị. Bên cạnh đó, huyện cũng  đầu tư xây dựng chợ trung tâm, hình thành bến xe, các cụm thương mại, dịch vụ buôn bán thuận lợi, bước đầu tạo nên một trung tâm phố thị sầm uất, đặc sắc ở khu đô thị miền núi...

Quốc lộ 24B (đoạn qua thị trấn Di Lăng) được nâng cấp, mở rộng và thảm nhựa, đã tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của đồng bào trong vùng; đồng thời tạo nên diện mạo mới cho khu đô thị dọc trục đường chính này. Hệ thống điện chiếu sáng được chỉnh trang, bờ kè phía bắc suối Tà Mang được thi công đã chấm dứt tình trạng sạt lở và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là khi 2 bờ kè hoàn thiện, suối Tà Mang nước trong xanh sẽ tạo nên cảnh quan môi trường trong lành. Công trình kè chống sạt lở trên sông Rin đã hoàn thành hơn 500m, được coi là "thành lũy" bảo vệ vững chắc vùng đất phía nam của khu phố mới trong mùa mưa, lũ. Để tái định cư cho những hộ dân nhường đất xây dựng các công trình hạ tầng ở Di Lăng, huyện Sơn Hà đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư Cà Tu, với những công trình hạ tầng đồng bộ. Hiện nay 60 hộ dân rất phấn khởi nhận tiền đền bù và chuyển đến khu ở mới ổn định cuộc sống.

Ông Trần Ngọc Tuấn - tổ dân phố Hàng Gòn phấn khởi cho biết: Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, huyện đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa như: Nhà truyền thống, nhà thi đấu đa năng, hệ thống trường mầm non, trường dạy nghề, bệnh viện... đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Công viên trung tâm huyện cũng được xây dựng rộng gần 9.000m2, với các hạng mục công trình đồng bộ như đường nội bộ, sân vườn, điện chiếu sáng và hệ thống thoát nước. Các công trình này đã góp phần tạo diện mạo khang trang cho đô thị Di Lăng, đồng thời làm thay đổi nếp nghĩ, nếp sống của người dân.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND thị trấn Di Lăng còn phối hợp với các phòng chức năng của huyện Sơn Hà thực hiện tốt công tác quản lý trật tự, an toàn đô thị. Các cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong công tác quản lý, xây dựng đô thị "khang trang, xanh, sạch, đẹp". Các đoàn thể, mà đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên thường xuyên tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường trên các đường làng, ngõ phố. Vận động người dân xây dựng hệ thống tường rào, vườn tược tươm tất, sạch đẹp. Những ngôi nhà tạm đang dần được xóa, thay thế bằng nhà kiên cố, góp phần tạo diện mạo đô thị Di Lăng ngày càng khởi sắc.

Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng thị trấn Di Lăng, năm 2013 huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình: Hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Di Lăng, đường Tòa án - Cà Tu, kè chống sạt lở Tà Mang, chợ Di Lăng giai đoạn II, cầu tuyến Bến xe - Trường tiểu học Di Lăng I, đường Nghĩa trang liệt sĩ - Nước Rạc, đường tránh qua thị trấn, kè đường giao thông liên huyện Tỉnh lộ 623 dọc sông Rin, thi công đường Bãi Võ đi trung tâm huyện; xây dựng mới trụ sở UBND thị trấn. Cùng với đó là phối hợp và đốc thúc các nhà đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình lớn trên địa bàn thị trấn, phấn đấu đến năm 2015, đạt đô thị loại V và trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi.


 

Bài, ảnh: Sông thương


 


.