Mong có cây cầu...

07:11, 27/11/2012
.

(QNg)- Nhiều vùng trong tỉnh, người dân đang thấp thỏm lo sợ vì chuyện đi lại rất bất an. Mong ước có cây cầu kiên cố là nguyện vọng thiết tha của những người dân hàng ngày đang "đánh đu" với số phận của mình.

Bất an những chuyến đò    

Mỗi mùa mưa lũ về, hơn 10 nghìn dân hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây ở đôi bờ sông Vệ, hàng ngày đi lại qua sông phải trông cậy vào con đò nhỏ nhoi, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy rình rập. Khi lũ về, tuyến đường "độc đạo" này bị cô lập hoàn toàn, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

 

Qua lại Sông Vệ đối mặt với hiểm nguy chực chờ, nhưng không phải ai cũng chủ động mặc áo phao bảo vệ tính  mạng của mình.                                         Ảnh: K.Ngân
Qua lại Sông Vệ đối mặt với hiểm nguy chực chờ, nhưng không phải ai cũng chủ động mặc áo phao bảo vệ tính mạng của mình. Ảnh: K.Ngân


Những ngày mưa lũ, nước sông Vệ cuồn cuộn chảy về, khiến chiếc cầu tạm làm bằng tre đã bị cuốn trôi, người dân hai xã đi lại qua sông nhờ vào hai chiếc đò nhỏ. Được biết, bến đò mỗi ngày đưa đón cả 1 nghìn lượt người dân và học sinh qua lại. Người thì đông trong khi phương tiện thì không đáp ứng đủ, nên cảnh chen chúc, đợi chờ diễn ra thường xuyên ở đây. Khổ nhất là các em học sinh và giáo viên. Vào buổi sáng nếu chậm đò đồng nghĩa thầy trò chậm trễ việc dạy-học, còn vào buổi tan trường sau những tiết học căng thẳng lại phải chờ đò trong tình trạng mệt mỏi.

Ông Nguyễn Tấn Diệp, người lái đò ở đây cho biết: "Nhiều lúc chúng tôi chèo hết "công suất" vẫn không thể chở khách được kịp thời". Ông Diệp còn nhớ kí ức kinh hoàng cách đây 5 năm, vì đi lại qua bến sông này trên chiếc đò tạm bợ, không may đò bị lật, nên hai giáo viên tiểu học đã bị nước lũ cuốn trôi, các cô đã ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ. Lần khác, khi đưa khách qua sông, vì chở nhiều hàng hóa cùng với học sinh nên đò mất thăng bằng lật úp xuống sông, may mà ông cùng phụ đò Nguyễn Cúc cứu kịp thời tính mạng của 5 học sinh.

Mong mỏi về chiếc cầu bằng bê tông mãi là mơ ước chưa thành, nên để giúp bà con đỡ vất vả hơn trong việc đi lại, hằng năm vào mùa nắng, chính quyền xã Hành Tín Đông trích kinh phí hơn 30 triệu đồng mua tre, bạch đàn và huy động công sức của bà con để làm chiếc cầu bằng tre dài 250 mét, rộng 2,5 mét để qua sông. Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa lũ thì chiếc cầu tạm bợ này cũng đi theo sông nước, vì không đủ sức chịu sự tàn phá của nước sông dâng cao.

Ông Đào Thanh Công- Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông bày tỏ: "Lãnh đạo hai xã và bà con đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mong muốn được cấp trên đầu tư xây dựng chiếc cầu kiên cố nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân mỗi khi qua sông. Thế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Mỗi mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, người dân hai xã bị cô lập hoàn toàn vì không thể đi đò qua sông.

Qua cầu mà… run

Về xã Bình Long (Bình Sơn) trong những ngày này, đâu đâu bà con cũng bàn tán, suy tính vì cây cầu huyết mạch, nối liền thôn Long Hội với cánh đồng sản xuất chính trong xã lại "trở chứng". Tuy là cầu bê tông, nhưng cầu nhỏ, hẹp lại xuống cấp trầm trọng. Cây cầu này là tuyến giao thông huyết mạch dẫn ra cánh đồng sản xuất của bà con thôn Long Hội. Bên kia cầu là nơi sinh sống của gần 10 hộ dân xóm 10, 100% hộ dân ở đây sống bằng sản xuất nông nghiệp, nhưng đời sống của bà con còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, cây cầu không chỉ phục vụ đi lại của bà con mà hàng ngày, người dân ở các thôn khác có đồng ruộng gần Long Hội cũng qua cầu ra cánh đồng canh tác. Và quan trọng hơn hết, đây là con đường đến trường của hàng chục học sinh xóm 10. Mỗi lần mưa lũ, xóm 10 bị cô lập, người dân bên ngoài cũng không thể qua sông ra đồng thu hoạch hoa màu được.

 Ông Hồ Cao Sơn (82 tuổi) cho biết: Cây cầu bê tông này được xây dựng từ trước giải phóng nay đã xuống cấp lắm rồi. Nhiều người đi làm qua cây cầu nhỏ bé này té ngã suýt chết. Thế nhưng, biết làm sao được, người dân ở đây không có con đường nào khác nên phải đi qua cây cầu bê tông già nua này. Cầu hẹp, xuống cấp nên tai nạn xảy ra như cơm bữa, nhất là trẻ nhỏ. Tại cây cầu này từng có 2 đứa nhỏ rơi xuống chết đuối. Thấy cầu nguy hiểm, xã cho làm lan can, nhưng cơn lũ năm 2009 cuốn trôi mất. Mặc dù rất lo lắng, nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm sao?

Ông Hồ Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: Muốn xây dựng cầu qua đoạn sông này thì cần có khoản tiền trên 500 triệu đồng, nhưng sự đóng góp của người dân có hạn, ngân sách xã thì không có. Do đó, để khắc phục tình trạng này, UBND xã đã có tờ trình xin UBND huyện đầu tư và nghe đâu huyện cũng đã có chủ trương xây dựng cầu, nhưng khi nào làm thì xã không rõ.


K.Ngân - B.Sơn
 
 


.