Ông chủ… bêtông

08:02, 20/02/2012
.

(QNg)- Nhiều người gọi anh Trương Văn Thông (sinh năm 1975, chủ cơ sở đổ bê tông Chí Thông ở phường Trần Phú, Tp Quảng Ngãi) bằng tên gọi trìu mến: "Ông chủ bê tông". Ông chủ trẻ Trương Văn Thông với tài sản là máy trộn bê tông đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động ở nông thôn.

 Đầu năm mới, chúng tôi có dịp gặp anh Trương Văn Thông, chàng trai vốn được tuyên dương sản xuất kinh doanh giỏi. Ông chủ trẻ Trương Văn Thông chỉ tay vào máy trộn bê-tông đặt ở trước nhà rồi cười khà: "Nhờ cái máy trộn bê tông này mà kinh tế gia đình mình phát triển và giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nghèo. Qua Tết là chuẩn bị bước vào mùa… xây dựng, cái máy trộn bê-tông lại tiếp tục làm việc". Cuộc sống gia đình vốn khó khăn thế nhưng nhờ biết "chớp lấy thời cơ" trong thời buổi công nghiệp hóa-hiện đại hóa, cơ sở đổ bêtông Chí Thông sử dụng máy móc "gánh" bớt sức lao động của con người trong việc đổ bêtông ở các công trình xây dựng, và cũng từ đó mà cơ sở sản xuất kinh doanh này ăn nên làm ra.

Anh Trương Văn Thông tu sửa máy trộn bê-tông để chuẩn bị bước vào
Anh Trương Văn Thông tu sửa máy trộn bê-tông để chuẩn bị bước vào "mùa vụ mới"


Máy trộn bêtông của cơ sở Chí Thông là chiếc máy có mặt "đầu tiên" ở Tp Quảng Ngãi. Ở thành phố bên dòng sông Trà này cách đây chừng chục năm, duy nhất chỉ có sơ sở Chí Thông có máy trộn bêtông, do vậy mà trở thành "hàng" hiếm. Nhiều người phải "đặt hàng" máy trộn bê-tông trước ngày khởi công xây dựng công trình đến vài ba tháng. Anh Trương Văn Thông cho biết: "Gia đình mình mất đất sản xuất do quá trình đô thị hóa, thế nên phải nghĩ kế mà sinh sống. Máy trộn bê tông rất tiện lợi, tiết kiệm được rất nhiều sức người trong xây dựng". Anh Thông giải thích, thay vì trước đây việc đổ bêtông ở các công trình xây dựng tốn nhiều thời gian, công sức, đối với sàn 15 mét khối đòi hỏi 30 người làm trong khoảng thời gian xấp xỉ 1 ngày, thế nhưng khi sử dụng máy trộn bê-tông chỉ cần sử dụng 15 lao động, làm việc trong thời gian 1 buổi.

Với chiếc máy trộn bêtông thuộc vào "hàng" hiếm của mình, anh Trương Văn Thông cùng với "đội quân" lao động đi khắp các địa phương trong tỉnh đổ bêtông ở các công trình xây dựng. Thường thì có đến hơn 30 người làm việc cho cơ sở bê tông Chí Thông. Họ là những nông dân nghèo chủ yếu ở các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa). Tranh thủ lúc nông nhàn, họ "gắn bó" với cơ sở đổ bêtông Chí Thông để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Anh Thông bộc bạch: "Nghề này không làm quanh năm, chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch. Tuy vậy cũng đã góp phần giúp anh em giảm bớt khó khăn, thiếu thốn về kinh tế. Bình quân thu nhập khoảng 200.000đồng/người/ngày. Nhiều người tìm đến xin việc, đôi lúc không giải quyết được cứ thấy áy náy trong lòng, nhưng biết làm sao được, sức mình chỉ bấy nhiêu…".

Bên cạnh niềm vui mang lại khoản thu nhập hàng chục triệu đồng về cho gia đình mỗi năm, ông chủ trẻ Trương Văn Thông phấn khởi khi thấy cuộc sống của nhiều lao động làm việc cho cơ sở Chí Thông ngày càng đi vào ổn định. Từ chỗ cuộc sống gia đình khó khăn, thiếu thốn, giờ đây anh Bạch Trung Hợp, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đã xây dựng nhà cửa khang trang.

Mỗi lần gặp ông chủ trẻ Trương Văn Thông, anh Hợp mừng ra mặt. "Nhờ sự góp sức của ông anh mà cuộc sống gia đình em được ổn định. Có được cái nhà che nắng, che mưa, mừng hết biết", anh Hợp phấn khởi nói. Chẳng những giúp anh Hợp có công ăn việc làm, anh Trương Văn Thông còn cho anh Hợp mượn tiền để xây nhà, mượn tiền để mua heo, bò về nuôi… Và, không chỉ có anh Bạch Trung Hợp, mà rất nhiều người lao động làm việc cho cơ sở đổ bê-tông Chí Thông nhận sự trợ giúp đầy tình nghĩa của ông chủ tốt bụng Trương Văn Thông.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ   
 


.