Đặc sản chuột đồng ở Đức Phong

09:11, 28/11/2012
.

(QNĐT)- Thịt chuột đồng là món đặc sản đồng quê mang nét riêng biệt ở xã Đức Phong (Mộ Đức) từ nhiều năm nay. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, với giá thịt chuột từ 80- 120 nghìn đồng/kg, việc săn bắt và buôn bán chuột đồng đã trở thành một “nghề” đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

TIN LIÊN QUAN


Vào mùa lúa chín và mùa nước lớn, ai về Đức Phong cũng không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh người người, nhà nhà cầm các dụng cụ như: Cuốc, xẻng, lưới, gậy… cùng nhau hì hụi, chạy đuổi trên các cánh đồng rộng mênh mông. Ít ai biết được rằng, người nông dân nơi đây có thú săn bắt chuột đồng rất lạ đời.

Lạ đời ở chỗ, việc săn bắt, tiêu diệt chuột- đối tượng cắn phá mùa màng là chuyện phải làm. Tuy nhiên, nông dân Đức Phong săn bắt chuột không phải để tiêu hủy, mà để làm món nhậu bình dân ngon lành, và thậm chí là đem ra chợ bán như một nông sản có giá.

 

Người nông dân Đức Phong đã biết cách tạo ra nhiều món ngon từ thịt chuột đồng
Người nông dân Đức Phong đã biết cách tạo ra nhiều món ngon từ thịt chuột đồng


Anh Trần Xí- Chuyên gia săn bắt chuột cho biết: Thịt chuột đồng là món nhậu khoái khẩu của bà con chân đất từ xưa đến giờ. Thế nhưng, khoảng 3, 4 năm trở lại đây, nó đã trở thành đặc sản quê hương. Chuột đồng xuất hiện nhiều nhất vào đúng lúc nông nhàn, nên nông dân chúng tôi tranh thủ đi bắt về bán cho các quán nhậu để kiếm thêm thu nhập đáng kể. Trong ngày cao điểm, một người có thể kiếm được 300-400 nghìn đồng từ việc săn bắt chuột.

Để bắt được chuột đồng không hề đơn giản, anh Xí kể. Có 1.001 cách săn bắt thủ công theo kinh nghiệm của người nông dân Đức Phong đã gắn với ruộng đồng từ bao đời nay. Thế nhưng, một điểm chung là phải có một “đội quân” gồm 3 - 4 người tham gia phối hợp mới có thể thu được chiến lợi phẩm là những con chuột đồng lông vàng óng, béo múp.

Dụng cụ săn bắt chuột thường là vợt, lưới, xà beng, cuốc, thậm chí là chó săn, ống tre có thiết kế để chuột chạy vào được nhưng không có đường chạy ra. Hang chuột thường rất dễ phát hiện ở các bờ mương, kênh và bờ ruộng. Vào mùa lúa chín, nước ngập, một đội săn bắt chuột có thể thu về trên dưới 20kg đem bán cho các quán nhậu và các chợ trong xã.

Công đoạn săn bắt đã khó, việc làm thịt để tạo thành những món hấp dẫn lại càng đòi hỏi công phu hơn nữa. Phải mất rất nhiều thời gian để những con chuột đồng lúc nhúc trở thành những món rô ti, xào sả ớt, trộn măng, nướng lá chanh, xào lăn… Những món ấy được dân nhậu rất ưa chuộng và tôn lên hàng đặc sản không phải lúc nào cũng có.

Ông Nguyễn Thôn- chủ một quán nhậu bình dân ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong cho biết: Vào mùa săn bắt chuột, hằng ngày quán của tôi bán ra 15-20 kg thịt với giá 120 nghìn đồng/kg. Không chỉ vậy, chuột đồng còn được nhốt trong các lồng sắt đem ra bán ngoài chợ, thậm chí là đặc sản được gửi đi mọi miền đất nước.

 

Săn bắt và mua bán chuột đã giúp bảo vệ mùa màng, tạo thu nhập cho người dân nhưng cần cẩn trọng vì chuột là loài trung gian lây truyền nhiều bệnh dịch
Săn bắt và mua bán chuột đã giúp bảo vệ mùa màng, tạo thu nhập cho người dân nhưng cần cẩn trọng vì chuột là loài trung gian lây truyền nhiều bệnh dịch


Vốn dĩ, thủ phủ của món chuột đồng nổi tiếng là ở xã Đức Phong. Thế nhưng, vì cái vị thơm ngon khó cưỡng lại của món đặc sản đồng quê này mà nhiều người nông dân ở các xã lân cận trong huyện cũng bắt đầu phong trào đi săn chuột, nhậu bình dân với món thịt chuột.

Ông Đinh Văn Bé- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong cho biết: Với đặc trưng là địa phương trũng nhất huyện Đức Phong, cánh đồng rộng 850ha ở xã Đức Phong năm nào cũng là nơi trú ngụ của hàng chục nghìn con chuột đồng, về cắn phá mùa màng, gây thất bát lớn cho người nông dân. Do vậy, việc nhiều người nông dân tích cực đi săn bắt chuột đã góp phần giảm thiểu nguy cơ mùa màng tổn thất vì chuột.

Hằng năm, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm nông dân và ĐVTN ra quân săn bắt, tiêu diệt chuột trước khi vào vụ mùa. Mỗi lần ra quân như vậy, số chuột thu về khoảng 1.000 con. Tuy nhiên, con số này vẫn còn ít so với số lượng chuột bị tiêu diệt bởi những đội quân săn chuột quanh năm chuyên nghiệp tại địa phương.

Ông Đinh Văn Bé khẳng định, nghề sắn bắt, mua bán chuột đã giúp nhiều người nông dân có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn, đồng thời góp phần bảo vệ mùa màn. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác vì chuột là loài trung gian gây ra 40 loại bệnh ký sinh trùng ở người như: Giun sán, dịch hạch, nấm da, nấm lông…

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng lo lắng vì việc săn bắt chuột ồ ạt sẽ khiến cho nhiều bờ ruộng, mương nước, con đê bị đào xới nham nhở, gây ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, nhất là trong mùa mưa lũ.

 


Thanh Phương
 

 


.