Truyền thống tốt đẹp của một dòng họ ở Lý Sơn

07:02, 28/02/2012
.

(QNg)- Tộc họ Phạm (văn) là một trong 6 tộc họ lớn, thuộc thế hệ tiền hiền tại xã An Vĩnh (Lý Sơn). Qua sử sách, tư liệu, truyền thuyết và gia phả để lại, nhiều vị tiền bối của dòng tộc này là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương đất nước, đặc biệt là góp công bảo vệ chủ quyền biển đảo và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN


Trò chuyện với tôi, ông Phạm Thoại Tuyền - Trưởng Ban liên lạc họ Phạm ở huyện đảo Lý Sơn cho hay, theo gia phả để lại thì cụ thủy tổ của họ Phạm ở  Lý Sơn ở làng An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) di cư ra Cù Lao Ré (tức Lý Sơn ngày nay) từ thời vua Lê Kinh Tông Hoằng Định năm thứ 9 (1609), sinh sống chủ yếu ở thôn Đông, xã Anh Vĩnh. Đến nay, cả dòng tộc có khoảng 120 hộ, với hơn 600 nhân khẩu, thuộc 3 chi phái sống trên đảo. Ngoài ra còn có gần 50 hộ bà con đang sinh sống, công tác, học tập ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đời sống của bà con họ Phạm ở Lý Sơn có 60% làm biển và nghề nông; 40% là công nhân viên chức, công tác (ở địa bàn huyện) và các ngành nghề khác.

Ngược dòng lịch sử, con cháu họ Phạm ở Lý Sơn bao đời nay luôn có truyền thống cần cù lao động, sản xuất, tương trợ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt có nhiều tấm gương trong các phong trào đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương đất nước. Điển hình có thể kể đến là bà Phạm Tiên Điều (tục gọi là Bà Roi), cách nay 367 năm (thời chúa Nguyễn Phúc Lan năm Ất Dậu - 1645, niên hiệu Phúc Thái thứ 3) lúc mới tròn 16 tuổi đã tự vẫn không để rơi vào tay giặc.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một nét văn hóa đặc sắc do tộc họ Phạm tổ chức hàng năm ở Lý Sơn.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một nét văn hóa đặc sắc do tộc họ Phạm tổ chức hàng năm ở Lý Sơn.


Theo truyền thuyết còn lưu truyền đến ngày nay, Bà Roi vốn là một người con gái xinh đẹp, nết na nổi tiếng trong vùng. Vào một buổi trưa ngày rằm tháng 5 (âm lịch), nàng phát hiện ra giặc đang đổ bộ vào đảo Lý Sơn, nên vội chạy đi thông báo, sau đó cùng dân làng tìm cách đối phó. Nhưng không may Phạm Tiên Điều bị giặc phát hiện. Chúng truy đuổi nàng đến tận vũng Thầy Tu (nơi ngày nay người dân Lý Sơn thường tổ chức đua thuyền vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm) thì cùng đường. Vì sợ bị sa vào tay giặc, càng không chịu để bị tấm thân ô uế, nàng nhảy xuống biển tự vẫn. Bà con trong làng tiếc thương, đem xác bà về chôn cất  lập đền thờ, và gọi đền thờ này là Trinh Tịnh Đường, tức dinh Bà Roi, miếu Bà Roi.

Một điển hình nữa là cụ Phạm Hữu Nhật (tức Phạm Văn Triều, sinh năm 1804 mất năm 1854, con ông Phạm Văn Nhiên thuộc đời thứ tư của ông Thủy tổ họ Phạm Văn), năm 1836 được vua Minh Mạng phái bộ tuyển mộ quân sĩ và nhiều con cháu họ Phạm là công dân trên đảo, thành lập đội thủy quân tiến ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ chủ quyền đất nước.  Những người lính Hoàng Sa thời ấy được nhà vua gọi là những "hùng binh". Họ đã vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền của đất nước, mặc dù biết đi ra biển cả với thiết bị thô sơ là hiểm nguy, ra đi không hy vọng có ngày trở lại.

Hiện nay trên đảo Hoàng Sa có đảo Quang Ảnh (lấy tên cụ Phạm Quang Ảnh) và đảo Hữu Nhật trên bản đồ Việt Nam. Cũng từ truyền thống đưa người ra giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ hàng trăm năm trước nên hàng năm tại các nhà thờ ở huyện đảo, cứ vào ngày 20/2 âm lịch thì tổ chức "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa", mà người dân ở đây quen gọi là "Cúng việc lề", để tưởng nhớ những người con đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa. Còn trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, tộc họ Phạm đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được Nhà nước phong tặng: 1 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (duy nhất trên đảo Lý Sơn), 5 liệt sĩ, 4 huân, huy chương chống Pháp, chống Mỹ; 10 kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Phát huy truyền thống tốt đẹp hào hùng của dòng họ, con cháu họ Phạm ở  Lý Sơn ngày nay đã nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động sản xuất và công tác. Từ quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa này, nhiều người đã thành đạt, hiện đang công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ năm 1981 con cháu họ Phạm đã trùng tu, xây mới tẩm đường nhà thờ, xây lăng mộ thủy tổ, tu sửa Trinh Tịnh Đường (dinh Bà Roi); dựng bia cho Chánh đội trưởng Thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật… Đặc biệt, từ năm 2002 đã thành lập chi hội khuyến học họ tộc Phạm, lập quỹ tương trợ, ban  hòa giải và xây dựng nội quy hội đồng gia tộc; năm 2007 thành lập câu lạc bộ gia đình văn hóa, và từ năm 2005 đến nay, cứ đến ngày 20/2 (AL), tộc họ Phạm tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa rất long trọng...

Thế hệ họ Phạm ở Lý Sơn hôm nay đã và đang nối tiếp truyền thống tốt đẹp của tộc họ, luôn tri ân các bậc tiền nhân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa lịch sử của tộc họ, chăm sóc, giáo dục truyền thống cho các thế hệ tương lai, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện đảo Lý Sơn và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.


Bài, ảnh: Phạm Danh
 


.