"Tôi gửi lại quê một chút tình…"

10:07, 25/07/2012
.

(QNg)- Hiếm có thôn nào ở tỉnh ta mà người dân lại được sở hữu một sân chơi thể thao và công viên hoành tráng như ở thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương (Bình Sơn). Để rồi mỗi chiều, bà con trong thôn lại đến đây để vui chơi, giải trí và có dịp gần gũi, thắt chặt tình làng nghĩa xóm…

Chiều muộn, thôn Đông Yên 1 vui như ngày hội. Trong khi đám thanh niên đang hò hét bởi các trận đấu bóng chuyền, cầu lông hấp dẫn thì từng tốp chị em phụ nữ cũng rôm rả với bài tập thể dục. Dưới gốc cây sanh cổ thụ và trên ghế đá công viên, các cụ già đang hàn huyên tâm sự và sôi nổi với bàn cờ tướng cùng ấm trà nóng. Cạnh đó là đám trẻ con tụm năm, tụm bảy chơi bắn bi, oẳn tù tì.

Các cụ già thường đến công viên có cây sanh cổ thụ hơn 200 năm tuổi để hóng mát và hàn huyên tâm sự.
Các cụ già thường đến công viên có cây sanh cổ thụ hơn 200 năm tuổi để hóng mát và hàn huyên tâm sự.


Có lẽ đó là những hình ảnh thân thương mà bình dị, nhưng ta lại khó bắt gặp giữa cuộc sống nhộn nhịp hiện nay. Bởi, hiếm có thôn nào đủ điều kiện "tậu" được sân chơi thể thao và khu công viên cây sanh cổ thụ. Càng không phải người dân nơi nào cũng hưởng ứng phong trào văn nghệ, thể thao một cách nhiệt tình và tập thể như thế. Mang thắc mắc này hỏi ông Nguyễn Thanh Trà - Chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Dương, tôi nhận được câu trả lời ngắn gọn: "Được thế là nhờ ông Nhập và cụ Sỏi".

Chuyện là từ năm 2011, sau khi "chia tay" với tổ thu gom rác thải ở cái tuổi 84, cụ Nguyễn Sỏi không chịu ở nhà an hưởng tuổi già theo nguyện vọng của các con mà âm thầm lên kế hoạch xây dựng sân chơi thể thao. Từ việc xin đất, dự trù kinh phí đến thiết kế làm sân đều do một tay cụ thực hiện. Mãi đến khi cụ kêu người san lấp mặt bằng thì các con và hàng xóm mới té ngửa vì chẳng ai hiểu vì sao ông Sỏi đã gần đất xa trời, mà còn dựng sân thể thao? "Giờ thì chúng tôi phải cảm ơn cụ Sỏi vì nhờ cái sân ấy mà đám thanh niên trong thôn biết chơi các môn cầu lông, bóng chuyền.

 

Anh Nguyễn Hùng khoe. Vừa nói, Hùng vừa ôm quả bóng chuyền chạy ù đến sân để "xí" phần, vì anh bảo rằng nếu đi muộn thì phải đợi rất lâu mới đến lượt đội mình tiếp quản sân, do thanh niên đến chơi đông quá. Mà kể cũng lạ, từ ngày cái sân thể thao rộng 250m2 được bê tông sạch sẽ, rộng rãi và thoáng mát thì chiều chiều, thanh niên trong thôn dường như "dán chặt" mình ở đấy mà "quên" la cà ở các quán nhậu như trước. "Thế là vui lắm rồi. Vậy là hơn 20 triệu tiền lương hưu của già đã sinh lời lớn khi đầu tư vào cái sân ấy rồi đấy", cụ Sỏi hóm hỉnh nói.   

Nếu như cụ Sỏi tặng thanh niên thôn Đông Yên một sân thể thao để rèn luyện thân thể, thì ông Đoàn Nhập lại cho ra đời một công viên mi ni rộng hơn 275m2, giúp người già, chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi có chỗ vui chơi và giải trí. Tuy nhiên, điều khiến người dân nơi đây cảm thấy an lòng chính là khi công viên ra đời, đồng nghĩa với việc cây sanh cổ thụ 200 năm tuổi có cơ hội… sống tiếp! Bởi vào thời điểm cuối năm 2010, cây sanh đã bắt đầu trụi lá, chết dần, chết mòn vì không được chăm sóc. Không đành lòng nhìn cây cổ thụ duy nhất còn sót lại phải "ra đi" vì sự vô tâm của con người, ông Nhập lặn lội vào TP.HCM để vận động con em mỗi người góp một ít để giữ lấy "linh hồn" của làng.

Không biết có phải vì cảm cái tâm của ông, hay vì sự chia sẻ và đồng lòng của con cháu phương xa cùng bà con thôn Đông Yên 1 mà sau dạo ấy, cây sanh cổ thụ bỗng dưng hồi sinh, tỏa bóng mát rợp cả một góc sân đình. Công viên trị giá 40 triệu đồng cũng ra đời từ đó. Tụi nhỏ trong thôn vui mừng phấn khởi, đi đâu cũng luôn miệng khoe với chúng bạn về công viên quê mình. Còn các cụ ông, cụ bà trong thôn không chỉ vui vì có công viên để chiều chiều ngồi hóng mát, thưởng thức trà mà mừng nhất là khi cây sanh cổ thụ xanh tốt, sẽ mang lại may mắn và phồn thịnh cho làng quê. "Sướng nhất là giờ cây sanh sân đình không còn bị biến thành bãi chứa rác thải như trước. Ai cũng có ý thức giữ gìn và tự nguyện quét dọn để công viên luôn sạch sẽ", ông Nhập phấn khởi cho hay.

Ngoài sân chơi thể thao và công viên mi ni cây sanh, ông Nhập, cụ Sỏi còn in đậm dấu chân mình trên 700 mét đường thôn vừa được bê tông, hay đồng hành cùng học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi suốt 4 năm liền. Và để đáp lại tấm chân tình ấy, người dân thôn Đông Yên 1 đã tự giác gìn giữ và chăm sóc tốt những "linh hồn" của làng, bảo ban nhau đoàn kết và nuôi dạy con cháu chăm ngoan học giỏi để được nhận quà may mắn từ hai cụ. Và có lẽ, đó cũng là điều mà ông Nhập, cụ Sỏi mong đợi nhất khi: "Tôi gửi lại cho quê một chút tình/mai này khuất núi ngậm cười vui" bằng những việc làm ý nghĩa như thế…


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.