Hưởng ứng Tuần lễ làm cho thế giới sạch hơn: Hành động nhỏ- Tác động lớn

10:09, 17/09/2012
.

(QNĐT)- Hiện nay, vấn nạn rác thải tràn lan đang có nguy cơ đe dọa đến môi trường sống của chúng ta. Để ngăn chặn tình trạng này, mỗi người cần góp sức nâng cao nhận thức cá nhân và trách nhiệm cộng đồng bằng những hành động dù rất nhỏ.

TIN LIÊN QUAN


Xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh từng là một trong những điểm nóng về vấn đề rác thải ở tỉnh ta. Nếu cách đây hơn một năm, khi về Tịnh Kỳ, bất kỳ ai cũng cảm giác khó chịu bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải từ các chợ hải sản và rác sinh hoạt từ các hộ dân nơi đây.

Thế nhưng, giờ đã khác, Tịnh Kỳ đã trở thành một trong những địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý rác thải. Một trong những yếu tố để Tịnh Kỳ làm tốt công tác này phải kể đến mô hình thu gom rác thải tư nhân của chị Nguyễn Thị Công.

 

Vấn đề rác thải tràn lan đang đe dọa rất lớn đến môi trường sống của chúng ta
Vấn đề rác thải tràn lan đang đe dọa rất lớn đến môi trường sống của chúng ta


Được thành lập từ đầu năm 2012, đến nay, tổ thu gom rác của chị Công đã xử lý gọn gàng gần hết khối lượng rác của toàn xã. Đặc biệt, các vùng ven biển trong xã trở nên sạch đẹp và không còn mùi hôi tanh khó chịu bốc lên như trước. Đây chính là điểm sáng thể hiện việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong nhân dân.

Đội thu gom rác thải do chị Công quản lý có 5 người, được UBND xã trả tiền công 19 triệu đồng/tháng. Chị Công tâm sự: Thu gom rác vừa mệt, vừa bẩn, bởi lúc nào cũng phải tiếp xúc với đủ loại rác thải. Mệt, khổ là vậy, thế nhưng mỗi khi nhìn lại thấy đường thôn, ngõ xóm được sạch sẽ thì chị em trong tổ thu gom rất vui mừng. Nếu ai cũng nghĩ không tham gia thu gom rác thải thì môi trường không bao giờ trong sạch cả.

Cũng có nhận thức cao trong việc bảo vệ môi trường giống với chị Nguyễn Thị Công, ông Trương Minh ở thôn Châu Me, xã Đức Phong (Mộ Đức) đã làm theo cách rất riêng.

Vì hằng ngày phải sống gần rác, từng miếng ăn giấc ngủ cũng bị ám ảnh bởi mùi hôi thối từ rác, nên ông Minh quyết tâm phải là người đi đầu trong cuộc chiến với rác ở xã mình. Thế là ông Minh tự nghiên cứu, mày mò và đầu tư hơn 400 triệu đồng để sáng chế ra lò đốt rác thủ công rất hiệu quả.

 

Lò xử lý rác thải của ông Trương Minh ở xã Đức Phong, Mộ Đức
Lò xử lý rác thải của ông Trương Minh ở xã Đức Phong, Mộ Đức


Lò đốt của ông hiện tại đang hoạt động thường xuyên, với công suất 20 khối rác/lần đốt. Không chỉ xử lý bớt rác thải sinh hoạt cho bà con, mà ông còn phân loại, tận dụng để biến rác thành vật hữu ích.

Ông Minh lý giải: Phần lớn rác thải vẫn rất hữu ích có thể dùng làm đúc gạch, bán phế liệu hay ủ phân. Sau khi phân loại, chất thải hữu cơ được đưa vào hầm ủ kỹ đến khi phân hủy hoàn toàn. Trước khi sử dụng thì trộn với tro được lấy từ lò đốt để bón cho mía hay các loại cây hoa màu, đỡ tốn chi phí. Đối với nước thải thì cho dẫn vào hầm chứa để phục vụ việc sản xuất phân. Với cách xử lý đó, rác thải đã trở nên hữu ích vô cùng chứ không hề vô dụng như nhiều người vẫn thường nghĩ.

Những mô hình thu gom và xử lý rác thải cá nhân như của chị Công và ông Minh là điển hình cần nhân rộng trong cộng đồng. Không chỉ xóa sổ một khối lượng rác khổng lồ ở địa phương mà gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức bảo vệ môi trường của mọi người.

Hiện nay, ở các vùng nông thôn, vùng ven biển trong tỉnh ta, rác thải luôn là vấn đề nan giải đối với các cấp, các ngành. Các điểm “nóng” rác thải như ở xung quanh các khu vực chợ Bình Châu, lân cận các công trình kinh tế, công nghiệp hay vấn đề rác thải ở huyện đảo Lý Sơn… vẫn cứ “nóng” vì chưa có biện pháp xử lý triệt để.

 

Cần có sự chung tay của tất cả mọi người bằng những hành động thiết thực mới giúp thế giới sạch hơn
Cần có sự chung tay của tất cả mọi người bằng những hành động thiết thực mới giúp thế giới sạch hơn


Trong khi các cấp chính quyền cùng tham gia bàn luận và bị rối trong mớ bòng bong phải thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt như thế nào cho triệt để thì các mô hình nhỏ như của chị Công và ông Minh lại phát huy hiệu quả và nhận được nhiều sự đồng tình.

Chính vì vậy, để môi trường ngày càng xanh sạch hơn thì mỗi người cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của bản thân trong xử lý rác thải. Năm nay, chủ đề Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được đưa ra là: “Nơi sinh sống của chúng ta… Hành tinh của chúng ta… Trách nhiệm của chúng ta””.

Chủ đề này là nội dung tiếp theo của Chiến dịch năm 2011, thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới về “Xây dựng nền Kinh tế Xanh và Năm Quốc tế về Năng lượng bền vững 2012” do Liên Hợp Quốc phát động. Nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong các hoạt động chung của cộng đồng sẽ tác động lên toàn cầu, từ đó nâng cao nhận thức của cá nhân, của cộng đồng về trách nhiệm đối với môi trường, góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu…

Mỗi hành động bảo vệ môi trường của chúng ta dù nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn. Cần có sự chung tay của tất cả mọi người, mọi vùng miền, mọi quốc gia bằng những hành động thiết thực thì thế giới mới thực sự sạch hơn.


Thanh Phương

 

 


.