Chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản: Còn nhiều bất cập

09:05, 08/05/2012
.

(QNg)- Quảng Ngãi là một trong những địa phương được đánh giá là có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, với 140 mỏ, điểm quặng, điểm khoáng sản. Tuy nhiên, do hệ thống chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập, dẫn đến công tác quản lý thiếu chặt chẽ, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và ô nhiễm môi trường…

TIN LIÊN QUAN


 Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư!

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản vẫn chưa đồng bộ. Qua thực tiễn thi hành đã bộc lộ rất rõ bất cập, như: Luật đã được Quốc hội ban hành trong thời gian dài nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể: Luật Khoáng sản ban hành từ năm 2010, nhưng đến ngày 9/3/2012 mới có Nghị định hướng dẫn thi hành. Thế nhưng hiện Luật này cũng vẫn chưa thi hành được vì còn phải chờ thông tư hướng dẫn thi hành nghị định!

 

Khai thác vàng trái phép trên sông Tang ở huyện Tây Trà.
Khai thác vàng trái phép trên sông Tang ở huyện Tây Trà.


Mặt khác, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản liên quan trực tiếp đến đất đai, môi trường, liên quan đến pháp luật đầu tư và xây dựng, vì vậy việc chậm điều chỉnh Luật Khoáng sản  đã làm gia tăng tính không đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan (Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường…). Từ đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Khi ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, thì tính pháp lý lại thấp, tính thực tiễn chưa cao dẫn đến hiệu quả thực thi chưa đạt yêu cầu.

Ngoài ra, công cụ kinh tế được áp dụng trong hoạt động khoáng sản còn chậm ban hành, đổi mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của hoạt động khoáng sản. Đơn cử như pháp luật về thuế tài nguyên khoáng sản sau khi ban hành, đã được điều chỉnh, bổ sung nhưng quy định về biểu thuế suất vẫn còn thấp, chưa phù hợp tình hình phát triển kinh tế- xã hội hiện nay. Từ đó, ảnh hưởng đến nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời không khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, làm tổn thất nguồn tài nguyên của đất nước.

Khắc phục, hoàn thiện    

UBND tỉnh đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền những vấn đề bất cập, cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản trong thời gian tới, tập trung chủ yếu là: Quy định rõ hơn về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; việc quy định cho phép hộ kinh doanh khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khai thác tận thu cần phải rõ ràng, cụ thể, công bằng. Vấn đề đóng cửa mỏ phải quy định chặt chẽ, đảm bảo việc bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp nội dung, gây phiền hà cho cộng đồng xã hội. Công tác thiết kế mỏ cho đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, gây nên tình trạng lúng túng trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Đặc biệt, việc khai thác cát sỏi lòng sông làm vật liệu thông thường phải được đưa vào Luật Khoáng sản để điều chỉnh. Hiện nay, văn bản hướng dẫn thi hành còn bỏ ngỏ, chưa quy định rõ nội dung khai thác cát, sỏi lòng sông. Trên địa bàn tỉnh, việc cho phép khai thác cát, sỏi lòng sông lâu nay chỉ mới dựa trên Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 2/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông. Do đó, trong thực tiễn tại nhiều địa phương, việc thực thi quy định này chưa thống nhất, hiệu quả chưa cao.

Tại Quảng Ngãi, trong suốt thời gian dài đã xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, cảnh quan môi tường, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước. Chính quyền địa phương đã phải tiêu tốn công sức, tiền bạc để tổ chức đẩy đuổi. Vì thế, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để đưa loại khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ vào quy chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tạo môi trường pháp lý cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia, tránh tình trạng khai thác trái phép như hiện nay. Đồng thời, quy định rõ hơn về cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân địa phương nơi có khoáng sản khi tổ chức khai thác. Đặc biệt là sớm ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định 15/2012/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.


    Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.