Nỗi lo bên tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê

10:08, 04/08/2012
.

(QNg)- Tuyến đường Mỹ Trà- Mỹ Khê được triển khai thi công hứa hẹn sẽ đem lại nhiều khởi sắc cho huyện Sơn Tịnh nói riêng và tỉnh ta nói chung. Thế nhưng, niềm vui chưa tròn thì nỗi lo đã hiển hiện trong mỗi người dân nơi có tuyến đường đi qua.
 

TIN LIÊN QUAN


Mùa mưa lũ đang đến gần, người dân các xã Tịnh An, Tịnh Long (Sơn Tịnh) lại thêm những ngày bất an.

MƯA LÀ NGẬP

Dù tuyến đường Mỹ Trà- Mỹ Khê đang trong quá trình xây dựng, nhưng người dân các xã Tịnh An, Tịnh Long đã phải đối mặt với cảnh ngập úng kéo dài khi trời mưa. Ông Nguyễn Ngọc Minh (thôn Tân Mỹ, Tịnh An), lắc đầu ngao ngán: “Hễ trời mưa chừng 5-7 ngày là gia đình tôi chỉ biết bó gối ngồi nhà thôi. Nếu có việc gì phải đi ra ngoài thì vợ chồng tôi chỉ còn cách “bơi” theo tuyến đường liên thôn Tân Mỹ- Long Bàn ra Quốc lộ 24B. Chứ cả thôn đều ngập hết, đi đường nào nữa!”. Nhà của ông Minh cách đường Mỹ Trà- Mỹ Khê chừng 15m và mặt đường thì cao xấp xỉ nền nhà của ông. Do đó, tuyến đường liên thôn Tân Mỹ- Long Bàn bị kẹp giữa và trở thành “tuyến kênh” tiêu thoát nước mỗi khi trời mưa. Sở dĩ có tình trạng nước ngập lâu ở xã Tịnh An là vì, tuyến đường Mỹ Trà- Mỹ Khê đã làm hạn chế lượng nước thoát ra phía sông Trà Khúc.

Cống thoát nước kết hợp với đường dân sinh trên tuyến Mỹ Trà - Mỹ Khê.
Cống thoát nước kết hợp với đường dân sinh trên tuyến Mỹ Trà - Mỹ Khê.


Còn tại xã Tịnh Long, nơi được xem là rốn lũ của khu vực ven sông Trà Khúc thì mùa mưa bão đến, người dân ở đây lại càng bất an gấp bội. Anh Phan Tấn Cảnh (đội 2, thôn Gia Hòa) ngao ngán: Năm nào dân trong xã cũng phải sống chung với lũ. Bởi xã Tịnh Long như chiếc phễu hứng nước lũ từ phía trên chảy xuống, nên gây ngập úng nhà cửa, đồng ruộng. Năm nay chắc sẽ còn nặng hơn vì tất cả các hướng thoát nước tự nhiên đã bị tuyến đường Mỹ Trà- Mỹ Khê chắn lối.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã Tịnh An đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư cho mở đường ngang dân sinh, mở thêm cống để tiêu nước. Nhưng việc điều chỉnh thiết kế tuyến đường là rất khó. Vì theo ông Đặng Văn Minh- Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải (GTVT) cho biết thì, hiện Thủ tướng Chính phủ không cho điều chỉnh các hạng mục dự án phát sinh so với dự án được duyệt ban đầu.

THÔNG ĐƯỜNG LỚN, TẮC ĐƯỜNG NHỎ

Theo thiết kế, tuyến đường Mỹ Trà- Mỹ Khê là đường phố chính cấp 2, tốc độ xe chạy có thể lên đến 80km/h. Do đó, nếu mở các đường băng ngang, tạo thành một loạt đường ngang đấu nối sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Thế nhưng, phần lớn diện tích đất canh tác của người dân xã Tịnh An và Tịnh Long nằm ven bãi bồi sông Trà Khúc, nay bị cắt ngang bởi tuyến đường Mỹ Trà- Mỹ Khê. Vậy nên, khi thông tuyến Mỹ Trà- Mỹ Khê thì xem như dân ở đây tắc đường ra khu sản xuất.

Chỉ tính riêng 120 hộ dân ở thôn Tân Mỹ đã canh tác trên diện tích gần 20ha. Ông Phạm Hội (xóm 6, thôn Tân Mỹ) băn khoăn: “Gần 3 sào đất ven sông Trà Khúc mà gia đình tôi trồng bắp, hoa màu là nguồn sống của cả gia đình đó. Nếu tuyến đường Mỹ Trà- Mỹ Khê hoạt động mà bít lối đi thì việc chăm sóc cây trồng rất khó khăn, dẫn đến năng suất không cao thì gia đình tôi lấy gì sống”. Theo quan sát của phóng viên, nền đường Mỹ Trà- Mỹ Khê cao hơn nhiều so với khu vực đất sản xuất. Người dân muốn đi qua đường phải “leo” dốc. Do đó, việc qua đường đối với người dân rất khó khăn và nguy hiểm. Bà Cao Thị Nuôi (45 tuổi, xóm 6, thôn Long Bàn) lo lắng: “Khi tuyến đường được xây dựng hoàn thành, lan can hai bên đường cao lên, còn xe ô tô, xe tải thường xuyên qua lại thì người dân chúng tôi không dám băng đường ra ruộng nữa. Nếu vậy thì có nước bỏ ruộng hoang”.

Theo ông Đặng Văn Minh-Giám đốc Sở GTVT thì việc mở đường băng ngang để dân ra đồng sản xuất là rất khó, vì vấn đề đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng Sở GTVT cũng đã có phương án thiết kế các cống thoát nước kết hợp đường chui dân sinh để người dân qua lại. Cống thoát nước này được thiết kế âm dưới lòng đường, có ba ngăn, cao chừng 3m. Theo người dân ở đây, vào mùa nắng thì việc qua lại dễ dàng. Nhưng cống được thiết kế vuông với hướng thoát nước và quá thấp thì khi mưa kéo dài nước không thoát kịp, gây ngập úng. Hơn nữa, khi nước rút sẽ gây đọng bùn đất trong cống, dân cũng khó qua lại được. Lý giải vấn đề này, ông Minh cho rằng, vào mùa mưa, khu vực sản xuất nông nghiệp ven sông Trà Khúc sẽ bị ngập hoàn toàn, nên người dân không phải ra khu vực này. Tuy nhiên, ông Minh cũng mong người dân chia sẻ với chủ đầu tư vì lợi ích chung của cộng đồng.


Bài, ảnh: MINH TRIỀU
 


.