Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế”

11:07, 22/07/2012
.

(QNĐT)- Đến bây giờ, thương binh 2/4 Võ Văn An (sinh năm 1934) ở thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) vẫn bị nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần hành hạ sau nhiều năm bị tù đày ở Côn Đảo. Thế nhưng, với châm ngôn sống "thương binh tàn nhưng không phế”, ông An cùng vợ vượt qua nỗi đau, quyết tâm phát triển kinh tế và giúp nhiều hộ gia đình thoát khỏi đói nghèo.

TIN LIÊN QUAN


Sinh ra và lớn lên vào đúng thời điểm đất nước đang rơi vào thời kỳ khốn khó, bị địch kìm kẹp, càn quét suốt ngày đêm, người thanh niên Võ Văn An ở tuổi 21 tự nguyện tham gia cách mạng. Với ông, điều đó tự nhiên như lẽ sống, như hơi thở.


Cũng trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, ông An đã tìm thấy tình yêu và kết hôn với người nữ dân quân Trần Thị Diệt. Cuộc sống cực khổ giữa bom đạn của đôi vợ chồng trẻ như được tiếp thêm sức mạnh, giúp ông bà càng vững tin vào ngày mai tươi sáng, tích cực tham gia kháng chiến cứu nước.

 

Thương binh Võ Văn An kể về kỷ niệm được ra Hà Nội thăm lăng Bác cùng các cựu chiến binh
Thương binh Võ Văn An kể về kỷ niệm được ra Hà Nội nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng các cựu chiến binh


Đến năm 1971, trong một lần địch càn quét, ông An bị bắt, đem đi tra khảo ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng và cuối cùng bị tù đày ở Côn Đảo.

Ông An chia sẻ: “Vào trong tù, tôi gặp được nhiều anh em làm cách mạng cũng quê Quảng Ngãi. Ý chí chiến đấu của anh em kiên cường lắm. Vậy nên, dù có bị tra khảo đủ kiểu thì vẫn có sức mạnh chống lại mọi nỗi đau để tiếp tục hoạt động ngay trong nhà tù của địch. Đó là thời gian niềm khao khát về tự do, hòa bình trỗi dậy mạnh nhất trong tôi.”

Và đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất của vợ ông An cùng 4 đứa con thơ. Sau khi chồng bị bắt, bà Diệt dù lòng đang nổi bão, vẫn có gắng vừa chạy chợ nuôi các con khôn lớn, vừa tiếp tục phục vụ cách mạng.

Bà Diệt trầm ngâm nhớ lại: Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến việc phải nuôi dạy các con thật tốt và làm thật nhiều điều có ích cho cách mạng. Không ngày nào tôi nguôi đi niềm tin sẽ có ngày độc lập và đó là ngày chồng tôi trở về.

Đúng như niềm tin son sắt ấy, sau ngày giải phóng, ông An trở về với nhiều mảnh đạn còn nằm lại ở khắp cơ thể. Vợ ông cũng đã mất đi cánh tay trái sau một lần bị trúng mảnh bom. Vợ chồng ông được công nhận là thương binh 2/4. Tuy nhiên, nỗi đau thể xác đã không còn là vấn đề khi độc lập, tự do trở về trên quê hương.

Sau ngày giải phóng, người thương binh Võ Văn An được bầu làm Phó Chủ tịch UBND 3 xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Thuận và Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa). Cùng với công tác lãnh đạo tại địa phương, ông và vợ tích cực khai hoang vỡ đất, bám trụ lấy nơi đất nghèo.

 

Vợ chồng ông Võ Văn An đi thăm ruộng mía sắp đến ngày thu hoạch của gia đình mình
Vợ chồng ông Võ Văn An đi thăm ruộng mía sắp đến ngày thu hoạch của gia đình mình


Ông An cho biết: Sau ngày giải phóng, cuộc sống gia đình nào cũng nghèo khó như nhau. Hồi đó, có được bữa cơm độn củ cho các con ăn no là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ còn cách bám lấy mảnh đất màu mỡ của quê hương để trồng trọt rồi chăn nuôi, kiếm sống qua ngày.

Ngày qua tháng lại, cuộc đời như đền đáp cho công sức đã bỏ ra của gia đình ông với những ruộng mía, mỳ xanh mướt. Hiện tại, vợ chồng ông nắm trong tay 12 sào mía, 2 sào ruộng, 8 sào mỳ. Có giai đoạn 2003-2008, gia đình ông ra sức chăn nuôi hàng chục con bò, chưa kể gà, vịt… Tổng thu nhập gần trăm triệu đồng/năm. Dù đã tuổi cao, sức yếu, nhưng với tính hay lam hay làm, ông An vẫn cặm cụi, gắn bó với mảnh vườn của mình.

Không dừng lại ở đó, khi đã có vốn, ông chủ động cho vay mượn  vốn và bày cách làm ăn cho nhiều gia đình khác tại địa phương. Vợ chồng ông luôn tích cực trong phong trào từ thiện, giúp bà con láng giềng có hướng làm ăn, thoát khỏi đói nghèo.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt với tù đày và sự hy sinh của đồng đội đã trở thành động lực cho ông tiếp tục chiến đấu với “giặc đói” sau ngày quê hương giải phóng. Ông An quan niệm: Bà con đã từng cùng nhau đấu tranh giành lại độc lập. Thì hôm nay, tôi cũng phải sát cánh cùng bà con phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo. Người có điều kiện kinh tế tốt có nhiệm vụ dìu dắt, giúp đỡ người nghèo hơn. Lá lành phải đùm lá rách!

Với những thành tích của mình trong kháng chiến và trong thời bình, ông An đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương. Năm 2012, ông là người có công tiêu biểu duy nhất của xã Nghĩa Thắng được nhận bằng khen của UBND tỉnh.


Thanh Phương

 


.