Lúa chết vì ngấm nước thải từ Nhà máy mì Tịnh Phong

10:04, 09/04/2012
.

(QNĐT)- Những ngày này, nông dân khắp các cánh đồng trong tỉnh nô nức vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Thế nhưng, nhiều nhà nông ở thôn Thế Long, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) lại không có được niềm vui ấy, vì những cây lúa nặng công chăm bón bấy lâu đang dần tàn lụi do bị ngấm nước thải từ NM mì Tịnh Phong.
 
Men theo con đường đất, rộng chưa đầy nửa mét, chúng tôi ra thăm cánh đồng Rộc Mao nằm ngay phía sau Nhà máy mì Tịnh Phong. Trái hẳn với không gian bát ngát của màu lúa ngả vàng đang độ chín ở phía xa, một diện tích lớn ruộng lúa ở khu vực gần nhà máy bị cháy lá, ngả rạp do bị ngấm nước thải từ hồ chứa nước thải thuộc nhà máy.
 
Lúa cháy lá, ngả rạp vì ngấm nước thải
Lúa cháy lá, ngả rạp vì ngấm nước thải
 
Chị Nguyễn Thị Hừng, ngụ thôn Thế Long chỉ tay về những cây lúa đang ngả rạp xuống vũng nước đen ngòm bốc mùi hôi nồng nặc, xót xa kể: “Cánh đồng này vốn nổi tiếng vì đem lại những hạt gạo trắng ngần với năng suất cao vì đất đai màu mỡ, nay phải chịu cảnh tàn úa thế này đây. Nông dân chúng tôi tốn bao công chăm bẵm, thế mà đến lúc thu hoạch thì chưa chắc có rạ cho trâu bò ăn, huống gì là thu hoạch được lúa”.
 
Chị Hừng cho biết thêm, tình trạng lúa chết do ngấm nước thải đã xảy ra cách đây 5, 6 năm, sau khi Nhà máy mì Tịnh Phong đi vào hoạt động một thời gian. Ban đầu chỉ là một khoảng nhỏ lúa bị chết không rõ nguyên do, sau đó lan rộng ra dần. Đến nay, có đến hơn 15 sào ruộng của 10 hộ dân thôn Thế Long bị ảnh hưởng bởi nước thải từ nhà máy. Với diện tích này, dù bà con nông dân có cố gắng chăm bón đến mấy thì cuối vụ cũng chỉ có thể thu hoạch được khoảng 50-70kg thóc/sào, thay vì 3-3,5 tạ thóc/sào như trước kia. Thóc lúa thu hoạch được từ cánh đồng này vừa đen, lại vừa đắng nên chúng tôi đành phải cho gà, vịt ăn chứ không dám ăn.
 
Lão nông Lê Thanh Cường dùng cuốc để loại bỏ những cây lúa bị hư hỏng trên đất ruộng của mình
Lão nông Lê Thanh Cường dùng cuốc để loại bỏ những cây lúa bị hư hỏng trên đất ruộng của mình
 
Cũng giống như chị Hừng, lão nông Lê Thanh Cường ngày nào cũng cày xới, bón phân, chạy nước, chỉ mong ruộng lúa của nhà mình lên xanh và cho quả trĩu nặng. Nhưng đến vụ thu hoạch, ông lại bấm bụng vác cuốc ra đồng… nhổ bỏ những cây lúa chính mình dày công chăm sóc.
 
“Ban đầu tôi chẳng biết nguyên nhân vì đâu mà cây lúa lúc đầu lên rất tốt, nhưng đến kỳ đậu hạt, thu hoạch thì dần cháy lá, hạt lúa không thể chín rồi chết sạch. Lâu dần, qua quan sát, tôi thấy nước ruộng rất đen, nổi váng và bốc lên mùi hôi thối đặc trưng. Lúc đó, chúng tôi mới biết là do nước thải từ hồ chứa nước thải của nhà máy mì Tịnh Phòng ngấm qua mạch nước ngầm ra đồng ruộng là nguyên nhân làm hư hại hơn 15 sào ruộng của bà con”- lão nông Cường buồn rầu kể.
 
Ban đầu lúa lên rất tốt, nhưng đến kỳ đậu hạt thì dần cháy lá và không chín hạt rồi chết
Ban đầu lúa lên rất tốt, nhưng đến kỳ đậu hạt thì dần cháy lá, hạt lúa không thể chín rồi chết
 
Được biết, bà con nông dân cùng với chính quyền địa phương đã lên tiếng kiến nghị nhiều lần , yêu cầu Nhà máy mì Tịnh Phong có biện pháp xử lý ô nhiễm và bồi thường hợp lý thiệt hại cho bà con nông dân. “Tuy nhiên, câu trả lời từ nhà máy là sẽ hỗ trợ cho bà con, mỗi người được 200 nghìn đồng/sào/vụ. Chúng tôi không thể chấp nhận mức hỗ trợ quá thấp so với công sức và tiền của đã bỏ ra nên đã từ chối không nhận”- chị Hừng bức xúc.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Công- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên nhanh chóng xử lý vụ việc gây ô nhiễm đất và nguồn nước nghiêm trọng của Nhà máy mì Tịnh Phong nhưng vẫn chưa thấy kết quả như mong đợi.
 
Không chỉ gây hư hại cho diện tích lúa, hoa màu, nước thải của nhà máy xả trực tiếp ra suối Kinh (phía sau nhà máy) đã làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tại địa phương.
 
Tình trạng ô nhiễm xảy ra ở xung quanh các khu công nghiệp thường xuyên xảy ra và người dân luôn là đối tượng phải gánh chịu hậu quả. Đối với tình trạng đồng ruộng bị ngấm nước thải của nhà máy mì ở Tịnh Phong, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để thì diện tích đất bị ô nhiễm không chỉ dừng lại ở con số 15 sào đất ruộng. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống trong khu vực và kèm theo nhiều hậu quả khôn lường khác.
 
 
Thanh Phương
 

.