11 năm đi tìm "quyền" cho đất

01:10, 28/10/2012
.

(QNg)- Mặc dù làm ăn và sinh sống trên phần đất của mình đã 11 năm nay, nhưng đến giờ, ông Lữ Trọng Cân ở xóm Ga, thôn Hiệp An, xã Phổ Phong (Đức Phổ) vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) vì sự tắc trách của chính quyền địa phương.
 
440 m2 đất mà ông Lữ Trọng Cân đang ở vốn được mua của bà Phạm Thị Yến vào năm 2001 với giá 50 triệu đồng. Sau đó, ông Cân đầu tư xây dựng máy xay xát, nhà cửa kiên cố và ở mãi đến tận giờ. Ấy vậy mà 11 năm qua, ông Cân không biết vì lý do gì mà số diện tích đất này vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ, dù đã nhiều lần mang hồ sơ đến UBND xã để xin.

Nỗi lòng biết tỏ cùng ai


"11 năm qua, tôi lên xuống UBND xã không biết bao nhiêu lần. Lúc thì cán bộ kêu bận, lúc lại bảo hồ sơ bị thất lạc nên tôi phải làm lại đến 3 lần mà đến giờ cũng không thấy giấy CNQSDĐ ở đâu", ông Cân bức xúc cho hay. Vừa nói, ông Cân vừa trưng ra các loại giấy tờ liên quan, thể hiện quyền hợp pháp trên mảnh đất mà mình đang cư ngụ. Trong đó, giấy bán đoạn mãi đất thổ cư giữa bà Phạm Thị Yến và ông Lữ Trọng Cân (ngày 2/2/2001) có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Phổ Phong, cùng người làm chứng. "Rõ ràng là chúng tôi  chuyển nhượng đất hợp pháp. Hồ sơ thủ tục đầy đủ, vậy mà họ cũng không chịu làm giấy CNQSDĐ khiến gia đình tôi rất khốn khổ", ông Cân nói như than.

 

Ông Lữ Trọng Cân (bên trái) và Thới Kim Thượng (con trai bà Yến) đang trưng các loại giấy tờ liên quan khi trình bày vụ việc với phóng viên.
Ông Lữ Trọng Cân (bên trái) và Thới Kim Thượng (con trai bà Yến) đang trưng các loại giấy tờ liên quan khi trình bày vụ việc với phóng viên.


Dù phải đi lại, bổ sung giấy tờ trong suốt 11 năm qua, nhưng ông Cân vẫn nhẫn nại chờ đợi. Ông nghĩ rằng, có lẽ hồ sơ của mình sai sót, nên cấp trên cần có thời gian để kiểm tra! "Mỗi khi tôi đến hỏi, xã cứ hứa và bảo… đợi, chứ không cho biết lý do vì sao phần đất của tôi bị chậm cấp giấy CNQSDĐ", ông Cân cho hay.

Đợi hoài mà chẳng thấy động tĩnh gì, đến năm 2009, ông Cân gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường nhờ can thiệp. Ngày 1/9/2009, Chánh Thanh tra Sở TN&MT đã có phiếu chuyển đơn yêu cầu Chủ tịch UBND xã Phổ Phong xem xét giải quyết. Thế nhưng, đến giờ, phần diện tích đất của ông Cân vẫn chưa có được "tấm giấy thông hành".    

Trong khi đợi giấy CNQSDĐ, thì năm 2010, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn Thạch Trụ - Phổ Phong (Km0 - Km8) được triển khai. Đất của ông Lữ Trọng Cân lại vướng vào quy hoạch và bị thu hồi 138m2. Điều này đồng nghĩa với việc ông phải tháo dỡ nhà cửa, máy xay xát ở phần diện tích trên để phục vụ thi công công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gia đình ông Cân vẫn không hiểu vì sao mình chưa nhận được khoản tiền đền bù đất và tài sản (tổng số tiền là 498.587.000 đồng - PV). Vì vậy mà đến giờ, ông Cân vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng, khiến cho tiến độ thi công của dự án cũng bị ảnh hưởng.

Đâu rồi trách nhiệm với dân?

Làm việc với chúng tôi, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Phổ Phong khẳng định: "Lý do ông Cân chưa có được giấy CNQSDĐ là vì phần diện tích đất này bị ông Thới Thêm (em chồng bà Phạm Thị Yến - PV) gửi đơn khiếu nại từ năm 2001". Tuy nhiên, khi được tôi cung cấp thông tin trên thì bà Phạm Thị Yến tỏ ra bất ngờ bởi từ trước đến giờ, bà Yến không hề được chính quyền xã thông báo về vấn đề này. "Nếu năm 2001, ông Thêm có đơn khiếu nại quyền sở hữu diện tích đất mà tôi đã bán cho ông Cân thì tại sao từ đó đến nay, xã không mời chị em tôi đến để giải quyết". Còn ông Cân thì đặt câu hỏi: "Xã đã biết đất của tôi bị ông Thêm khiếu nại ngay từ đầu, vậy tại sao vẫn im lặng để tôi xây dựng nhà cửa kiên cố và ở đến tận hôm nay?  Đã thế, khi tôi đi làm giấy CNQSDĐ thì năm lần bảy lượt chính quyền xã bảo hồ sơ của tôi bị thất lạc, phải làm lại chứ không hề nói lý do là đất đang bị tranh chấp?”.

Lý giải những vấn đề trên, ông Trần Tiến Dũng thừa nhận: "Do chính quyền quản lý lỏng lẻo nên không ngăn chặn việc xây dựng nhà của ông Cân trên phần diện tích đất đang bị tranh chấp"! Cũng theo ông Dũng thì, sau khi tiếp nhận đơn của ông Thới Thêm, xã đã triệu tập bà Yến và ông Thêm đến giải quyết. Nhưng vì ông Thêm đã già, lại ở tận TP Quy Nhơn nên không về, mà ủy quyền cho con trai là Thới Gia Đạt. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2001, Thới Gia Đạt chưa đủ tuổi công dân nên xã đã hủy buổi làm việc đó. Và vụ việc lại rơi vào im lặng.

Ở đây, điều khiến dư luận bức xúc chính là cách làm tắc trách của chính quyền xã Phổ Phong trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ việc. Bởi, nếu ngay từ đầu, xã mời các bên liên quan đến đối chất và tiến hành kiểm tra để xác định trước đây bà Yến hay ông Thêm là chủ sở hữu của phần đất trên; đồng thời thông báo cụ thể những khúc mắc để ông Lữ Trọng Cân được biết, thì sự việc đã không kéo dài đến tận 11 năm qua. "Nếu vướng tranh chấp thì ngay sau khi Thanh tra Sở TN&MT có ý kiến yêu cầu giải quyết, đáng lẽ chính quyền xã phải tìm cách tháo gỡ và thông báo với chúng tôi. Đằng này họ cứ im lặng, dân chẳng biết đâu mà lần", ông Cân bộc bạch.


Hiện ông Lữ Trọng Cân đang rất mong các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, làm rõ những uẩn khúc trong vụ việc này. Từ đó xử lý dứt điểm vụ việc, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho ông.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.