Phòng chống lụt bão ở Lý Sơn: Lo từ mùa nắng

07:09, 05/09/2012
.

(QNg)- "Nắng tháng tám, rám trái bưởi" nhưng huyện đảo Lý Sơn đã tập trung triển khai các phương án phòng chống lụt bão. Sự lo xa này là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay ở huyện đảo này.

TIN LIÊN QUAN


Phương châm cũ, cách làm mới!

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Công tác phòng chống lụt bão của huyện năm 2012 có nhiều đổi mới về cách thức thực hiện, sát thực với tình hình địa phương. Trong đó, nổi bật là cách vận dụng phương châm "4 tại chỗ" phải phù hợp với địa bàn và cụm dân cư từng xã, thôn; phân công, phân nhiệm cụ thể việc chỉ huy tại chỗ. Về "phương tiện tại chỗ", huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng cập nhật kịp thời, chính xác những phương tiện có thể sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

7 hộ dân KDC số 1, xã đảo An Bình (đảo Bé) huyện Lý Sơn biển đã “ngoạm” đến gần nhà sẽ được chính quyền ưu tiên di dời trước mùa mưa bão.
7 hộ dân KDC số 1, xã đảo An Bình (đảo Bé) huyện Lý Sơn biển đã “ngoạm” đến gần nhà sẽ được chính quyền ưu tiên di dời trước mùa mưa bão.


Để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản, UBND huyện Lý Sơn đang tích cực đôn đốc nhắc nhở các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình dân sinh, nhất là công trình có khả năng kết hợp phòng chống bão. Riêng đối với lực lượng tại chỗ, huyện sẽ tổ chức diễn tập tình huống để khi có bão đến lực lượng này có thể làm tốt việc di dời, ứng cứu nhân dân. Đồng thời tăng cường các thiết bị thông tin liên lạc, đảm bảo giữ vững thông tin phục vụ việc "chỉ huy tại chỗ". Huyện cũng đang tổ chức lập phương án di dời dân ra khỏi vùng sạt lở bờ biển. Trước mắt, ưu tiên di dời 7 hộ dân ở xã đảo An Bình (đảo Bé) và 15 hộ dân ở cồn An Vĩnh đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do kinh phí hỗ trợ di dời thấp (10 triệu đồng/hộ) nên người dân còn gặp nhiều khó khăn khi phải chuyển đến nơi ở mới.

Tích cực ứng phó biến đổi khí hậu

Bà Phạm Thị Hương cho biết thêm: Năm nay, trong phương án phòng chống lụt bão, Lý Sơn còn thực hiện các biện pháp ứng phó với động đất, sóng thần. "Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, việc tổ chức phương án ứng phó với thảm họa thiên tai này là cần thiết đối với cư dân đất đảo".

Theo số liệu thống kê của huyện đảo Lý Sơn, diện tích đảo đang bị thu hẹp dần hàng năm do ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Năm 1988, diện tích đảo là 1.034,5 ha; năm 2000 còn 1.000 ha; năm 2010 chỉ còn 995,75 ha. Tổng diện tích của đảo bị xâm thực trong giai đoạn 1988 - 2010 là 38,75 ha, bình quân gần 2ha/năm.  Với một hòn đảo nhỏ, diện tích chủ yếu là đồi núi, mật độ dân số 2.200 người/km2 thì diện tích đảo bị xâm thực là vấn đề hết sức lo ngại.

Theo dự đoán, những năm tới, mực nước biển ngày càng dâng cao, hiện tượng xâm thực, sạt lở còn diễn biến phức tạp. Do vậy, để chủ động hạn chế tác hại của hiện tượng xâm thực, sạt lở, huyện đang tích cực xây dựng một dự án nghiên cứu tổng thể về hiện tượng sạt lở ven biển. Trên cơ sở đó, xây dựng bản đồ phân vùng, nâng cao khả năng dự báo sự cố, đề xuất các giải pháp phòng tránh. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đang trình Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu phê duyệt dự án: "Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu huyện đảo Lý Sơn và đề xuất các biện pháp thích ứng". Tổng mức dự toán dự án này là 10 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của tỉnh là 2 tỷ đồng; dự kiến thời gian thực hiện từ nay đến 2013.


Bài, ảnh: Thanh huyền
 


.