Nợ bảo hiểm xã hội: Đến hẹn lại... đòi

03:11, 18/11/2011
.

(QNĐT)- Năm nào cũng vậy, cứ gần cuối năm là Bảo hiểm xã hội Quảng Ngãi lại đau đầu với thực trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đơn vị, mà chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân. Bảo hiểm thì cứ việc đòi, doanh nghiệp thì cứ chây ì. Bài toán nợ BHXH vẫn chưa có lời giải.

Nợ tăng gấp 3 lần

Ông Phạm Văn Lệ-Trưởng phòng thu BHXH Quảng Ngãi lắc đầu ngao ngán: Nếu như năm 2010, số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của toàn tỉnh là 13 tỷ đồng thì năm nay lên tới trên 38,5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng nhiều khiến ngành bảo hiểm luôn đau đầu.

Năm 2010, toàn tỉnh có khoảng 200 đơn vị nợ BHXH, BHYT thì năm nay số đơn vị nợ các loại bảo hiểm đã gần tới 500 đơn vị. Chưa bao giờ số đơn vị nợ các loại bảo hiểm lại nhiều như năm nay, chỉ cần đọc danh sách đã thấy “chóng mặt” huống gì nói đến chuyện đòi nợ.

Người lao động
Doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm đầy đủ cho người lao động cũng là một trong những biện pháp để giữ chân người lao động. Ảnh minh hoạ

Điều đáng nói, trong năm 2011, ngoài một số đơn vị mới nợ BHXH, BHYT, BHTN thì nhiều doanh nghiệp nợ "thâm niên" từ năm này đến năm khác nhưng vẫn không chịu trả, có đơn vị nợ với số tiền lên tới trên 1,4 tỷ đồng. Điển hình như Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp An Ngãi nợ BHXH 8 tháng với số tiền trên 1,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng 25 Quảng Ngãi, nợ BHXH, BHYT, BHTN 13 tháng với số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Còn số đơn vị nợ với số tiền vài trăm triệu thì rất nhiều.

1.001 kiểu trốn đóng BHXH

Những doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN dù sao đây cũng là những đơn vị ít nhiều chịu tham gia bảo hiểm cho người lao động, nhưng một thực trạng đáng nói là hiện có hàng ngàn lao động vẫn không được doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm. Hiện toàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp được cấp giấy phép, với số lượng lao động làm tại các doanh nghiệp này lên hàng chục ngàn người. Thế nhưng hiện chỉ có 870 doanh nghiệp có tham gia đóng các loại bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, số lao động được đóng các loại bảo hiểm cũng ít hơn rất nhiều so với thực tế số lao động của doanh nghiệp.
 
Theo ông Ông Phạm Văn Lệ-Trưởng phòng thu BHXH Quảng Ngãi thì những năm qua, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động rất phổ biến, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, với rất nhiều hình thức, như không ký hợp đồng lao động, chỉ hợp đồng miệng... Nhiều doanh nghiệp sợ cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt thì cũng chỉ đóng BHXH, BHYT cho vài người trong “bộ khung” của mình cho có, nhưng tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động lại thấp hơn so với thực tế.

Phần lớn những lao động phổ thông tại các doanh nghiệp xây dựng đều không được đóng BHXH
Nhiều lao động phổ thông tại các doanh nghiệp xây dựng đều không được chủ doanh nghiệp đóng BHXH.

Bên cạnh một số doanh nghiệp luôn kêu làm ăn thua lỗ, thì không ít doanh nghiệp làm ăn phát đạt nhưng vẫn cố tình chây ì không đóng BHXH. Nếu thực hiện chế độ BHXH, hàng tháng người lao động phải trích lại 8,5% lương để nộp BHXH, chủ sử dụng lao động nộp 20%. Khi trốn nộp BHXH, doanh nghiệp vừa không phải chi 20%, vừa giữ luôn 8,5% lương của người lao động.  Đây là hình thức chiếm dụng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động.

Một thực tế đáng nói ở các doanh nghiệp hiện nay là người lao động dẫu biết việc mình không được chủ doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm theo quy định nhưng lại không dám lên tiếng, bởi vì sợ mất việc làm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều lao động bị tước các quyền lợi nhưng vẫn không dám lên tiếng đối với doanh nghiệp.

Bài toán nợ BHXH vẫn chưa có lời giải:

Doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN dường như không chỉ có ở Quảng Ngãi mà đây là thực trang chung của rất nhiều địa phương hiện nay. Thế nhưng làm thế nào để hạn chế tình trạng này luôn là một bài toán khó chưa có lời giải đối với không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội mà của các cơ quan chức năng.

Hiện nay, việc xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH vẫn còn khá nhẹ. Theo Nghị định 113, quy định xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp nợ BHXH quá hạn, trốn BHXH với mức phạt tối đa 20 triệu đồng. Nhưng xem ra, quy định này khó thực hiện, bởi cơ quan thu BHXH không có thẩm quyền xử phạt đối với những doanh nghiệp này, phải nhờ đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thế nhưng, nhiều năm nay, mặc dù BHXH đã lập danh sách báo cáo về những doanh nghiệp chây ì nộp hoặc trốn nộp BHXH, BHYT, BHTN, nhưng cũng chỉ bị nhắc nhở.

Nghị định 02 của Chính phủ đã ban hành thêm chế tài, nhằm răn đe những doanh nghiệp để quá hạn BHXH là tính lãi suất theo ngân hàng số tiền nợ của doanh nghiệp, thế nhưng việc tính lãi chậm nộp BHXH thấp hơn tiền lãi ngân hàng tại từng thời điểm dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp lãi, thay vì phải đi vay ngân hàng trả tiền lãi cao.

Doanh nghiệp không tham gia đóng các loại bảo hiểm cho người lao động thì dĩ nhiên người lao động của doanh nghiệp đó sẽ bị tước những quyền lợi  được hưởng từ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. Chính vì vậy nếu không có một biện pháp xử lý kiên quyết các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN  thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Tuy nhiên, bài toán xử lý nhiều năm rồi vẫn chưa có đáp án. Nhiều ý kiến cho rằng, cần khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, tuy nhiên các thủ tục khởi kiện cũng không đơn giản.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định thành lập Đoàn công tác liên ngành thực hiện công tác thu, nộp  BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, trong 2 tháng cuối năm, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có số nợ BHXH, BHYT, BHTN lớn, thời gian nợ kéo dài, qua đó sẽ xử lý các đơn vị, doanh nghiệp cố tình tránh đóng, trốn nộp.
 
Đợt kiểm tra lần này nhằm chấn chỉnh việc thực hiện chính sách BHXH cho người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp, đảm bảo cho người lao động được hưởng quyền lợi theo quy định. Hy vọng, sau đợt kiểm tra này, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh ta sẽ được hạn chế.
 
Bài, ảnh: M.Toàn

.