Những bất cập trong phát triển đô thị ở TP.Quảng Ngãi- Kỳ cuối

08:12, 13/12/2012
.

Kỳ 3: Lời giải cho bài toán phát triển đô thị ở TP. Quảng Ngãi

(QNĐT)- Xây dựng thành phố Quảng Ngãi trở thành một thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại và giữ vai trò là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và là một trong những trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KKT Dung Quất. Đó là mục tiêu phát triển của TP. Quảng Ngãi đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Song với những bất cập như hiện nay, TP. Quảng Ngãi sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đề ra?

TIN LIÊN QUAN

 

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị

Thành phố Quảng Ngãi đang trên đà phát triển, tuy nhiên chính những bất cập trong quy hoạch cũng như phát triển hạ tầng trong thời gian qua đã "kìm hãm" sự phát triển của thành phố Quảng Ngãi. Chính vì vậy mà công tác chỉnh trang đô thị, cũng như tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố Quảng Ngãi tập trung nguồn lực để triển khai.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Tăng Bính-Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết, trong năm 2012, mặc dù đứng trước rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát, giá cả tăng, cắt giảm đầu tư công, nhưng thành phố Quảng Ngãi đã mạnh dạn phân bổ nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ cũng như chỉnh trang đô thị.

 

Thành phố Quảng Ngãi lấy điểm nhấn là sông Trà.
Sông Trà- điểm nhấn cho phát triển đô thị của thành phố Quảng Ngãi.


Trong năm 2012, thành phố Quảng Ngãi chỉ được phân bổ 270 tỷ đồng, tuy nhiên thành phố đã mạnh dạn đầu tư với tổng kinh phí trên 342 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị. So với các địa phương khác trong tỉnh thì thành phố Quảng Ngãi là địa phương đi đầu trong công tác phát triển hạ tầng cũng như mạnh dạn đầu tư vượt nguồn vốn.

Chính sự mạnh dạn này mà nhiều tuyến đường mới được hoàn thành, như tuyến đường Phạm Xuân Hòa, Nguyễn Bá Loan, Lê Đình Cẩn... Đặc biệt, trong năm 2012, thành phố Quảng Ngãi đã thi công 26 tuyến đường giao thông hẻm phố với trên 31.000 m2, và 9 tuyến đường chiếu sáng, đầu tư hệ thống cống ngầm kênh Hào Thành với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Tăng Bính, hiện thành phố vẫn tiếp tục tập trung hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông quan trọng như tuyến đường Bàu Giang – Cầu Mới (kể cả khu tái định cư); tuyến đường Phan Đình Phùng (nối dài); đường Nguyễn Tự Tân (đoạn Trần Quốc Toản – Quang Trung); đường Lê Đại Hành (Nguyễn Công Phương – Phan Đình Phùng), xây dựng đường bờ Nam sông Trà Khúc (từ cầu Trà Khúc II đến giáp đường ven biển Sa Huỳnh – Dung Quất) và hàng loạt đường giao thông khác.

 

Thành phố Quảng Ngãi có dáng dấp của một đô thị hiện đại.
Thành phố Quảng Ngãi bước đầu đã có dáng dấp của một đô thị hiện đại.


Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng khu đô thị Phú Mỹ: 170ha; triển khai thực hiện khu đô thị An Phú Sinh với diện tích 42,65ha; lập quy hoạch chi tiết khu đô thị phía Nam Sông Trà với 300ha và khu đô thị cửa ngõ phía Nam với 100ha.

Bên cạnh tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, thành phố Quảng Ngãi cũng "mạnh tay" chỉnh trang đô thị, phát triển cây xanh, công viên. Theo ông Nguyễn Tăng Bính, hiện thành phố Quảng Ngãi có một công viên duy nhất, đó là công viên Ba Tơ. Chính vì vậy, thành phố đã và đang tập trung đầu tư, nâng cấp cải tại công viên này thành một công viên xanh bên bờ sông Trà.

Công viên Ba Tơ được tăng cường chiếu sáng, bổ sung nhiều cây xanh và bố trí hàng chục ghế đá. Thành phố cũng đang chuẩn bị đưa các thiết bị tập thể dục vào công viên, nhằm giúp cho người dân vừa dạo mát, nghỉ ngơi và tập thể dục trong công viên. Ngoài công viên Ba Tơ, thành phố cũng sẽ chỉnh trang, đầu tư lại các công viên mini, vườn hoa giữa lòng thành phố, nhằm tạo không gian xanh, sạch đẹp.

Với mục tiêu xây dựng thành phố ven sông, vì vậy mà hiện nay, thành phố Quảng Ngãi chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng dọc bờ sông Trà. Với tiêu chí của một đô thị xanh, sạch nên trong tương lai khu vực dọc bờ sông Trà, đặc biệt là phía Đông cầu Trà Khúc trở xuống sẽ được thành phố tập trung phát triển hệ thống cây xanh, thảm cỏ, tạo không gian xanh... Thành phố Quảng Ngãi cũng đang kiến nghị UBND tỉnh sớm cho triển khai đầu tư Đập dâng Trà Khúc, bởi một khi đập dâng được triển khai, sông Trà sẽ được tích nước, tạo điểm nhấn cho thành phố.

Huy động nguồn lực toàn xã hội

Theo đánh giá của UBND thành phố Quảng Ngãi, thì đến thời điểm này, thành phố Quảng Ngãi đạt 30/49 tiêu chí của đô thị loại II. Trong 19 tiêu chí còn lại có 9 tiêu chí chưa đạt đô thị loại II, đó là vị trí và tính chất của đô thị, thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước, dân số nội thị, cơ sở giáo dục – đào tạo, trung tâm văn hóa, đầu mối giao thông, tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thành so với đất xây dựng trong khu vực nội thành, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị/tổng số đường chính khu vực nội thị...

Để đạt được các tiêu chí cho đô thị loại II vào năm 2015 là một thách thức lớn đòi hỏi thành phố Quảng Ngãi phải tập trung mọi nguồn nhân lực, trong đó kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các thiết chế văn hóa, xã hội... là không nhỏ. Theo tính toán của UBND thành phố thì kinh phí đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 cho thành phố Quảng Ngãi là gần 22.000 tỷ đồng. Trong đó đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật là 8.577 tỷ đồng, đầu tư hạ tầng xã hội trên 13.406  tỷ đồng. Quả thật, đây là con số không nhỏ.

 

Ngày có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư các sân chơi
Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư các sân chơi văn hóa, thể thao với hình thức xã hội hóa - Đây là điều mà thành phố Quảng Ngãi đang rất cần trong những năm đến.  (Trong ảnh: Sân bóng đá cỏ nhân tạo tại phường  Trần Phú)


Theo ông Nguyễn Tăng Bính thì nguồn vốn cần đầu tư cho phát triển thành phố là rất lớn, thế nhưng vốn từ ngân sách tỉnh rất hạn chế, nên huy động đủ nguồn vốn cho đầu tư quả là một bài toán khó. Trong năm 2012 nguồn vốn phân bổ cho thành phố chỉ 270 tỷ đồng, năm 2013 dự kiến là 300 tỷ đồng. Nếu cộng hết các nguồn do các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư cho thành phố cũng chỉ đạt từ 1.000-1.200 tỷ/năm. Như vậy thì tổng đầu tư cho thành phố chỉ đạt khoảng 30% tổng vốn.

Chính vì vậy, thành phố Quảng Ngãi cần phải huy động toàn lực cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi, mới có thể thu hút được các nguồn lực.


Nguồn lực đầu tiên, đó chính là khai thác có hiệu quả quỹ đất đô thị, qua đó huy động nguồn vốn từ việc sử dụng đất và giá trị quyền sử dụng đất và dĩ nhiên có cơ chế ưu tiên cho thành phố được sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất của các dự án để chi đầu tư phát triển. Ngoài ra, muốn huy động tối đa các nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tham gia xây dựng hạ tầng đô thị cũng như các nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), huy động vốn đầu tư nước ngoài thì điều thành phố phải làm, đó là xây dựng hệ thống chế độ ưu đãi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó xây dựng những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, giá thuê đất, chính sách miễn giảm thuế, đơn giản thủ tục cấp phép cho nhà đầu tư.  Lồng ghép và kết hợp đưa các dự án, công trình trọng điểm của địa phương vào các chương trình mục tiêu, dự án chuyên ngành của Bộ, ngành, Chính phủ nhằm tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương. Ngoài ra, tỉnh cũng cần phân bổ nguồn vốn cho các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố thành phố Quảng Ngãi... Có như vậy thì thành phố Quảng Ngãi mới hy vọng huy động được nguồn vốn cần thiết để đầu tư, chỉnh trang phát triển đô thị trong những năm đến.

Có thể nói, nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị đóng vai trò chủ lực, thế nhưng việc phát triển đô thị cũng cần theo một quy hoạch lâu dài, bài bản, gìn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường xanh sạch, tránh tình trạng đầu tư chấp vá, thiếu kiểm soát như thời gian qua.

Bên cạnh đó, sự thành công hay thất bại của việc xây dựng, phát triển đô thị ở thành phố Quảng Ngãi còn phụ thuộc rất lớn vào vai trò và ý chí quyết tâm của chính quyền địa phương thông qua những chính sách, cơ chế về đầu tư, tài chính, đặc biệt sự cần có sự chung tay, góp sức của mỗi người dân.

 
HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua đề án điều chỉnh, mở rộng thành phố Quảng Ngãi và thành lập các phường thuộc thành phố Quảng Ngãi theo hướng sáp nhập 1 thị trấn, 9 xã của huyện Sơn Tịnh và 3 xã của huyện Tư Nghĩa (một lần) theo Nghị quyết 02 ngày 28/6/2011 của Tỉnh ủy. Theo phương án này thì sẽ sáp nhập thị trấn Sơn Tịnh và 9 xã: Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh) và 3 xã: Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) vào thành phố Quảng Ngãi. Chuyển nguyên trạng thị trấn Sơn Tịnh thành phường Trương Quang Trọng thuộc thành phố Quảng Ngãi.

 

Bài, ảnh: M.Toàn

 


.