Người thương binh "tàn nhưng không phế"

10:07, 18/07/2012
.

(QNg)- Người xưa có câu "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay", ấy vậy mà hơn 30 năm nay có một người thương binh bị hỏng một mắt, mắt còn lại nhìn mờ mờ. Cơ thể thường xuyên đau yếu, bởi di chứng của những tháng năm chiến đấu gian khổ trên khắp các chiến trường. Nhưng ông luôn cố gắng  làm theo lời Bác dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", vươn lên làm giàu. Người thương binh đó là ông Nguyễn Xuân Quang, ở tổ 14, phường Trần Phú (TP Quảng Ngãi.

Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Quang thoát ly vào bộ đội, tham gia chiến đấu hàng trăm trận trên khắp các chiến trường Quảng Ngãi, Quân khu 5, biên giới Campuchia. Trong một lần chiến đấu, ông bị thương và bị hỏng một mắt. Sau khi điều trị lành vết thương, năm 1981 ông xuất ngũ trở về quê hương với thương tật 56% và chuyển công tác về tại Công ty Đường Quảng Ngãi. Ở đây với những đóng góp của mình, ông được đề bạt vào các vị trí công tác: Thường trực Đảng uỷ, Trưởng phòng Nông vụ, Giám đốc Nhà máy Bánh kẹo, Phó Ban đổi mới của Công ty.

Ở cương vị Giám đốc Nhà máy Bánh kẹo, ông đã đề đạt tuyển dụng 279 người là con em cán bộ trong quân đội, bộ đội xuất ngũ chuyển ngành; con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách và hoàn cảnh kinh tế khó khăn vào làm công nhân của Nhà máy, giúp các em ổn định cuộc sống. Ông Quang chia sẻ: "Mặc dù bị thương tật, nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn những đồng chí đồng đội đã hy sinh, hoặc người còn sống nhưng không còn khả năng lao động sản xuất. Vậy thì tôi giúp cho họ vừa là tình thương yêu đồng chí, đồng đội một thời cùng chiến đấu, sống chết bên nhau, giúp cho con cháu họ có miếng cơm manh áo cũng là trách nhiệm của những người còn sống như tôi".

Năm 2005, sau khi nghỉ hưu, ông đã thế chấp nhà đất vay Ngân hàng Ngoại thương và Công thương Quảng Ngãi 850 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc, phương tiện, lắp đặt dây chuyền cán tôn, xà gồ tại xã Bình Chánh (Bình Sơn) để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương là thương binh, bộ đội xuất ngũ, con em gia đình thương binh liệt sĩ, thu nhập bình quân từ 2.500.000-3.000.000 đồng/người/tháng.

Ngoài sản xuất kinh doanh, ông Quang còn tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ những gia đình chính sách, đồng đội cũ cùng chiến đấu khi điều kiện kinh tế khó khăn khi đau ốm, bệnh tật từ 1-2 triệu đồng. Trong cơn bão số 9/2009, nhiều gia đình ở huyện Bình Sơn nhà bị sập, ông đã giải quyết 600m tôn các loại hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Bên cạnh đó, ông còn tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam, xóa đói giảm nghèo, người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; tham gia tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, từ 1998-2002, ông cùng với đồng đội về lại chiến trường xưa và tìm được 12 hài cốt liệt sĩ.

Niềm vui hiện nay của ông là gia đình đã ổn định, con cái lớn khôn, học hành đến nơi đến chốn, có cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc. Và điều đáng quý ở người thương binh này là góp phần nhỏ bé giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng chiến hào năm xưa bớt đi nỗi khó khăn vất vả trong cuộc sống, cũng là việc làm đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã ngã xuống hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Với những việc làm và sự cống hiến của bản thân đối với sự nghiệp cách mạng và xã hội, ngày 7/7 vừa qua, tại Hội nghị biểu dương Người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Quang vinh dự là một trong những đại biểu đại diện cho hơn 8,8 triệu người có công trong cả nước báo cáo thành tích cá nhân trước Hội nghị.  

     
          Lê Nam
 


.