Nước mắt và nụ cười

01:12, 04/12/2011
.

(QNg)- Giọt nước mắt khóc thương cho số phận lăn dài trên đôi gò má của những đứa trẻ khuyết tật. Chợt các em nở nụ cười rạng ngời hạnh phúc. Được đi học, được vui chơi cùng bạn bè-điều ngỡ là hiển nhiên, là bình thường đối với mọi đứa trẻ, thế nhưng đối với trẻ khuyết tật là cả một khung trời mơ ước. 

Học là niềm vui

"Anh Nam "khèo" đó hả cô?" - xấp nhỏ đang chơi trò bắn bi ở sân Trường THCS Nguyễn Bá Loan (Mộ Đức) hỏi ngược lại cho rõ ý khi nghe tôi hỏi thăm về em Huỳnh Minh Nam (HS lớp 7D, Trường THCS Nguyễn Bá Loan). "Đúng rồi, anh Nam học giỏi đấy"-tôi đáp. Tụi nhỏ hội ý giây lát rồi dẫn tôi thẳng tiến đến nhà em Nam ở thôn 2, xã Đức Nhuận. Trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng, tôi bắt gặp hình ảnh cậu bé có đôi bàn tay và đôi chân dài bất thường, trông ngoằn ngoèo như thể con đường làng quanh co. Thì ra tụi nhỏ đặt cho Nam biệt danh "Nam khèo" là vì lý do này đây. Ngoài dị tật vận động, Nam bị tật ở mắt. Cậu bé đeo đôi kính dày cộm. Tôi hỏi kính bao nhiêu độ, Nam nhanh nhảu: "Thưa cô, 10 độ cận-5 độ loạn".
 
Em Phạm Minh Thắng (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) vui mừng khi được nhận quà tặng là sách, vở và các dụng cụ học tập khác.
Em Phạm Minh Thắng (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) vui mừng khi được nhận quà tặng là sách, vở và các dụng cụ học tập khác.

Chị Lục Thị Diên (mẹ của Nam) cho biết: "Cháu bị bệnh ở mắt từ khi mới sinh. Vừa rồi đi phẫu thuật, bác sĩ cho đeo kính". Suốt hơn chục năm qua, Nam "khổ sở" với việc học vì phải để sách, vở cách đôi mắt độ chừng 5cm mới có thể nhìn thấy và ghi chép. Khổ thì mặc khổ, mặc cho bạn bè trêu chọc, Nam vẫn quyết chí đến trường. Mọi người nể phục cậu bé khuyết tật Huỳnh Minh Nam chỉ học vào ban ngày vì buổi tối khó khăn lắm mới nhìn thấy ánh sáng và cũng chẳng đi học thêm, ấy vậy mà năm học nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. "Bây giờ thì đỡ rồi, chứ hồi trước bạn bè cứ trêu chọc con là đứa khuyết tật", Nam nói mà gương mặt buồn thiu. Chị Diên động viên con: "Con khuyết tật nhưng đã vươn lên học giỏi. Con là niềm tự hào của ba mẹ". Nói rồi, chị Diên chạy về hướng nhà bếp, đưa tay quẹt ngang dòng nước mắt. Nam thấu hiểu nỗi lòng mẹ: "Mẹ ơi, đừng có khóc. Mai mốt lớn lên con học làm bác sĩ, sẽ chữa bớt bệnh thôi mà".

Đối với trẻ khuyết tật, được ra lớp học hòa nhập là niềm hạnh phúc lớn lao. Học được con chữ "ê", "a"… đối với các em là sự nỗ lực không ngừng. Tôi chẳng thể nào quên hình ảnh cậu bé Phạm Minh Thắng (bị teo cơ cột sống, học lớp 3C, Trường tiểu học Phổ Phong, Đức Phổ). Nghe thầy giáo thông báo sáng mai có đoàn đến tặng quà, đêm ấy Thắng háo hức ngủ chẳng yên giấc. Mờ sáng, cậu bé đã giục mẹ chở đến trường. Sân trường vắng bóng người vì quá sớm, chỉ hai mẹ con Thắng ngồi đợi. Khi lên nhận quà, Thắng vui như mở hội. Từng bước đi khập khễnh, nụ cười hạnh phúc nở trên môi cậu bé khuyết tật Phạm Minh Thắng khiến cho tất cả những ai có mặt hôm ấy lòng như vui lây.

Thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Phổ Phong hãnh diện nói: "Thắng là học sinh đạt học lực xuất sắc. Em rất kiên trì và giàu nghị lực, là tấm gương để các em noi theo". Thương con vất vả, chị Nguyễn Thị Sẻ (mẹ của Thắng) nhiều lần bảo con nghỉ học ở nhà. Thắng dứt khoát: "Không. Con thích đến trường". Tôi hỏi: "Sao con lại thích đi học". Thắng cười hiền: "Đi học vui, có nhiều bạn bè". Chẳng thể chạy nhảy vui chơi, bữa nào mẹ cũng bế vào lớp rồi ngồi một chỗ đến cuối buổi, nhiều hôm lên cơn co giật phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, vậy mà Thắng vẫn quyết tâm đến trường, vẫn cứ là học trò chuyên cần, học giỏi.

Cần lắm sự sẻ chia! 

Quảng Ngãi hiện có hơn 7.000 trẻ em khuyết tật. Thế nhưng có rất ít trẻ khuyết tật may mắn được học hòa nhập như em Huỳnh Minh Nam, Phạm Minh Thắng… Theo cô giáo Trần Thị Thu Thủy-Phó hiệu trưởng Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh thì có rất nhiều rào cản khiến cho trẻ khuyết tật không thể hòa nhập, đó là nhận thức của gia đình có trẻ khuyết tật còn hạn chế, các trường học "ngại" nhận học sinh khuyết tật hoặc trẻ khuyết tật đến lớp học bị "bỏ rơi" khiến trẻ chán nản, không muốn đến lớp. Cũng theo cô giáo Thủy, trẻ ở dạng tật khiếm thị có thể tham gia học hòa nhập tốt nếu có sự quan tâm của gia đình và nhà trường, thế nhưng hiện nay có rất ít trẻ khiếm thị ở tỉnh ta tham gia học hòa nhập.

Có dịp đến thăm Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh, chắc hẳn ai nấy không khỏi xúc động trước tình thương của cô giáo dành cho học trò, trước sự thơ ngây, hồn nhiên của những mảnh đời thiếu may mắn; và cũng xen lẫn niềm vui bởi những đứa trẻ kém may mắn trong cuộc đời được quan tâm giáo dục kỹ năng sống, được học văn hóa, được trợ giúp điều chỉnh hành vi, phục hồi chức năng... Nơi đây, trẻ ở tất cả các dạng tật đều được tham gia học tập. Vui là điều chắc hẳn, nhưng tiếc rằng trẻ khuyết tật được quan tâm giúp đỡ ở đây cũng chỉ dừng lại ở con số 80-quả là quá ít so với nhu cầu cũng như số lượng trẻ khuyết tật cần được quan tâm giúp đỡ.

Cô giáo Trần Thị Thu Thủy cho biết: "Từ năm 2008 đến nay, có 24 học sinh của trường ra hòa nhập cộng đồng, trong đó có 4 em tham gia học hòa nhập tại địa phương. Trường muốn giúp đỡ nhiều trẻ em khuyết tật, nhưng bị kẹt bởi ngân sách".

Hòa nhập cộng đồng, tham gia học văn hóa là khung trời mơ ước đối với nhiều trẻ em khuyết tật. Các em cần lắm vòng tay yêu thương, sự sẻ chia để xoa dịu nỗi đau bất hạnh, để được học chữ, được tung tăng vui đùa cùng chúng bạn.

Phương Lý

.