"Ốc đảo" Ân Phú trước mùa mưa lũ

08:09, 12/09/2012
.

(QNg)- Mùa mưa bão đã cận kề. Thôn Ân Phú, xã Tịnh An (Sơn Tịnh) nằm giữa sông Trà Khúc có thể bị cô lập bất cứ lúc nào. Mọi sự chuẩn bị như ghe, thuyền, gạo, mì tôm, đèn pin… người dân phải lo từ bây giờ để sống chung với lũ.

Lo toan trước lũ

Chúng tôi đến thôn Ân Phú khi trời đã chuyển mùa. Nước sông Trà bắt đầu đục.  Men theo những tấm bê tông trải dài trên cát, chúng tôi băng qua sông, vượt qua chiếc cầu bắc qua con rạch nhỏ đến làng Ân Phú. Người làng giờ đã lo chuẩn bị cho mùa mưa lũ vì phỏng đoán năm nay mưa bão về sớm hơn, "dữ dằn" hơn. Trên cánh đồng rộng, nhiều người đang bẻ bắp, phơi trên những tấm bạt.

 

Khu vực nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai, trong thời điểm này đã biến thành sân phơi bắp, củ mì, lang. Đi sâu vào làng, nhiều hộ đang sửa lại chuồng bò, tôn cao nền đất. Anh Phạm Tấn Đi, nhà có 8 con bò. Anh đã chuẩn bị 8 dây thừng. Khi nước dâng cao là cột mõm bò treo lên cột chuồng bò để khỏi uống nước. Ở làng Ân Phú ai cũng chuẩn bị như thế. Ngoài bến sông, con đò đã được chủ đò xem lại tay lái, máy động cơ. Những áo phao, phao cứu sinh đã chuẩn bị sẵn sàng.

 

Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai đã được xây dựng trên vùng
Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai đã được xây dựng trên vùng "ốc đảo" Ân Phú.


Bà Lê Thị Phụ, người già trong làng kinh nghiệm: "Đời bà đã chứng kiến nhiều cơn mưa lũ  ở "ốc đảo" này. Khi lũ về nước sông Trà dâng cao là chảy dữ lắm, nên nhà cửa, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi... Nhưng thường lũ dữ xuất hiện sau hai hoặc ba năm lũ bình thường. Năm nay lại là năm Thìn và cũng là cách 3 năm rồi chưa có lũ lớn nên rất có thể năm nay sẽ có lũ lớn. Phỏng đoán vậy, bây giờ bà con ai cũng lo chủ động phòng tránh".

Ở  "ốc đảo" giữa  sông Trà qua những mùa mưa lũ sạt lở thêm nặng, nên đất sản xuất, đất ở cứ "teo" lại dần. "Năm nay, Nhà nước xây dựng kè đôi bờ sông Trà, bà con ven sông Trà trong đất liền vui mừng bao nhiêu thì dân ở làng giữa sông lại lo ngại bấy nhiêu. Bởi, xây như vậy chẳng khác nào "nhốt" con nước giữa dòng sông khi mưa lớn đổ về. Làng nằm giữa con sông nên lo ngại sẽ bị nước nhấn chìm hoặc cuốn trôi đi mất"- Bà Hồ Thị Hồng lo sợ.

Đưa tay chỉ những cồn cát phía tây của làng, chị Bùi Thị Thơi, nói: "Cát trên sông Trà bị khai thác triệt để. Đến bây giờ, mùa mưa sắp về mà vẫn còn khai thác. Khai thác như vậy sẽ tạo lòng sông càng thêm sâu. Nước sẽ chảy xiết hơn, mạnh hơn, làng giữa sông này nguy hiểm lắm".  

Rút kinh nghiệm những năm trước

Hơn 260 hộ, với 1.000 nhân khẩu ở thôn Ân Phú sinh sống bằng nghề trồng rau màu (không có ruộng lúa). Mưa lũ về, làng bị cô lập đến 4 tháng ròng nên bà con đến xã, các em học sinh trung học đến trường chỉ có cách duy nhất là bằng đò. Người lớn đã quen sống chung với lũ, quen sống cảnh ngập lụt, nên bao đời nay họ đã trụ bám ở làng. Nhưng trẻ em thì khó khăn nhiều lắm. Bà Hồ Thị Hồng, ngao ngán: "Mỗi khi làng bị cô lập, lòng sông rộng, bùn lầy ở phía bến quá sâu, con em đến trường, cha mẹ, anh chị chẳng an lòng, nên đi cùng các em qua sông. Có hôm mưa gió lớn, các em phải nghỉ học, có hôm vì khách sang sông quá đông, chuyến đò đầy không đưa các em kịp đến lớp". Chuyện học hành như thế nên nhiều em không theo kịp bạn bè, chán nản nghỉ học giữa chừng. Bà Hồng có 5 người con đều dang dở chuyện học hành. Chính vì vậy nên ở làng, số học sinh thi đậu đại học, cao đẳng không nhiều, dù rằng bà con rất quý trọng sự học.

Ông Phùng Ngọc Danh - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Để chủ động việc đi lại trong mùa mưa cho bà con, xã đã làm việc với Sở Giao thông vận tải, huyện Sơn Tịnh tập huấn cho những chủ lái đò. Đồng thời tạo điều kiện để bà con có giấy chứng nhận hợp lệ đưa đò. Bởi chủ đò đa số là những người làm nghề đánh bắt cá, họ có kinh nghiệm nhiều trong việc chèo chống, nhưng thiếu thủ tục quy định".

Ngoài ra, xã cũng đã phổ biến cho người dân phương án phòng chống lụt bão với phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng". Theo phương án, mỗi gia đình phải chuẩn bị lương thực, nước uống, thuốc men, đèn dầu trong gia đình ít nhất là 10 ngày. Tại thôn Ân Phú, Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung đã hỗ trợ 2 tỷ đồng để xây dựng nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai. Nhà được xây dựng với diện tích sàn 495 m2,  theo tiêu chuẩn cấp IV 2 tầng, có hệ thống điện, nước. Nơi đây đáp ứng cho bà con tránh lũ khi nước sông Trà dâng cao.


Bài, ảnh: MAI HẠ
 
 


.