Khó khăn trong thu bảo hiểm xã hội

01:07, 12/07/2012
.

(QNg)- Hiện nay ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang nỗ lực thu nợ trong 6 tháng đầu năm, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, công tác thu hồi nợ khá gian nan, tình trạng trốn, chậm nộp BHXH, doanh nghiệp lạm dụng từ quỹ BHXH ngày càng gia tăng...

TIN LIÊN QUAN


Gian nan việc đòi nợ

Theo kế hoạch tỉnh giao, trong năm 2012, BHXH phải thu đạt 963 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, BHXH tỉnh mới chỉ truy thu hơn 409 tỷ đồng. Tình trạng các doanh nghiệp trốn nộp, chây ì nợ BHXH ngày càng phổ biến. Trong 6 tháng đầu năm 2012, có 256 đơn vị trốn nợ (từ 6 tháng trở lên), với số nợ lên đến 45 tỷ đồng.

 

Theo ông Phạm Văn Lệ- Trưởng phòng thu BHXH tỉnh: Tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN hiện nay ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2010, nợ BHXH toàn tỉnh là 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay số tiền doanh nghiệp nợ BHXH đã tăng 2-3 lần. Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài từ 2-3 năm, vẫn không chịu trả. Điển hình như, Công ty TNHH xây dựng Hoàn Vũ (TP Quảng Ngãi); Công ty cổ phần Trường Giang (Sơn Tịnh) nợ hơn 1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thiên Đàng (Bình Sơn), nợ hơn 500 triệu đồng…

 

Người lao động sẽ thiệt thòi về quyền lợi, nếu chủ DN sử dụng lao động cố tình né, trốn nộp BHXH (ảnh minh họa).
Người lao động sẽ thiệt thòi về quyền lợi, nếu chủ DN sử dụng lao động cố tình né, trốn nộp BHXH (ảnh minh họa).


Ngành BHXH đã thành lập đoàn công tác liên ngành trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp có nợ đọng kéo dài. Tuy nhiên công tác thu nợ vô cùng gian nan. Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành làm việc với 22 đơn vị nợ BHXH, nhưng chỉ có 6 doanh nghiệp cam kết trả, còn lại đều khất nợ, viện lý do khó khăn…

Đáng nói hơn, nhiều doanh nghiệp hết lần này đến lần khác trốn tránh, không chịu tiếp khi đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc. Mới đây, đoàn liên ngành của tỉnh, huyện Mộ Đức đến làm việc với Công ty TNHH Đầu tư Thương mại vật tư Hòa Thuận (thị trấn Mộ Đức). Đơn vị nợ BHXH từ năm 2011 đến nay, với số tiền 139,6 triệu đồng. Tuy nhiên lãnh đạo công ty này đã 3 lần “đánh bài chuồn”, khi cơ quan chức năng đến làm việc.

Cần chế tài mạnh

Ông Phạm Văn Lệ cho biết: Đối với các doanh nghiệp nợ BHXH, thường đưa ra lý do khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu… Tuy nhiên, đó chỉ là những lý do mà phía doanh nghiệp đưa ra. Trên thực tế, việc không nộp BHXH cho người lao động còn do đơn vị, doanh nghiệp chây ì, cố tình nợ dây dưa. Các doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng vốn để phục vụ cho mục đích khác bởi lãi suất chậm nộp BHXH thấp hơn so với lãi suất của ngân hàng.

Mức lãi suất quy định cho các khoản nợ BHXH chỉ 10,5%/năm, so với lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay có sự chênh lệch khá cao. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm BHXH lại chưa đủ sức răn đe. Vì thế việc nợ BHXH đã lây lan từ các doanh nghiệp thật sự khó khăn đến những doanh nghiệp đang làm ăn khấm khá. Một số doanh nghiệp thậm chí đã nợ lên đến cả tỷ đồng trong thời gian dài mà vẫn không chịu trả.

Việc xử lý tình trạng nợ BHXH đang gặp nhiều khó khăn do cơ chế phối hợp giữa BHXH với các ngành chức năng trong việc đề ra các chế tài xử lý các doanh nghiệp vi phạm chưa đủ mạnh. Thực tế, có những doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh đã không đăng ký số lượng lao động với cơ quan chức năng nhằm mục đích trốn đóng BHXH mà các cơ quan chức năng vẫn không biết hoặc biết nhưng không có chế tài xử lý.


  Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.