Mộ Đức: Nước sạch có sạch không?

04:01, 06/01/2012
.

(QNg)- Mang tiếng là được sử dụng nước sạch, nhưng hiện hàng trăm hộ dân ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) lại không dám uống hoặc nấu ăn, mà chỉ dùng nguồn “nước sạch” này để… tắm rửa, giặt giũ!

"Đợi gần 5 năm thì công trình nước sạch mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong khi chúng tôi chưa kịp mừng thì đã phát hiện nguồn nước mang tiếng là sạch này lại bẩn hơn cả nước giếng khoan" - bà Lê Thị Hạnh ở tổ dân phố 1, thị trấn Mộ Đức bức xúc nói. Và để minh chứng cho khẳng định ấy của mình, bà liền mở vòi nước cho tôi xem.

Nước sạch nhưng không sạch nên bà Lê Thị Hạnh (tổ dân phố 1, thị trấn Mộ Đức) chỉ dùng để giặt giũ.
Nước sạch nhưng không sạch nên bà Lê Thị Hạnh (tổ dân phố 1, thị trấn Mộ Đức) chỉ dùng để giặt giũ.


Quả không sai so với những gì bà Hạnh phản ánh. Bởi nước sạch nhưng lại có màu vàng đục, hơi tanh và lợn cợn trắng. "Có hôm nó đục và bẩn như nước ruộng ấy. Thấy thế, tôi cũng chẳng dám dùng nước này để uống hay nấu ăn. Thậm chí tắm rửa, giặt giũ cũng lo bị… ngứa, ghẻ lở" - bà Hạnh nói thêm. Còn anh Trần Hiển (tổ dân phố 1) cũng khá bức xúc khi nguồn nước đã không đảm bảo vệ sinh, mà còn bị tắc nghẽn rất thất thường, làm cho sinh hoạt của gia đình anh cũng bị ảnh hưởng theo. "Nhà máy cắt nước nhưng chẳng thông báo trước, khiến chúng tôi phải dài cổ đợi nước để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Cứ ngỡ có nước sạch thì người dân đỡ khổ. Nào ngờ lại càng khổ hơn" - anh Hiển lắc đầu ngán ngẩm.

Không riêng gì bà Hạnh, anh Hiển mà hiện hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố 1 (thị trấn Mộ Đức) dù nằm ngay cạnh nhà máy cung cấp nước sạch, nhưng đành ngậm ngùi mua nước bình, hoặc đến các tổ dân phố lân cận để lấy nước từ giếng khoan về sử dụng nấu ăn, uống. Còn nước sạch thì được ưu tiên cho việc…tắm rửa, giặt giũ!. Bởi theo người dân thì, dù họ đã tìm cách lọc nhưng chỉ loại được những lợn cợn trắng, còn màu vàng và mùi tanh thì không cách nào khử được. "Vậy nên, không chỉ tôi mà những người xung quanh cũng chẳng ai có can đảm uống hoặc nấu ăn từ nguồn nước này, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe" -  chị Thái Thị Minh Hằng cho biết.

Có lẽ vì lý do này mà, trong số 449 hộ được lắp đặt đồng hồ sử dụng nước sạch thì hiện chỉ có gần 50% hộ dùng với lượng nước rất khiêm tốn. Số còn lại thì, sau khi phát hiện nguồn nước không đảm bảo nên đã đóng đồng hồ và quay lại dùng nước lấy từ các giếng khoan. cũng vì thế mà theo thiết kế, công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thị trấn Mộ Đức và một phần xã Đức Tân có công suất 1.000 m3/ngày đêm, nhưng hiện nay, chỉ có 100 m3/ngày đêm được sử dụng, nghĩa là chỉ thực hiện được khoảng 1/10 công suất thiết kế!

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Cổ phần cấp thoát nước và xây dựng Quảng Ngãi khẳng định: Qua nhiều lần kiểm tra thì chất lượng nguồn nước ở đây vẫn đảm bảo và đạt tiêu chuẩn cho phép. Còn việc nhiều hộ dân phản ảnh nước có màu vàng đục, hơi tanh và lợn cợn trắng là do lượng nước mà họ sử dụng còn quá ít, lại không thường xuyên! Chính điều này đã làm cho đường ống bị nước lắng đọng, cáu bẩn. Mặt khác, vì đài chứa nước (dùng để điều tiết nước) vừa được đưa vào vận hành nên hoạt động chưa ổn định, dẫn đến nguồn nước cũng "lúc có lúc không".  

Trong khi nhà máy "thừa" nước và không vận hành hết công suất, thì hàng nghàn hộ dân ở thị trấn Mộ Đức và một phần xã Đức Tân lại đang thiếu nước sạch để sinh hoạt. Bởi, hiện nguồn nước từ các giếng khoan đã và đang bị nhiễm phèn, không sử dụng được. Vì vậy, việc công trình cung cấp nước sạch tốn tiền tỷ của Nhà nước, không chỉ thi công chậm, mà chất lượng lại không đảm bảo đã gây bức xúc lớn cho người dân. Do đó, để sớm giải quyết nghịch lý này, ông Phạm Ngọc Lân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho rằng: Trước mắt, huyện đã yêu cầu đơn vị đầu tư phải thường xuyên súc rửa đường ống, kiểm tra mẫu nước định kỳ (cả mẫu nước vào và ra) để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh cho người sử dụng.

Còn đối với những lỗi khách quan, do thiết bị mới vận hành (chưa đảm bảo vệ sinh, hoạt động chưa ổn định) thì công ty cần phải sớm có giải pháp khắc phục. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu và yên tâm dùng nước. Tránh tình trạng "nhà máy sản xuất to mà nguồn nước lại nhỏ giọt", gây lãng phí lớn như hiện nay.


       Bài, ảnh: MỸ HOA  
 


.