Dự án hạ tầng kỹ thuật KDC trục đường Bàu Giang- Cầu Mới: Cần có cái nhìn sát thực

10:03, 20/03/2012
.

(QNg)- Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư trục đường Bàu Giang- Cầu Mới được đầu tư theo phương thức "lấy đất đổi cơ sở hạ tầng". Sau sự thành công của Dự án Thành Cổ- Núi Bút, UBND tỉnh và thành phố Quảng Ngãi rất kỳ vọng vào dự án này, bởi sau khi hoàn thành sẽ mở rộng không gian đô thị phía Nam của thành phố, góp phần xây dựng thành phố Quảng Ngãi đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015.     

 Dự án do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 290 tỷ đồng từ nguồn vốn khai thác quỹ đất. Đây là một trong 6 công trình trọng điểm được đưa vào Nghị quyết HĐND tỉnh. Do đó, UBND tỉnh và UBND thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để tập trung chỉ đạo, thực hiện công trình. Theo kế hoạch phê duyệt thì đến năm 2010 là hoàn thành dự án.

Vì sao công trình chậm hoàn thành

Theo quan sát của chúng tôi, đến trung tuần tháng 3/2012 các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của Khu dân cư này vẫn còn ngổn ngang. Dự án có 17 gói thầu xây lắp nhưng phần lớn đều trong tình trạng thi công dở dang. Thậm chí có hạng mục thi công không đồng bộ, không liên tục nên nay có hiện tượng hư hỏng, xuống cấp hoặc khai thác không hiệu quả công năng sử dụng của các hạng mục công trình.

Nút giao thông Quang Trung tiếp giáp với tuyến đường Bàu Giang- Cầu Mới (đường Trường Chinh) chưa thông sau gần 3 năm triển khai dự án.
Nút giao thông Quang Trung tiếp giáp với tuyến đường Bàu Giang- Cầu Mới (đường Trường Chinh) chưa thông sau gần 3 năm triển khai dự án.


Nguyên nhân dẫn đến dự án không hoàn thành đúng tiến độ được lãnh đạo UBND tỉnh nhận định là do thời gian thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, nhiều trường hợp phức tạp phải thoả thuận nhiều lần. Mặt khác, giá vật tư, vật liệu biến động cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Bên cạnh đó, do nguồn vốn đầu tư của dự án là vốn khai thác qũy đất từ dự án, nhưng thời điểm triển khai dự án thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung lại rơi vào trạng thái "đóng băng" nên thiếu nguồn kinh phí đầu tư cho dự án.

Để dự án có thể hoàn thành đúng kế hoạch được phê duyệt, tỉnh đã bố trí vốn từ nguồn tạm ứng Kho bạc Nhà nước năm 2010 và sẽ hoàn trả bằng vốn quỹ đất. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010 chỉ bán được 16 lô đất với giá trị 13,6 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2011 sẽ đưa ra bán đấu giá 75 lô đất với tổng giá trị ước khoảng 56 tỷ đồng nhưng mới chỉ bán được vài lô. Trong khi đó, giá trị khối lượng xây lắp luỹ kế và đã giải ngân được trên 210 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2012 tình hình thị trường nhà đất trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi vẫn chưa có gam màu sáng. Trong khi đó, dự án này nằm trong giai đoạn kiềm chế lạm phát, hạn chế đầu tư công thì việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư trục đường Bàu Giang- Cầu Mới càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ, dự án này thực hiện quá chậm, trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các sở, ngành và địa phương liên quan.

Đâu là giải pháp đẩy nhanh tiến độ

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2013 phải hoàn thành và quyết toán toàn bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư trục đường Bàu Giang- Cầu mới. Có như thế mới đáp ứng yêu cầu chỉnh trang, nâng cấp đô thị để đến năm 2015 thành phố Quảng Ngãi đạt tiêu chí của đô thị loại II. Để đạt mục tiêu đó, trước mắt UBND tỉnh cần chỉ đạo Ban quản lý dự án, các sở, ban ngành cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư cho dự án. Bởi lẽ, cái khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn, do đất trong vùng dự án này bán không được, vì nhu cầu thị trường thấp.

Một thực tế nữa đang đặt ra là, thời điểm lập dự án giá đất cao nên phương thức đầu tư "lấy đất đổi cơ sở hạ tầng" đối với dự án này là có hiệu quả. Nhưng nay giá đất thấp, trong khi giá vật tư, nhân công xây lắp tăng gấp đôi nên nếu có bán toàn bộ đất theo phương án được duyệt thì chắc rằng cũng khó đủ chi phí đầu từ cho dự án. Thực tế hiện nay, tổng mức đầu tư của dự án này đã có những biến động so với ban đầu và đã được tỉnh cho chủ trương điều chỉnh theo tình hình thực tế và quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra ở đây là, nguồn vốn có thể thiếu này lấy từ đâu là điều mà Ban quản lý dự án cần suy nghĩ để tham mưu cho UBND tỉnh quyết định. Nếu lấy từ nguồn ngân sách là khó, vì hiện nay vẫn đang trong giai đoạn hạn chế đầu tư công. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều công trình đang trong tình trạng "khát" vốn.

Trước thực trạng đó, Ban quản lý dự án cần động viên nhà thầu tìm nguồn vốn thi công hoàn chỉnh các hạng mục điện, nước, cây xanh, đèn chiếu sáng công cộng ở các khu tái định cư và các khu đô thị mới. Thực hiện được điều này sẽ góp phần ổn định đời sống cho các hộ dân tái định cư, đồng thời tạo tính hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư bất động sản vào kinh doanh. Đi đôi với việc làm đó, Ban quản lý cần thống kê quỹ đất sạch trong vùng dự án mà có thể đưa vào khai thác ngay và tính toán mức hiệu quả trong quá trình đầu tư để kiến nghị tỉnh xem xét điều chỉnh mức giá sàn cho phù hợp với thị trường bất động sản hiện nay, để tiếp tục tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm khai thông thị trường đất đô thị trong vùng dự án "bị đóng băng" hơn một năm qua.

Một giải pháp khả thi có thể triển khai thực hiện nữa là, chuyển giao một phần dự án cho nhà đầu tư khác có tiềm năng kinh tế với một cơ chế ưu đãi nhất định. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện theo phương thức cuốn chiếu để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của dự án đồng bộ. Trong công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh cần có phương án đền bù, tái định cư thoả đáng để người dân sớm bàn giao mặt bằng và cuộc sống họ ổn định khi đến nơi ở mới. Kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình trì hoãn giao mặt bằng làm chậm tiến độ dự án.          

 
Bài, ảnh: Phú Đức
 


.