Tiếp nối ngọn lửa Đặng Thùy Trâm

09:07, 27/07/2012
.

(QNĐT)- Những ngày cuối tháng 7, hòa vào dòng người ngược xuôi, tôi về thăm vùng đất anh hùng xã Phổ Cường, Đức Phổ- nơi có Bệnh xá Đặng Thùy Trâm nổi tiếng khắp cả nước. Người nữ anh hùng đã yên nghỉ nơi lòng đất mẹ, nhưng trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này, ngày ngày tên chị vẫn âm vang mãi trong lòng nhân dân và đội ngũ y bác sĩ nơi đây.

TIN LIÊN QUAN


Người canh giữ Nhà truyền thống Đặng Thùy Trâm

Hằng ngày, người thương binh già Bùi Quang Y (sinh năm 1955) vẫn đều đặn lau dọn nhà truyền thống và thắp nén nhang tưởng nhớ trước tượng đài Đặng Thùy Trâm. Với ông, đó là một hành động tự nhiên như hơi thở và lẽ sống.

 

Hằng ngày, thương binh Bùi Quang Y vẫn đều đặn thắp nhang tưởng nhớ đến anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Hằng ngày, thương binh Bùi Quang Y vẫn đều đặn thắp nhang tưởng nhớ đến anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm


Ngôi nhà truyền thống chỉ rộng khoảng vài chục mét vuông nhưng ông coi đó là một kho kỷ vật phải lưu giữ trong đời. Thế nên, ông luôn cẩn trọng lau chùi từng khung ảnh, từng góc nhỏ trong căn phòng ký ức này.

Theo làn khói lan tỏa từ nén nhang ông vừa thắp, kỷ niệm về một lần gặp người nữ anh hùng, bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm chầm chậm ùa về. Ấn tượng và đầy cảm xúc.

Ông sinh ra và lớn lên ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường. Nơi đây được mệnh danh là túi bom của miền Trung trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ông Y trầm ngâm: Từ lúc còn nhỏ, tôi đã nghe tên của người nữ bác sĩ trẻ tuổi tên Trâm một thân một mình lặn lội từ thủ đô Hà Nội vào phục vụ cách mạng ở chiến trường đầy máu lửa. Bà con ở thôn này ai cũng gọi nữ bác sĩ ấy là chị Trâm theo cách thân thương và trìu mến nhất. Thỉnh thoảng, chị lại leo núi băng rừng xuống thôn để khám, chữa bệnh cho bà con.

Ông Y là người may mắn được chị khám trong một lần về thôn Nga Mân. “Đó là năm 1970, lúc tôi tròn 15 tuổi!”- ông Y khẳng định. Và đó cũng là lần duy nhất!

 

Dù chỉ được gặp chị Trâm một lần, nhưng với ông vẫn mãi ghi nhớ trong tim hình ảnh người bác sĩ tận tụy với lòng gan dạ hiếm thấy
Dù chỉ được gặp chị Trâm một lần, nhưng với ông vẫn mãi ghi nhớ trong tim hình ảnh người bác sĩ tận tụy, với lòng gan dạ hiếm thấy


Nhưng ông không thể nào quên khuôn mặt bầu bĩnh, giọng Bắc ngọt ngào và cử chỉ ân cần của người bác sĩ tuổi mới ngoài đôi mươi trong lúc khám, chữa bệnh cho bà con nhân dân. Hình ảnh ấy cùng với sự gan dạ hiếm thấy của chị Trâm đã in mãi trong trái tim ông. Để rồi, ông tình nguyện tham gia vào đội du kích địa phương vào năm 1971 với mong muốn được đứng cùng hàng ngũ với người nữ bác sĩ kiên cường. Ấy vậy mà, lần gặp ấy lại là lần duy nhất và cũng là cuối cùng trước khi ông hay tin chị hy sinh.

Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông Bùi Quang Y trở về với nhiều mảnh đạn còn nằm lại cơ thể. Tưởng chừng sau thời gian sát cánh cùng đồng đội, ông Y sẽ an hưởng tuổi già bên con cháu để tạm nguôi đi ký ức một thời máu lửa. Thế nhưng, ông vẫn quyết tâm xin làm bảo vệ tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm để có cơ hội chăm sóc nhà truyền thống và tưởng nhớ đến chị.

Thế là, người thương bình 2/4 Bùi Quang Y ngày ngày túc trực, coi sóc cho bệnh xá. Ông coi nơi đây là gia đình thứ hai của mình. “Tôi sẽ canh giữ bên tượng đài của chị, bảo vệ nhà truyền thống này đến chừng nào không còn sức nữa mới thôi…”- Ông Y quả quyết nói.

Hiện thực hóa ước mơ Đặng Thùy Trâm

Ở tuổi 29, người nữ anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã ngã xuống trên mảnh đất Phổ Cường mà lòng còn vấn vương về việc xây dựng một cơ ngơi để phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân tại địa phương.

Để rồi, bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng ngay trên mảnh đất ấy theo đúng như mơ ước của chị trước lúc hy sinh. Ngoài việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm còn là nơi thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi năm.

 

Các em học sinh đến tham quan Nhà truyền thống Đặng Thùy Trâm nhân dịp 27/7
Các em học sinh đến tham quan Nhà truyền thống Đặng Thùy Trâm nhân dịp 27/7


Dịp kỷ niệm 27/7 này, ngày nào cũng vậy, khu bệnh xá đều tiếp đón hàng trăm khách qua tuyến Quốc lộ 1A dừng chân, thăm viếng và đốt cho liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm một nén nhang thơm. Người dân đến khám bệnh cũng không quên đốt cho Chị Trâm nén nhang để tưởng nhớ công ơn của chị đối với quân và dân các xã khu nam của huyện Đức Phổ và một số xã khu tây của huyện Ba Tơ trong chiến tranh.

Với lòng biết ơn vô hạn, không chỉ người thương binh già Bùi Quang Y mà còn có nhân dân và đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh xá vẫn luôn nhắc nhở nhau về tấm gương sáng của chị.

Em Lê Ngọc Tân ở xã Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa, là học sinh lớp 8 cùng các bạn có cơ hội đến thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm chia sẻ: Từ lâu em đã nghe mọi người nhắc nhiều về tấm gương của chị. Nhưng đây là lần đầu tiên em được tận mắt nhìn và cảm nhận những trang đời lịch sử qua hình ảnh và kỷ vật trưng bày trong nhà truyền thống vào đúng dịp 27/7. Đây là cơ hội để em hiểu rõ hơn về cuộc đời và những hy sinh của một người con ở miền Bắc trên quê hương Quảng Ngãi.

 

Đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm đang tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở của chị
Đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm đang tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở của chị


Bác sĩ Nguyễn Văn Diệp- Trưởng Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, cho hay: Bệnh xá Đặng Thùy Trâm quá đặc biệt và ai công tác tại đây đều cảm thấy vinh dự, được “truyền lửa” từ chị Trâm. Đây không chỉ là nơi khám chữa bệnh cho nhân dân mà còn là nơi mang tính chất chính trị giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.

Đội ngũ y bác sĩ cũng học hỏi chị để chăm sóc sức khỏe nhân dân cho tốt, khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là bà mẹ VNAH, thương bệnh binh nặng. Thế nên, dù bệnh xá còn thiếu thốn nhiều trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực, nhưng với 3 bác sĩ chính và 12 y tá, nhân viên phục vụ tại bệnh xá, người dân đến đây đều có cảm giác gần gũi và yên tâm.

Bà Lương Thị Kiện ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường đang ngồi chờ đến lượt mình khám bệnh chia sẻ: Các bác sĩ ở đây nhiệt tình lắm. Nhân dân trong vùng ai cũng muốn đến đây khám, chữa bệnh chứ không muốn đi đâu cho xa. Bệnh xá mang tên chị Trâm mà!

“Tiếp nối lòng yêu nghề, yêu quê hương của chị Trâm, chúng tôi vẫn luôn cố gắng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân thật tốt. Dù chị đã đi xa, nhưng khí thế tuổi 20 của người bác sĩ miệt mài, tận tụy vẫn còn sống mãi trong tim mọi người. Bệnh xá được xây dựng và hoạt động hiệu quả chính là đã thực hiện được ước mơ còn dang dở của chị trước lúc hy sinh.”- Bác sĩ Diệp chia sẻ.


Thanh Phương

 


.