Khiếu nại của ông Võ Văn Diệp là đúng

02:09, 12/09/2012
.

(QNg)- Gia đình ông Võ Văn Diệp ở thôn An Lạc, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) là hộ thuộc diện được cân đối cấp đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Song, chính quyền địa phương chỉ mới làm thủ tục cấp đất cho gia đình ông Diệp chứ chưa thể bàn giao đất ở thực địa. Do đó, ông Diệp đã phát sinh đơn khiếu nại kéo dài hơn 10 năm nay.

Ông Diệp trao đổi với chúng tôi trong nỗi niềm xót xa: Sinh sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp nhưng hơn 10 năm nay gia đình tôi không những không được giao đất thực địa để sản xuất mà còn phải chịu cảnh "vác đơn" đi gõ cửa các cơ quan chức năng xin được giải quyết. Vì thế nên cuộc sống gia đình hơn 10 năm qua gặp vô vàn khó khăn.


Cấp đất trên giấy...

Thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ, sau khi cân đối số diện tích đất hiện có, ngày 8/10/1999, UBND xã Nghĩa Thắng đã lập biên bản và chỉ địa điểm đất trên thực địa (cấp thêm cho đủ định suất 4 khẩu) cho hộ ông Diệp, gồm 13 thửa với tổng diện tích 3.100m2. Chính quyền địa phương đã yêu cầu ông Diệp đến UBND xã để nhận giấy báo thu hồi, làm việc trực tiếp với số hộ dân đang sử dụng để thống nhất đền bù hoa màu, hoặc sau khi chủ đất cũ thu hoạch xong thì ông Diệp tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, sau đó ông Diệp chỉ quản lý, sử dụng được 2/13 thửa đất với diện tích trên 870m2. Còn 11 thửa bị 8 hộ dân vẫn đang tiếp tục sử dụng hoặc tranh chấp việc sử dụng với hộ ông Diệp. Đó là những hộ: Nguyễn Hữu Đông, Nguyễn Tấn Tú, Nguyễn Nghêu, Võ Sinh, Võ Ra, Nguyễn Thị Thuận, Mai Thị Nương, Nguyễn Thị Nang.

Việc người dân chiếm giữ đất nêu trên do UBND xã Nghĩa Thắng chưa làm hết trách nhiệm. Bởi lẽ, khi thực hiện Đề án giao đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP, UBND xã Nghĩa Thắng không lập hồ sơ bàn giao cụ thể quỹ đất từ HTX quản lý cho UBND xã. Do đó, một số hộ dân tự kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với diện tích đất trong tiêu chuẩn và lợi dụng sự không kiểm soát diện tích đất của chính quyền nhằm giữ lại một số diện tích ngoài tiêu chuẩn để sản xuất. Số diện tích này lẽ ra phải là quỹ đất công ích UBND xã có trách nhiệm quản lý.

Như vậy, về mặt văn bản thì hộ ông Diệp đã được giao đất, nhưng về mặt thực địa thì chưa. Thế nhưng, khi bà Nguyễn Thị Bé (vợ ông Diệp) có đơn xin đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ với tổng diện tích 2.660m2 thì vẫn được Hội đồng đăng ký đất xã Nghĩa Thắng chấp thuận và đã được UBND huyện Tư Nghĩa cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào ngày 26/12/2000. Việc cấp giấy này là không đúng quy định về thủ tục đăng ký đất đai được quy định tại Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục Địa chính. Bởi lẽ, hộ ông Diệp và bà Bé chưa phải là người trực tiếp sử dụng toàn bộ số diện tích đất trên.

Hơn 10 năm cho một vụ khiếu nại

Được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng vẫn chưa có đất để sản xuất, nên đầu năm 2002 ông Diệp phát sinh đơn gửi đến UBND xã Nghĩa Thắng yêu cầu giao đất thực địa đối với số diện tích được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. "Để đảm bảo quyền lợi cho gia đình ông Diệp, UBND xã đã nhiều lần tổ chức vận động, thuyết phục những hộ dân đang sử dụng đất yêu cầu giao trả các thửa đất mà UBND huyện Tư Nghĩa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho ông Diệp, nhưng các hộ này vẫn không chấp hành"- lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thắng cho biết. Tiếp đó, ngày 26/11/2007, UBND xã ban hành các quyết định đình chỉ việc sản xuất đối với số diện tích nêu trên. Ngày 12/12/2007, UBND xã tổ chức lực lượng bảo vệ để giao đất thực địa cho ông Diệp gieo sạ 20kg thóc giống đã ngâm, nhưng các hộ đang chiếm dụng đất vẫn không chịu giao trả, chống đối, tiếp tục giữ đất. Do đó, đầu năm 2008, UBND xã Nghĩa Thắng đã có báo cáo sự việc và đề nghị UBND huyện Tư Nghĩa giải quyết theo thẩm quyền.

Được biết, từ năm 2007- 2011, UBND huyện Tư Nghĩa đã có nhiều văn bản chỉ đạo và ban hành 3 quyết định giải quyết đơn của ông Diệp theo hướng cấp đổi diện tích khác cho ông Diệp và thu hồi, hiệu chỉnh giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp. Song, do trong các quyết định của UBND huyện Tư Nghĩa chưa làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn, chưa xem xét giải quyết cụ thể vị trí đất khác để giao cho ông Diệp nên ông Diệp không đồng tình và liên tục khiếu nại.

Tiếp nhận đơn khiếu nại của ông Diệp đề ngày 15/11/2011, UBND tỉnh đã giao cho Thanh tra tỉnh tiến hành thẩm tra, xác minh và đã có Báo cáo số 33/BC-TT ngày 18/6/2012.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa đã ký Quyết định số 2181/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Diệp. Theo đó, UBND tỉnh công nhận nội dung khiếu nại của ông Diệp đối với việc UBND huyện Tư Nghĩa chưa giao đủ đất sản xuất nông nghiệp trên thực tế cho gia đình ông theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Tư Nghĩa hoàn thành việc giao đất cho hộ ông Diệp trước ngày 30/10/2012. Cũng theo UBND tỉnh, việc thực hiện chính sách giao đất nông nghiệp cho nông dân sử dụng ổn định, lâu dài theo Nghị định 64/CP là cuộc vận động san sẻ đất đai trong nội bộ nông dân nên không có chế tài cưỡng chế. Do đó, không có cơ sở pháp lý để ông Diệp yêu cầu UBND huyện Tư Nghĩa bồi thường thiệt hại do gia đình ông còn thiếu đất sản xuất.


         Đức Nguyễn
 


.