Vai trò của người dân trong phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai

10:10, 04/10/2012
.

(QNĐT)- Không cam chịu cảnh bị thiệt hại nặng nề về tài sản và cả tính mạng chỉ sau một trận thiên tai, người dân ở một số địa phương ven biển, vùng trũng ở tỉnh ta đã có cách phòng tránh rất hiệu quả. Bằng những công trình trú bão và kè kiên cố, họ có thể bảo vệ cuộc sống yên bình vốn có khi đi qua những mùa mưa bão.

TIN LIÊN QUAN


Sống trong cảnh bị thiên tai rình rập, đe dọa thường xuyên, họ đã tìm mọi cách hạn chế tối đa các thiệt hại có thể gặp phải. Nhân dân ở những làng chài ven biển và vùng trũng đã sáng tạo xây dựng các mô hình nhà trú bão từ mini đến tòa nhà trú bão vững chãi. Còn người dân ở đảo Lý Sơn cũng tìm cách lấn biển, xây kè để chống lại tình trạng sạt lở do sóng biển gây ra ngày càng nghiêm trọng…

Sáng tạo xây dựng và phát huy tác dụng của nhà trú bão

Còn nhớ, cơn bão số 9 năm 2009 đã làm tan nát rất nhiều vùng quê ven biển, trong đó có xã Bình Hải. Thế nhưng, hàng trăm người dân nơi đây vẫn an toàn thoát nạn. Đó là nhờ vào các nhà, hầm trú bão tự sáng chế với kinh phí rất rẻ, khoảng từ 4 triệu đồng/chiếc.

 

Nhà tắm kiêm trú bão của người dân xã Bình Hải
Nhà tắm kiêm trú bão của người dân xã Bình Hải


Dẫn chúng tôi đi “tham quan” nhà tắm kiêm trú bão của gia đình được xây dựng từ cách đây 7 năm, bà Phạm Thị Phượng, thôn An Cường phấn khởi cho biết: Ngôi nhà này chỉ rộng chừng 8 mét vuông nhưng được đầu tư xây kiên cố với tường dày, có 4 trụ bê tông kiềng sắt kiên cố, chống lực tác động mạnh. Phía trên trần nhà xây dựng bồn chứa nước và hệ thống ống nước vào “nhà trú bão” để sinh hoạt thường ngày. Nhờ có nó, mà cả 5 mạng người của gia đình tôi bình an qua nhiều cơn bão lớn.

Không chỉ gia đình bà Ngọc, mà hầu hết các gia đình trong thôn đều có công trình trú bão để bảo toàn tính mạng qua mùa mưa bão khắc nghiệt. Ngoài dạng nhà tắm kiêm trú bão, người dân nơi đây còn sáng tạo thiết kế, xây dựng nhiều kiểu nhà kiên cố khác nhau như: Nhà trú bão xây bằng đá tổ ong, hầm trú bão, nhà trú bão mini…

 

Nhà trú bão mini
Nhà trú bão mini


Tất cả những dạng nhà trên không ngoài mục đích đảm bảo tính mạng và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân trong điều kiện thời tiết xấu. Hiện tại, trên địa bàn xã có khoảng 47 nhà, hầm trú bão được bà con nhân dân đầu tư xây dựng. Đây là hình thức sáng tạo của người dân trong khi chưa được cấp kinh phí xây nhà trú bão cộng đồng.

Tính sáng tạo ấy thể hiện rất rõ giá trị cả về ý nghĩa xã hội và kinh tế. Ý nghĩa của việc làm này chính là người dân đã cụ thể hóa chủ trương “4 tại chỗ” trong phòng, tránh thiên tai, lũ lụt một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Chỉ cần mỗi nhà xây dựng một nhà trú bão kiên cố, mọi sinh hoạt của người dân sẽ không bị đảo lộn và người dân có thể hoàn toàn chủ động trong việc đối phó với bão, lũ.

Ở các địa phương đã được xây nhà trú bão cộng đồng, người dân nơi đây cũng đang phát huy rất tốt tác dụng của những công trình này. Ông Bùi Đức Thái- Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh cho biết: Từ năm 2009 đến nay, Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, tổ chức Jica và Ngân hàng Thế giới (WB) đã và đang trích hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây gần 20 mô hình nhà cộng đồng phòng chống thiên tai và các công trình công cộng kèm chức năng phòng chống thiên tai như trường học và trạm y tế tuyến xã.

 

Nhà cộng đồng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thôn An Phú
Nhà cộng đồng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thôn An Phú


Ông Bùi Tỏi- Trưởng thôn An Phú, xã Tịnh An, Sơn Tịnh chia sẻ về ngôi nhà phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai của thôn: Ngôi nhà được xây dựng vào năm 2009, với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trích từ Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung. Nhà được xây dựng trên diện tích rộng 2.500m2, có thiết kế kiên cố, cao 2 tầng. Ngày thường, chúng tôi tận dụng làm nhà văn hóa thôn và nơi học hành của các cháu nhỏ. Đến ngày mưa bão, ngập lụt thì lại làm nơi sinh hoạt tạm thời cho hàng trăm người.

“Nhờ có sự quan tâm của nhà nước và các ngành chức năng mà hơn 300 hộ dân sinh sống ở vùng trũng này yên tâm và chủ động hơn trong việc đối phó với mưa lũ. Đây chính là công trình thiết thực giúp nhân dân chúng tôi ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết.”- Ông Bùi Tỏi khẳng định.

Chủ động lấn biển, ngăn ngừa sạt lở

Cũng với quyết tâm cao không chịu khuất phục sự khắc nghiệt của thời tiết, thời gian qua, nhiều người dân Lý Sơn đã kiên nhẫn cõng đá lấp biển, bảo vệ từng mét vuông đất quí giá trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Ông Võ Nhất ở thôn Tây, An Vĩnh là người tiên phong, không cam chịu đứng nhìn biển cuốn đi hàng chục mét đất dọc dài theo bờ biển sau mỗi mùa mưa bão. Ông Nhất chia sẻ: Cứ mùa mưa bão nào cũng vậy, gia đình tôi và nhiều hộ sống ven biển khác lại phải sống trong lo âu thấp thỏm, không biết đến khi nào biển sẽ cuốn trôi nhà cửa và đe dọa tính mạng. Thế là tôi nghĩ cần phải ngăn chặn tình trạng sạt lở nghiêm trọng này với cách duy nhất là dùng đá chất làm kè chắn sóng và giữ đất.

 

Người dân Lý Sơn vẫn miệt mài chất đá xây kè để bảo vệ hàng ha đất ven biển
Người dân Lý Sơn vẫn miệt mài chất đá xây kè để bảo vệ hàng ha đất ven biển


Ông Nhất và gia đình cặm cụi lên núi chuyển những hòn đá nặng nề để đưa xuống biển. Ngày qua tháng lại, một bờ tường cao đến 5m, dài 20m hình thành. Đó là thành quả lớn lao mà ông mong chờ bấy lâu nay. Không chỉ lấn được biển mà những trận triều cường, hay bão dữ cũng đành khuất chịu trước bờ tường vững chắc trước nhà ông.

Thấy được thành công ban đầu ấy, nhiều gia đình trên đảo cũng học tập, làm theo cách của gia đình ông Nhất. Đến nay đã có hàng chục ha đất dọc theo bờ biển được hình thành nhờ vào ý chí lấn biển của người dân Lý Sơn.

Anh Phạm Hỷ, xã An Vĩnh cho rằng, thời tiết ở đảo khắc nghiệt, người dân liên tục phải đối mặt với sóng gió, thiên tai nên mọi người ở đây ai cũng ý thức một việc là làm thế nào để bảo vệ mình. “Nếu chúng tôi không xây dựng kè đá chắn sóng, lấn biển thì trước sau gì Nhà nước cũng sẽ đầu tư, nhưng mình phải chủ động không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Nhờ vậy mà làng này mới giữ được như bây giờ” – anh Hỷ nói.

Qua những câu chuyện về việc sáng tạo xây nhà trú bão ở Bình Hải hay chủ động làm kè chắn sóng ở Lý Sơn, chúng ta có thể thấy ý thức và vai trò rất cao của người dân trong việc ứng phó với thiên tai và sự khắc nghiệt của thời tiết. Đây chính là những hành động thiết thực vừa mang lại lợi ích cho cá nhân và cả cộng đồng.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có sự phối hợp, hỗ trợ người dân để nhân rộng, phổ biến những mô hình, hành động mang ý nghĩa sâu sắc này trên tất cả các địa phương ven biển, vùng ngập trũng. Đó là cách để chúng ta bảo vệ tính mạng và tài sản trước xu hướng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.


M.Toàn-T.Phương

 


.