Tấm lòng người con xa

08:05, 30/05/2012
.

(QNg)- Bỏ lại sau lưng những mệt nhọc của cuộc hành trình dài gần 1.000 km từ TP Hồ Chí Minh về Quảng Ngãi, đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn - những người con của quê hương Mộ Đức vừa sốt sắng thăm hỏi, vừa tranh thủ kê bàn để khám và bốc thuốc ngay cho bà con giữa cái nắng rát mặt của quê biển Đức Phong.

TIN LIÊN QUAN


Chiếc xe đưa những người con trở về quê mẹ Mộ Đức đỗ xịch trước cổng Trường tiểu học Đức Phong từ lúc trời còn tờ mờ sáng. Chẳng kịp ghé qua nhà để chào mẹ già và thắp cho bố nén nhang, bác sĩ Đào Văn Quá ở thôn Châu Me (Đức Phong) đã cùng anh em trong đoàn tranh thủ bốc dỡ xe lăn, sắp xếp quà thuốc để kịp phục vụ bà con. "Lẽ ra tụi mình về quê đúng vào ngày giỗ Bác Đồng (ngày 29/4- PV), nhưng vì điều kiện công tác nên chuyến hành hương bị chậm so với kế hoạch 3 tuần" - bác sĩ Quá nói giọng tiếc nuối.

Các y bác sĩ là con em huyện Mộ Đức đang công tác tại BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn tặng xe lăn, khám chữa bệnh cho bà con trong chuyến về thăm quê vừa qua
Các y bác sĩ là con em huyện Mộ Đức đang công tác tại BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn tặng xe lăn, khám chữa bệnh cho bà con trong chuyến về thăm quê vừa qua


6 giờ sáng, mặt trời chỉ vừa ló dạng nhưng hàng trăm người dân đã có mặt để được "người quen" khám chữa bệnh. Gọi là "người quen" bởi cứ  2 năm, các y bác sĩ lại trở về để gặp gỡ và chia sẻ với bà con nghèo trên quê hương Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chẳng thế mà dù đi lại khó khăn, nhưng cụ ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Châu Me (Đức Phong) vẫn đòi đứa cháu chở đến để gặp bằng được những cậu bé chăn trâu ngày xưa giờ đã thành các bác sĩ giỏi. "Thằng Tiến trông mập ra. Còn thằng Quá ốm đi nhiều. Làm gì thì làm, các con cũng phải giữ gìn sức khỏe cho mình rồi mới cứu người được chứ", vừa nói ông Hiền vừa siết chặt bàn tay của bác sĩ Quá mà xuýt xoa, dặn dò như hai bố con lâu ngày gặp lại.

Nếu như người già, đối tượng neo đơn được các y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn thăm khám chu đáo, tận tâm thì những đứa trẻ khuyết tật của huyện Mộ Đức có mặt tại đây lại mang những tâm trạng khác nhau. 27 tuổi nhưng em Trịnh Hoàng Phôn, ở thôn Lâm Hạ (Đức Phong) chẳng khác nào đứa trẻ lên 3. Di chứng chất độc da cam từ người cha đã khiến thân thể em không còn nguyên vẹn. Ngồi trên chiếc xe lăn cũ kỹ do mẹ đẩy đến, em cứ nhoẻn miệng cười mỗi khi có ai đó cầm tay thăm hỏi. "Từ ngày nghe tin được tặng xe lăn mới, cháu không ngủ được vì mừng" - chị Nguyễn Thị Nương, mẹ của Phôn thay con chia sẻ với chúng tôi. Chỉ tay vào chiếc xe lăn đã cũ mèm, chị Nương cho hay: "Đó là món quà mà cách đây 2 năm, các y bác sĩ của đoàn này tặng cho Phôn. Dù cẩn thận nhưng mỗi khi Phôn tự mình đẩy xe thì cả hai cùng "lăn", thành ra nó rách vậy đó".

Còn Nguyễn Thị Kim Anh thì không chỉ vui vì nhận được chiếc xe lăn để trợ giúp em trong sinh hoạt hàng ngày, mà sướng nhất là được khám bệnh miễn phí. "Nhà nghèo, bố mẹ lại già nên mỗi lần đau ốm, em tự mua thuốc uống không à. Chị tin không, đã hơn 2 năm rồi, hôm nay em mới được kiểm tra sức khỏe lại đó", Kim Anh nói mà tay nắm chặt vành xe, đôi mắt lấp lánh niềm vui.

"Dù quê mình đã đổi thay nhiều, cuộc sống người dân cũng khấm khá hơn. Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều mảnh đời cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Đó là lý do vì sao, tụi mình chọn hoạt động này để tri ân với quê hương", câu nói của các y bác sĩ trẻ thuộc Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn đã khiến tôi chợt nhận ra rằng, họ nặng lòng với quê đến lạ. Chẳng thế mà 16 năm qua, lớp lớp y bác sĩ là con em Mộ Đức đang công tác tại bệnh viện này đã mang về quê hương những món quà nhỏ thôi, nhưng lại khiến bà con nơi đây nhớ mãi.

Đợt này, ngoài việc khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn còn tặng 250 suất quà cho người nghèo, 17 chiếc xe lăn cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn của huyện Mộ Đức với tổng trị giá gần 100 triệu đồng. Đây là lần thứ 8, đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn tổ chức hoạt động ý nghĩa này tại quê nhà Mộ Đức, nhằm chia sẻ và giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.