Các anh sống mãi trong lòng dân tộc

06:07, 30/07/2012
.

(QNĐT)- Thắp nén hương tưởng nhớ các hùng liệt sĩ, chúng tôi lặng lẽ trong niềm xúc động trào dâng. Các anh sống mãi trong lòng dân tộc, trong lòng của lớp lớp thế hệ cháu con trên quê hương đất Việt.

“Mẹ ơi, chúng con xin được nuôi dưỡng mẹ!”

Ôm tựa vào bờ vai của người mẹ vốn đã khóc gần như cạn dòng nước mắt vì thương nhớ chồng và hai đứa con trai đã hy sinh, chị Phạm Thị Thu Trang- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nấc nghẹn. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Anh (86 tuổi, ở thôn An Đại 3, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa) hai mắt cũng đỏ hoe. Mẹ Anh bảo: “Hôm nay nhà đông vui quá các con ơi. Các con nhớ đến mẹ là mẹ vui. Thằng Hiền, thằng Môn… hai anh em nó đi luôn không về với mẹ nữa”. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thu Trang, kính cẩn thưa: “Mẹ ơi, chúng con xin được nuôi dưỡng mẹ! Mẹ hãy sống thật lâu cùng chúng con nhé mẹ”. Trong không khí của những ngày tháng 7 nặng ân tình, buổi lễ nhận phụng dưỡng mẹ VNAH của cơ quan Hội LHPN tỉnh diễn ra trong niềm xúc động trào dâng.

 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thu Trang tặng quà cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Anh.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thu Trang tặng quà cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Anh.


“Đất nước đang nguy biến, các con hãy góp sức cùng đồng chí, đồng đội đấu tranh giành hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước”, mẹ Anh không sao quên được câu nói mẹ thường dặn dò các con cách đây gần nửa thế kỷ. Có nỗi đau nào sánh bằng khi chồng và hai đứa con trai hy sinh. Mẹ tưởng chừng không thể chống chọi được với nỗi đau. Suốt nửa năm ròng, mẹ Anh thường ngất lịm, cứ chết đi, sống lại vì nhớ chồng và các con. Và rồi, mẹ đã gượng dậy với tất cả nghị lực, niềm tin như bao người mẹ-anh-hùng trên đất Việt.

Mẹ tiếp tục sự nghiệp của chồng và con trai, tham gia cách mạng để góp sức giành hòa bình, độc lập cho dân tộc. Giờ đây, nắm chặt tay những đứa con trong thời bình, những đứa con không phải do chính mẹ dứt ruột sinh ra nhưng sâu nặng nghĩa tình, mẹ VNAH Nguyễn Thị Anh nở nụ cười tươi. “Mẹ nói chuyện đời xưa một tí, cái gì cũng phải có phụ nữ các con à. Trước nam giới ra tuyền tuyến, phụ nữ ở nhà làm hậu phương vững chắc. Giờ phụ nữ cũng phải phát huy truyền thống, cố gắng giỏi việc nước-đảm việc nhà”, mẹ Anh căn dặn.

Vọng mãi tiếng chuông

Kết thúc chuyến thăm, tặng quà cho gia đình thương binh-liệt sĩ nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), chúng tôi vào thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Sơn. Từng hồi chuông ở nghĩa trang liệt sĩ lại vang lên. Tiếng chuông nghe da diết. Tiếng chuông tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiếng chuông nhắc nhở các thế hệ đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ. Ông Phạm Ngọc Nhật (71 tuổi, quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Sơn) nói: “Tiếng chuông thường xuyên vang lên. Mỗi lần nghe thấy tiếng chuông không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều lặng thinh và nghiêm trang bày tỏ lòng tri ân”.  

Ông Huỳnh Duy Việt-Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn đánh hồi chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Ông Huỳnh Duy Việt-Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn đánh hồi chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện.


Đọc từng dòng chữ khắc tên các anh trên bia, chúng tôi lặng lẽ không thốt nên lời. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Huỳnh Duy Việt cho hay, trên địa bàn huyện có 7.417 liệt sĩ, riêng ở nghĩa trang liệt sĩ huyện có  180 ngôi mộ.  “Liệt sĩ chưa rõ họ tên”, không từ ngữ nào có thể diễn ta hết nỗi lòng khi chúng tôi đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Có rất nhiều hài cốt liệt sĩ không xác định được danh tính, và nhiều anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự hy sinh anh dũng của các anh mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo, quyết tâm cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

 

Thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Sơn.
Thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Sơn.


 


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ  
 


.