Đảm bảo an sinh xã hội: Cần những giải pháp hữu hiệu

08:03, 22/03/2012
.

(QNg)- Thời gian qua, Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, cần thực thi những giải pháp hữu hiệu, nhằm đạt hiệu quả thực sự trong phát triển xã hội.
 

Kỳ 1: Quan tâm giảm nghèo bền vững



Quảng Ngãi đã và đang thực hiện mục tiêu mỗi năm giảm ít nhất 1% hộ nghèo. Chỉ tiêu ấy nhiều năm nay đã đạt được, nhưng trong thực tế việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

 

 

"Giảm" phải đi đôi với "giữ"!

Thời gian qua, Quảng Ngãi đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo và gặt hái những kết quả khả quan. Chỉ tính riêng Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh, trong năm 2010 và 2011 mỗi năm huy động hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng hàng trăm nhà đại đoàn kết cho người nghèo, hỗ trợ cây con giống phục vụ sản xuất; trao học bổng cho học sinh con em nhà nghèo hiếu học…

Nhà máy Bánh kẹo Biscafun tặng quà cho trẻ em nghèo miền núi.
Nhà máy Bánh kẹo Biscafun tặng quà cho trẻ em nghèo miền núi.


Tại 6 huyện nghèo của tỉnh: Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây, Minh Long, Sơn Hà, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhưng nhờ được quan tâm hỗ trợ thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững 30a của Chính phủ, đời sống người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về tập trung thực hiện 6 giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nguồn lực tập trung cho các huyện nghèo lại càng được quan tâm hơn. Đời sống một bộ phận người nghèo đổi thay rõ rệt… Ngoài ra, các tổ chức xã hội, hội, đoàn thể huy động tối đa sự hỗ trợ xã hội giúp người nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo chưa thực sự căn cơ. Vì thế, việc thoát nghèo, rồi lại tái nghèo cứ trở đi trở lại. Nguyên nhân có nhiều nhưng trong đó có tác động từ việc thực hiện các dự án, công trình tại các huyện miền núi. Điển hình là Dự án Hồ chứa nước Nước Trong triển khai thực hiện tại hai huyện Tây Trà và Sơn Hà. Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, huyện Tây Trà Hồ Văn Vũ khẳng định: Do Ban Quản lý dự án chưa làm tròn trách nhiệm nên khi thực hiện dự án hàng trăm người dân đã rơi vào cảnh khó khăn, chưa được bố trí tái định cư, bồi thường thỏa đáng. Vì vậy, toàn bộ số hộ nằm trong dự án mặc dù đã được công nhận thoát nghèo nay lại tái nghèo, kéo theo tỷ lệ hộ nghèo của xã đã tăng vọt so với năm liền kề trước đó. "Địa phương cũng rất muốn giữ vững tỷ lệ thoát nghèo, nhưng trước tình hình này thì đành phải chấp nhận thôi. Đợi đến khi nào dự án triển khai theo đúng cam kết, đời sống người dân ổn định, xã sẽ tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo" - ông Hồ Văn Vũ nói.

Khắc phục những hạn chế

Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn một bộ phận lớn hộ nghèo ở nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại về sản xuất, tài sản, nhà ở làm cho đời sống hộ nghèo gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá cả vật tư sản xuất, hàng hóa tiêu dùng tăng nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hộ nghèo. Nhìn chung, thành quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc. Bên cạnh đó, một số chính sách và biện pháp hỗ trợ cho hộ nghèo chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho người nghèo vươn lên. Nhiều hộ nghèo vừa được xét thoát nghèo hay hộ cận nghèo nếu có người trong gia đình mắc bệnh nan y, hiểm nghèo; gặp rủi ro trong làm ăn, thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất, việc làm không thường xuyên, thu nhập bấp bênh… thì tiếp tục "rớt hạng" xuống hộ nghèo!

Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo được tỉnh quan tâm nhưng vì nhiều lý do, nên chưa thật sự thu hút người nghèo theo học nghề và sống được với nghề đã đào tạo. Nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo vẫn chủ yếu dựa vào kinh phí Nhà nước là chính. Nguy hại hơn là hiện vẫn còn một bộ phận hộ nghèo thụ động, ỷ lại và trông chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mong hưởng thụ nhiều hơn là tự lực vượt khó vươn lên. Đồng thời, do trình độ học vấn hạn chế, chưa có kế hoạch tính toán làm ăn, lại không có ý thức tiết kiệm nên cái nghèo cứ lẩn quẩn trong mỗi hộ nghèo.

Hàng năm, nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo của tỉnh khá lớn thông qua các chính sách, chương trình, dự án trợ giúp của Nhà nước đồng thời với huy động có hiệu quả nguồn lực của xã hội và cộng đồng. Vấn đề còn lại là làm sao cho nguồn lực này phát huy trong thực tế, để giảm nghèo không chỉ dừng lại ở con số "giảm" mà cần kết hợp nhiều giải pháp giúp hộ nghèo thụ hưởng đầy đủ, có hiệu quả các chính sách trợ giúp, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.


     THANH NHỊ
(Còn nữa)

 


.