Ước một lần có được chiếc lồng đèn...

09:09, 27/09/2012
.

(QNĐT)- Rằm tháng Tám hằng năm là dịp để các em thiếu nhi có cơ hội vui chơi, tận hưởng không khí ấm áp, hạnh phúc bên gia đình với những chiếc lồng đèn xinh xắn cùng kẹo bánh và tiếng trống lân. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng có được niềm vui ấy, nhất là với trẻ em vùng nông thôn.

TIN LIÊN QUAN


Bé Nguyễn Thị Ánh Thương, học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa là một trong những trẻ em như thế. Nhà Thương nghèo, thu nhập gia đình em chủ yếu dựa vào công lao động chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng của mẹ và bà ngoại. Từ nhỏ, em đã không biết mặt cha. Em lớn lên trong tình thương yêu của bà ngoại, mẹ và chị gái.

Em nói, mẹ và bà vất vả lắm mới có tiền cho em ăn học, nên em phải chăm chỉ học hành. Vì vậy, phần thưởng học sinh giỏi của em khi kết thúc năm học là niềm vui an ủi cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Hoa- mẹ của Thương chia sẻ: Tuy cháu nhỏ nhưng cũng hiểu chuyện nên không bao giờ làm cho bà và mẹ buồn. Thấy cháu học giỏi, tôi cũng cố gắng làm để kiếm tiền cho con được tiếp tục đến trường.

 

Bé Thương bên người mẹ bị tai biến và liệt nửa người
Bé Thương bên người mẹ bị tai biến và liệt nửa người


Cuộc sống gia đình em tưởng chừng trôi qua lặng lẽ trong ngôi nhà tuềnh toàng ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú. Thế nhưng, cuộc đời không như tên gọi. Cách đây vài tháng, người mẹ mới tròn 30 tuổi của Thương chẳng may bị tai biến, liệt nửa người và chẳng còn khả năng lao động. Chị ruột của Thương mới thi đỗ vào Trường THPT Thu Xà cũng phải bỏ học giữa chừng để vào nam kiếm tiền, lo cho gia đình.

Gánh nặng ấy lại làm cho em bớt đi cái hồn nhiên đáng có của tuổi học trò. Em vẫn chăm chỉ đến trường và càng quấn quýt chăm sóc cho mẹ hơn. Nhưng lúc nào rảnh thì em lại cặm cụi đi phụ bán bánh xèo và hàng tạp hóa trong xóm để kiếm ít tiền công. Đó chỉ là vài nghìn đồng lẻ, nhưng không bao giờ em giấu riêng cho mình mà đưa hết cho mẹ.

Với em, Tết Trung thu hay ngày thường cũng chẳng khác nhau là mấy. Không kẹo bánh, không lồng đèn. Mẹ của Thương nghẹn ngào nói: “Tôi giờ bệnh tật thế này có làm được gì đâu. Cuộc sống gia đình cũng chấp chới, phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Thì lấy đâu ra tiền để mua bánh kẹo, đồ chơi cho con trong dịp tết Trung Thu. Việc học hành còn chưa chắc được đảm bảo nữa là. Cháu thiệt thòi nhiều lắm so với những đứa trẻ khác…”- Nói xong, chị đưa mắt nhìn đứa con gái gầy đét, đen nhẻm mà lòng như sát muối.

 

Em vẫn hằng ước ao có một chiếc lồng đèn xinh xắn để chơi Trung thu cùng các bạn
Em vẫn hằng ước ao có một chiếc lồng đèn xinh xắn để chơi Trung thu cùng các bạn


Khi được hỏi Tết Trung thu này em mong muốn điều gì nhất, Thương liền trả lời: “Dạo gần đây, bạn bè lớp em hay mang theo đến lớp nhiều đồ chơi mới lắm. Nào là chiếc trống nhỏ, nào là lồng đèn do ba mẹ các bạn mua cho để chơi Trung thu. Em cũng ước mình có một chiếc lồng đèn nhỏ xinh. Nhưng không có cũng chẳng sao, em đã quen rồi…”- Đôi mắt đen nhánh, ánh lên sự nhanh nhẹn bỗng cụp xuống khi vừa dứt câu.

Từ nhỏ đến lớn, Thương nào có cơ hội được cầm chiếc lồng đèn xinh xắn trong dịp Tết Trung thu như các bạn cùng trang lứa khác. Thế nên, em vẫn cho đó là lẽ thường nếu Trung thu năm nay lại không lồng đèn, không kẹo bánh. Câu nói ấy của Thương đã làm lòng người nghe như se lại, quặn thắt.

Hoàn cảnh cụ thể của Thương chỉ là một ví dụ điển hình cho hoàn cảnh của hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ chưa từng được vui Trung thu vì nhiều lý do khác nhau. Chính vì vậy, để những mầm non tương lai ấy sẽ luôn được yêu thương và nảy mầm, vươn cao thì cần có sự quan tâm của cả cộng đồng và xã hội…


Thanh Phương
 


.