Chứng thực quyền sử dụng đất tại xã: Lỗi của cán bộ làm ảnh hưởng quyền lợi người dân

02:12, 16/12/2012
.

(QNg)- Việc UBND cấp xã thực hiện chứng thực quyền sử dụng đất theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04 của liên Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra nhiều sai sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tranh chấp phức tạp, khó lường.

Lợi thì có lợi, nhưng...

Thời gian qua, Thanh tra Sở Tư pháp đã tiến hành 44 cuộc thanh tra chuyên ngành về công tác chứng thực các hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất tại 44 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy, hầu hết các địa phương được thanh tra đều có những sai phạm. Cụ thể như trong hồ sơ hợp đồng giao dịch thiếu nhiều loại giấy tờ theo quy định tại Thông tư 04 nhưng cũng có trường hợp tự viết thêm nội dung không đúng quy định...

 

Cán bộ xã Ba Điền (Ba Tơ) giải quyết hồ sơ thủ tục đất đai tại xã. Ảnh H.H
Cán bộ xã Ba Điền (Ba Tơ) giải quyết hồ sơ thủ tục đất đai tại xã. Ảnh H.H


Đặc biệt, có nhiều trường hợp chứng thực hợp đồng vi phạm nghiêm trọng thủ tục chứng thực, như chứng thực hợp đồng thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình nhưng chỉ có một thành viên trong gia đình ký vào hợp đồng hoặc tài sản sở hữu chung; hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất trong khi người sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Những việc chứng thực như trên sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc giao dịch hợp đồng, không đảm bảo tính an toàn pháp lý cho người dân.

Chính vì chứng thực những hợp đồng giao dịch trái pháp luật như vậy cho nên trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp, khiếu kiện rất khó giải quyết hậu quả. Cụ thể đã có nhiều trường hợp UBND cấp xã chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình nhưng trong hợp đồng chỉ có chữ ký của người chồng, không có chữ ký của người vợ và các thành viên đồng sở hữu khác. Khi phát sinh tranh chấp mới biết rằng người chồng đã tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình mà không có sự thống nhất của các đồng sở hữu.

Theo nguyên tắc ký chứng thực hợp đồng thì các bên tham gia giao dịch hợp đồng phải ký trước mặt người có thẩm quyền chứng thực, người có thẩm quyền ký chứng thực phải kiểm tra năng lực hành vi dân sự của họ, kiểm tra sự tự nguyện giao kết...  Thế nhưng do chủ quan, tin tưởng hoặc vì những nguyên do nào đó mà nguyên tắc này không được công chức tư pháp, hộ tịch và người có thẩm quyền chứng thực quan tâm, nên trong thực tế đã có trường hợp lừa dối trong giao dịch quyền sử dụng đất trong đó có sự "giúp sức" của người có thẩm quyền chứng thực.

 "Ló" ra nhiều "bệnh"

Vì chứng thực ẩu, không tuân thủ nguyên tắc, nên trong thực tế cũng đã có những trường hợp công chức tư pháp hộ tịch và người có thẩm quyền chứng thực bị xử lý kỷ luật liên quan đến trách nhiệm chứng thực của mình và có trường hợp đã phải đối mặt với trách nhiệm bồi thường. Nguyên nhân do cán bộ công chức hộ tịch vừa thiếu lại yếu; công tác tham mưu chứng thực chưa đảm bảo quy định, chủ yếu là chú ý số thửa, số tờ bản đồ, diện tích chứ chưa chú trọng tính chất pháp lý của giao dịch. Một phần vì người dân chưa nắm vững quy định thủ tục giấy tờ, đã tác động yêu cầu cán bộ chứng thực "làm đại"; cán bộ đôi lúc để "cái tình" lấn át "cái lý", dễ dàng bỏ qua quy định về hồ sơ thủ tục… Việc làm sai luật này là do trình độ, năng lực chuyên môn cán bộ kém, nhưng cũng có thể vì nể tình quen biết, có thể là do chủ quan...

Để ngăn ngừa những sai sót, hạn chế hậu quả pháp lý xảy ra đối với chứng thực giao dịch quyền sử dụng đất ở xã, phường, thị trấn, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó giai đoạn 1 của lộ trình phát triển các tổ chức hành nghề công chứng (từ năm 2010 đến 2015) chỉ "tập trung củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Phòng Công chứng hiện có"... và "Phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện có... 1 tổ chức hành nghề công chứng". Đây là một việc làm thiết thực từng bước chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng hiện hành.
  

Vương  -  Xuân  
 


.