Nỗi đau mang tên "da cam"

01:08, 17/08/2012
.

(QNg)- Chiến tranh đã đi qua hơn một phần ba thế kỷ, nhưng những nỗi đau mà nó để lại vẫn đang từng ngày, từng giờ ám ảnh những nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) và gia đình họ. Hàng ngàn trẻ em đang đớn đau bởi chất độc quái ác mang tên dioxin và có cả hàng ngàn gia đình trở nên khánh kiệt khi phải chăm lo cho người thân vượt qua những nỗi đau bệnh tật...
 

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi đến thăm gia đình của chị Phạm Thị Sinh, ở khu phố 2, thị trấn Mộ Đức, có cô con gái tên Nguyễn Thị Bé Tính là thế hệ thứ 3 nhiễm CĐDC. Dù đã 18 tuổi nhưng Tính chỉ có 11kg, tay chân của em bị co quắp, mọi sinh hoạt đều dựa vào gia đình. Từ lúc sinh ra, em chưa bao giờ biết gọi một tiếng mẹ. Đôi mắt của Tính đăm đăm nhìn chúng tôi, rồi em bắt đầu mếu và khóc, cứ thế em khóc, rồi lại cười… Trò chuyện với chúng tôi, người mẹ trẻ không kiềm được sự xúc động. Khuôn mặt hốc hác, chị Sinh dường như đã không còn nước mắt để khóc cho đứa con tật nguyền. Chị Sinh bộc bạch: "Mỗi ngày, chồng đi làm, mình phải ở nhà chăm sóc con mỗi bữa ăn như thế này, phải nghiền nhỏ thức ăn mới cho con nuốt được, vì lớp sụn bên trong cổ bị tổn thương, Tính không thể nhai ăn như người bình thường được".

Đoàn Sở NN&PTNT Quảng Ngãi tặng quà cho nạn nhân CĐDC ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).
Đoàn Sở NN&PTNT Quảng Ngãi tặng quà cho nạn nhân CĐDC ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).


Người ta bảo: "Không nỗi đau nào như nỗi đau da cam", có trực tiếp chứng kiến những nỗi đau của các nạn nhân CĐDC, mới thấm thía được câu nói ấy. Rời gia đình chị Sinh, đến gia đình của nạn nhân Nguyễn Thị Thành ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong, một người bị thiểu năng trí tuệ, chúng tôi lại được chứng kiến một số phận cũng éo le không kém. Cha mẹ của nạn nhân Nguyễn Thị Thành đã qua đời cách đây 5 năm, chị Thành phải ở nhờ vào sự chăm sóc của vợ chồng người cháu. Chị Lê Thị Phi - cháu dâu của nạn nhân Nguyễn Thị Thành cho biết: "Chúng tôi chỉ mong kinh tế khá hơn, có điều kiện chăm sóc dì. Dì không còn ai để nương nhờ, vợ chồng tôi thì khó khăn, mấy dì cháu cứ rau cháo qua ngày được ngày nào hay ngày đó".  
 

Quảng Ngãi hiện có gần 21.500 nạn nhân chất độc da cam. Trong đó thế hệ con thứ 3 có gần 2.500 nạn nhân. Toàn tỉnh hiện có trên 1.200 gia đình có từ 3 nạn nhân nhiễm CĐDC trở lên, gần 16.000 nạn nhân chưa được hưởng trợ cấp chính sách.

Còn hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Nhơn Phước, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) càng khó khăn gấp bội khi gia đình phải chăm lo cho 3 nạn nhân cùng một lúc. Năm 1988, chị lập gia đình với một người thương binh đã từng tham gia chiến đấu tại xã Ba Liên (Ba Tơ).

 

Tưởng rằng hạnh phúc gia đình được trọn vẹn, nhưng cả 3 đứa con của vợ chồng chị lần lượt ra đời đều bị ảnh hưởng CĐDC từ người cha. Người con gái lớn bị bệnh động kinh, 2 người con trai sau cũng bị dị tật từ lúc mới lọt lòng. Mọi sinh hoạt hàng ngày của các con đều tới tay chị. Nhà nghèo, cả 5 miệng ăn trông chờ vào 1 sào ruộng, trong khi số tiền trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng không đủ trang trải chi phí mỗi ngày. Hàng ngày, ngoài công việc đồng áng, chị còn lên rừng đốn củi rồi đem ra chợ bán kiếm tiền chạy ăn từng bữa. Những lúc các con lên cơn, chị lại chạy vạy khắp nơi lo tiền mua thuốc. Cuộc sống gia đình càng lúc càng rơi vào bế tắc.

Đó là vài trong số hàng nghìn nạn nhân của chất độc quái ác- Dioxin. Hơn ai hết, các nạn nhân rất cần những tấm lòng và sự giúp đỡ  thiết thực của xã hội để vượt lên nghịch cảnh.


            KN
 


.