Hiệu quả từ mô hình nhà cộng đồng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai

10:07, 25/07/2012
.

(QNĐT)- Những năm qua, mô hình nhà cộng đồng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai ở nhiều địa phương trong tỉnh đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Những mô hình này không chỉ là nơi trú ẩn cho nhân dân địa phương mỗi khi có thiên tai, lũ lụt mà còn là công trình đa năng, phát huy hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày.

TIN LIÊN QUAN


Trong số đó, phải kể đến nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai thôn An Phú, xã Tịnh An (Sơn Tịnh) được xây dựng vào năm 2009, với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trích từ Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung. Nhà được xây dựng trên diện tích rộng 2.500 m2, có thiết kế kiên cố, cao 2 tầng.

“Ốc đảo” An Phú cứ đến những tháng mưa bão (khoảng tháng 8 đến tháng 11 hàng năm), hàng trăm hộ dân nơi đây đành chịu sống chung với cảnh ngập lụt, bị cô lập hoàn toàn. Do đó, việc xây dựng và đưa vào sử dụng nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân địa phương.

 

Nhà cộng đồng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thôn An Phú
Nhà cộng đồng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thôn An Phú


Ông Bùi Tỏi- Trưởng thôn An Phú cho biết: Từ ngày có nhà phòng tránh thiên tai, 290 hộ dân thuộc thôn An Phú và 60 hộ dân của xóm Tân Lập sinh sống trên “ốc đảo” cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều trong mùa mưa lũ. Ở đây, còn có nhiều nhà dân được xây dựng quá thấp nên hễ năm nào lũ lớn là ngập đến gần 2 mét. Do vậy, chúng tôi luôn tận dụng thiết kế cao ráo, rộng rãi của ngôi nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai để tập trung sinh hoạt tạm thời chờ nước rút.

Không chỉ phát huy hiệu quả là nơi an toàn cho nhân dân sinh hoạt trong mùa mưa lũ, nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai thôn An Phú còn được bà con sử dụng làm nơi sinh hoạt, hội họp của thôn. Ngoài ra, để tận dụng không gian thoáng đãng ở tầng 1, chính quyền và nhân dân đã thống nhất cho các cháu cấp tiểu học tham gia học ngay tại đây.

Ông Nguyễn Thuần, ngụ ở thôn An Phú chia sẻ: Hiện nay, nhà cộng đồng tránh bão còn là nơi học hành của 30 cháu nhỏ từ lớp 1 đến lớp 3. Nhà để không thấy cũng phí, chúng tôi lại không nỡ cho các cháu lội sông nước nguy hiểm vào mùa mưa để đến trường. Nên bà con chúng tôi ai cũng ủng hộ phương án tận dụng nhà cộng đồng tránh bão.

Bên cạnh mô hình nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai, rất nhiều địa phương ở tỉnh ta còn được hỗ trợ xây dựng trụ sở cơ quan phối hợp với chức năng chống thiên tai. Với cách này, các công trình được xây dựng kiên cố đã phát huy tối đa hiệu quả cả trong mùa khô lẫn mùa mưa bão.

Ông Bùi Đức Thái- Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh cho biết: Từ năm 2009 đến nay, Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, tổ chức Jica và Ngân hàng Thế giới (WB) đã và đang trích hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây gần 20 mô hình nhà cộng đồng phòng chống thiên tai và các công trình công cộng kèm chức năng phòng chống thiên tai như trường học và trạm y tế tuyến xã.

 

Mô hình nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai là công trình đa chức năng dùng làm nơi sinh hoạt của nhân dân và nơi học tập của các cháu nhỏ
Mô hình nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai là công trình đa chức năng dùng làm nơi sinh hoạt của nhân dân và nơi học tập của các cháu nhỏ


Riêng Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ 18,1 tỷ đồng, xây dựng các trạm y tế xã Bình Mỹ, Bình Minh, Bình Phước, Tịnh Long và các trường tiểu học số 2 Bình Minh, THCS Bình Mỹ… Hằng năm, các công trình này luôn nằm trong phương án phòng chống lụt bão của địa phương. Đây là nơi sơ tán, tập trung nhân dân trong vùng nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản phòng khi có thiên tai, mưa bão lớn.

Trong đó, công trình trạm y tế xã được đánh giá rất cao, là mô hình thiết thực cần được triển khai rộng rãi. Ông Thái cho biết thêm: Trạm y tế được xây dựng kiên cố 2 tầng trở lên, trần nhà đổ bê tông và có hệ thống điện nước an toàn có thể tận dụng làm nhà phòng tránh thiên tai. Ngoài ra, trạm y tế giúp giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân tại chỗ trong trường hợp khẩn.

Việc xây dựng nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các mô hình này còn quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh. Theo khảo sát, để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão thì cần phải có 444 ngôi nhà được xây dựng theo mô hình nhà cộng đồng chống lũ. Trong đó, có khoảng 100 thôn có nhu cầu cấp bách. Tuy nhiên, số nhà xây dựng được ở tỉnh ta chỉ mới gần 20 nhà.

Trước mắt, Trung tâm cùng các đơn vị, tổ chức tài trợ đang có kế hoạch xây dựng nhà ở các địa phương có nhu cầu cấp bách, nhưng do kinh phí quá lớn (khoảng 1,5-2,5 tỷ đồng/nhà) nên cần phải có sự hỗ trợ của các tổ chức cũng như sự đóng góp của nhân dân địa phương.

“Việc xây dựng mô hình nhà phòng tránh thiên tai và giảm nhẹ thiên tai ở các vùng hạ lưu sông trong tỉnh là điều phải làm. Nên chúng tôi rất mong có sự trợ giúp tích cực từ cấp trên để triển khai xây dựng nhà, giúp bà con yên tâm sản xuất và sinh hoạt trong mùa mưa lũ.”- ông Thái kiến nghị.


Thanh Phương

 


.