Thắp sáng niềm hy vọng

08:07, 05/07/2012
.

(QNg)- Sau 4 năm triển khai, Dự án "Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc da cam" như ngọn lửa thắp lên niềm hy vọng sống cho những người có thân thể không lành lặn vì nhiễm chất độc da cam…

TIN LIÊN QUAN


Lâu lắm rồi, căn nhà của chị Bùi Thị Nga ở thôn Bình Đẳng, xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh) mới có được cái không khí ồn ào bởi giọng nói bi bô của hai cô con gái. "Phương Thảo sống trong cảnh câm, điếc ngót 20 năm. Bé út Anh Thơ thì 7 năm. Tôi cứ ngỡ cuộc đời hai con sẽ mãi gắn bó với việc nói chuyện bằng… kí hiệu. Thế nên, khi con cất tiếng gọi mẹ thưa cha, tôi vẫn không dám tin điều kỳ diệu ấy đang đến với mình", chị Nga xúc động cho biết. Chị Nga bảo, mỗi ngày chị đều đặn dành 1 - 2 giờ đồng hồ để tập đọc, tập nói và tập viết cho hai con. Còn mỗi tối thì ba mẹ con lại chong đèn đến tận khuya chỉ để luyện cách phát âm… 24 chữ cái. "Vì hai đứa đều bị câm, điếc bẩm sinh nên trước hết, tôi phải kiên trì đọc để dần cảm nhận, sau đó tập cho cháu phát âm chữ đơn rồi đến chữ ghép. Nghe thì đơn giản, nhưng tôi phải mất mấy năm trời mới được nghe con gọi một tiếng Mẹ đấy", chị Nga chia sẻ.

 

Chị Nga đang luyện cách phát âm, đọc chữ cho con gái Anh Thơ.
Chị Nga đang luyện cách phát âm, đọc chữ cho con gái Anh Thơ.


Mặc dù hai con của chị phát âm còn chưa chuẩn xác và tròn vành như những trẻ bình thường, nhưng với chị Nga, được như thế đã là một đặc ân quá lớn. Bởi ngoài việc Thảo - Thơ đang xa dần với bệnh câm, điếc sự tự tin và yêu đời của hai con. Trước đây hai cháu tự ti, mặc cảm với bạn bè và mọi người xung quanh. Nhưng bây giờ Phương Thảo đã trở lại học ở Trường Khuyết tật tỉnh, còn Anh Thơ thì ríu rít với các bạn lớp 2 ở Trường tiểu học Tịnh  Ấn Đông".

Phương Thảo và Anh Thơ là hai trong số 1.755 nạn nhân, người khuyết tật ở huyện Sơn Tịnh được hưởng lợi từ Dự án "Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc da cam", do Trường ĐH Y tế công cộng Hà Nội triển khai thực hiện thí điểm từ năm 2008. Với phương châm "Gia đình quyết định, sự hỗ trợ của cộng đồng là quan trọng", Dự án đã tiến hành xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV) đến tận thôn, xóm để hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật tập luyện cho gia đình nạn nhân. Dự án đã đào tạo 50% lực lượng CTV là người nhà của nạn nhân để trực tiếp áp dụng và theo dõi hiệu quả huấn luyện bằng các phương pháp, kỹ thuật PHCN. "Phương pháp này vừa tiết kiệm chi phí đi lại vừa tăng tính hiệu quả vì tận dụng được thời gian tập luyện. Hơn nữa, CTV là người thân của nạn nhân sẽ dễ dàng tiếp cận, có điều kiện gần gũi để động viên và khích lệ họ trong quá trình luyện tập", chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, CTV thôn Bình Đẳng, xã Tịnh Ấn Đông cho hay.

Song song với việc tổ chức và giám sát thực hiện PHCN dựa vào gia đình, cộng đồng thì Dự án còn tiến hành phẫu thuật tai, mũi, họng, sứt môi hở hàm ếch và chỉnh hình vận động cho 56 người; hỗ trợ dụng cụ PHCN gồm 29 xe lăn, 50 xe lắc, 49 ghế bại não và 22 máy trợ thính cho 209 nạn nhân, người khuyết tật. Điều này đã tạo điều kiện cho các nạn nhân, người khuyết tật khó khăn có cơ hội tiếp cận thường xuyên với dụng cụ tập luyện, nâng cao khả năng phục hồi.


Chia sẻ về những thành công bước đầu của dự án, ông Phan Thanh Long - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh khẳng định: "Nhiều nạn nhân đã và đang bình phục, hòa nhập cộng đồng từ sự hỗ trợ của dự án này. Tôi mong rằng dự án sẽ tiếp tục triển khai và được mở rộng, giúp các nạn nhân viết tiếp những giấc mơ bị bỏ dở vì bệnh tật và khiếm khuyết của mình". Có lẽ, đó cũng là mong ước của hơn 47 nghìn nạn nhân, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh hiện nay.


    Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.