Tình trạng làm giả, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH: Cần phải xử lý nghiêm

06:09, 16/09/2012
.

(QNg)- Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên thông tin người lao động làm giả, mua, bán giấy chứng nhận nghỉ ốm để hưởng BHXH diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình thực hiện các chế độ BHXH. Đây là hành vi cố tình trục lợi quỹ BHXH từ nhiều phía.  

Trước thực trạng trên, ngày 25/8/2012 Giám đốc BHXH Quảng Ngãi ký Quyết định số 772 thành lập Đoàn kiểm tra, kiểm tra tại 5 cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT gồm 4 bệnh viện đa khoa: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Dung Quất, Bình Sơn, Sơn Tịnh và Trung tâm y tế huyện Sơn Hà. Qua kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy: Việc các cơ sở KCB cấp giấy nghỉ ốm cho người lao động nghỉ hưởng BHXH không đúng theo quy trình thủ tục quy định tại Thông tư liên tịch số 11/1999/TTLT-BYT-BHXH ngày 22/6/1999 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam hướng dẫn. Trong số 5 cơ sở được kiểm tra chỉ có Bệnh viện đa khoa Sơn Tịnh là đơn vị thực hiện tương đối tốt quy định này.

Tại các cơ sở KCB, những sai sót chủ yếu là chưa chú trọng công tác quản lý mẫu C65-HD (mẫu giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH) do cơ quan BHXH cấp cho các cơ sở KCB, không mở sổ sách theo dõi số lượng nhận và cấp (nhập, xuất, tồn). Vì vậy, khi kiểm tra các cơ sở KCB không cung cấp được số lượng nhận tại cơ quan BHXH và số đã cấp cho người lao động nghỉ ốm. Một số cùi phiếu (mẫu C65-HD) không ghi đầy đủ tên, họ người lao động đi khám, chữa bệnh, tên đơn vị cũng như ngày, tháng khám, chữa bệnh; y, bác sĩ không ký, ghi rõ họ, tên; thậm chí một số cùi phiếu lưu hoàn toàn bỏ trắng, việc cấp lùi ngày và hợp thức hóa ngày KCB xảy ra phổ biến.

Việc sử dụng và cấp mẫu C65-HD hết sức tùy tiện (có thể xin cho, mua, bán) không tuân thủ theo một trình tự diễn ra ngày càng nhiều trên phạm vi rộng, khó kiểm soát. Cơ quan BHXH đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nhắc nhở nhưng vẫn chưa được khắc phục, việc kết luận tại các biên bản kiểm tra ở các cơ sở KCB cũng chỉ dừng lại ở bước kiến nghị, đề nghị. Còn đối với người lao động, việc các cơ sở KCB cấp giấy nghỉ hưởng BHXH là nhu cầu chính đáng của người lao động khi đi KCB BHYT. Các cơ sở KCB phải xem đây là trách nhiệm của mình khi người bệnh có nhu cầu.

Tuy nhiên, theo quy định của bệnh viện, các cơ sở KCB có quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm cho người lao động trên cơ sở tình trạng bệnh tật, đồng thời theo từng tuyến chuyên môn kỹ thuật mà y, bác sĩ cấp giấy nghỉ ốm cho người lao động.

Theo quy định tại Thông tư số 11 ngày 22/6/1999 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tuyến xã, phường cấp giấy nghỉ ốm không quá 5 ngày, tuyến huyện không quá 7 ngày, tuyến tỉnh, Trung ương không quá 10 ngày. Như vậy, để được hưởng quyền lợi này, người lao động khi ốm đau phải đi KCB, cơ sở KCB mới cấp giấy nghỉ ốm, đơn vị sử dụng lao động xác nhận, đây là điều kiện cần và đủ để được cơ quan BHXH thanh toán. Quy định là vậy nhưng trên thực tế việc thanh toán chế độ nghỉ ốm hưởng BHXH người lao động lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lợi dụng trục lợi quỹ BHXH.

Việc làm giả giấy nghỉ ốm, cấp khống giấy nghỉ ốm cho người lao động đã được cơ quan BHXH phát hiện và từ chối thanh toán là chuyện có thật. Đã phát hiện một đơn vị ở Khu Kinh tế Dung Quất làm giả 6 chứng từ nghỉ ốm, 5 chứng từ cấp khống. Thời gian đến, ngành BHXH sẽ tiếp tục kiểm tra trên diện rộng nhằm chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm dụng quỹ BHXH như hiện nay, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các hành vi cố tình lạm dụng quỹ BHXH.


Quang Hùng
 


.