"Nhà của người có công"

08:07, 27/07/2011
.

(QNg)- Mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng hơn 3 năm nay Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh  (Sở Lao động, Thương binh và xã hội ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) đã trở thành một địa chỉ nghỉ ngơi, an dưỡng, điều dưỡng của các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Không những vậy, Trung tâm còn đóng góp thiết thực vào công tác "Đền ơn đáp nghĩa", thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong tỉnh đối với người có công.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi khang trang của Trung tâm, anh Phạm Diệu - cán bộ phụ trách Trung tâm cho biết: "Hiện giờ trung tâm có 21 cán bộ, trong đó có 10 biên chế và 11 lao động theo thời vụ. Tuy chưa thành lập các phòng, ban, nhưng Trung tâm đã củng cố được các bộ phận hành chính, kế toán và y tế. Với quy mô và lực lượng hiện có, mỗi năm Trung tâm nhận điều dưỡng 33 đợt, với trên 2.000 đối tượng. Mỗi đợt đón tiếp và chăm sóc khoảng 70 - 80 người có công, được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm. Mỗi đại biểu người có công sẽ được điều dưỡng tại Trung tâm trong khoảng từ 5 - 7 ngày, với chế độ 1,5triệu đồng/người. Dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng chúng tôi luôn làm hết sức mình để phục vụ người có công với cách mạng, mong sao các bác được vui hơn và tinh thần thoải mái hơn khi rời khỏi trung tâm...".
 
Theo dõi sức khỏe cho các thương bệnh binh tại Trung tâm.
Theo dõi sức khỏe cho các thương bệnh binh tại Trung tâm.

Được xem như "nhà của người có công", do vậy, nơi đây đã chứng kiến nhiều cuộc hội ngộ đầy cảm xúc của tình đồng chí, đồng đội sau hàng chục năm xa cách. Để rồi, khi cảm xúc lắng lại họ cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến đấu oanh liệt, ôn lại tuổi thanh xuân hiến mình cho đất nước. Không ít thương bệnh binh, người đã tuổi cao sức yếu, nhưng vẫn đăng ký tham gia điều dưỡng tập trung, để có dịp cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm một thời đã từng chung lưng đấu cật, nếm mật nằm gai.

Không giấu được niềm vui sau một chuyến điều dưỡng tập trung tại Trung tâm, bác Lê Thanh Tiến (72 tuổi) ở xã Phổ Ninh (Đức Phổ) bộc bạch: Giờ tuổi đã cao, được tỉnh quan tâm cho đi điều dưỡng là điều tôi rất vui. Đặc biệt, nhờ có đợt điều dưỡng này mà hai thế hệ thương binh chống Pháp, Mỹ nhiều người trong chúng tôi mới được hội ngộ, ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong chiến đấu mà chúng tôi đã trải qua. Những ngày ở đây, tôi thấy rất thoải mái và khoẻ hơn nhiều....Cùng với niềm vui được đi thăm quan, nghỉ dưỡng tại Trung tâm, bác Nguyễn Thị Hồng Nhị (xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ) xúc động nói: "Ở đây, tôi được các cháu nhân viên chăm sóc chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ như đang ở nhà mình. Lại được khám bệnh, đi thăm quan… nên rất phấn khởi. Mong sao Trung tâm xây dựng mở rộng hơn để nhiều người có công được về đây điều dưỡng".

Hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã điều dưỡng luân phiên cho gần 10.000 lượt người có công với cách mạng. Tại Trung tâm, những người có công với cách mạng được nghỉ ngơi, được tham gia các hoạt động văn hoá thể thao, được khám bệnh cấp thuốc miễn phí, thăm quan những di tích lịch sử, nâng cao sức khỏe, tinh thần… Và quan trọng hơn cả là, người có công cảm nhận được sự tri ân, tấm lòng biết ơn của xã hội vì những hi sinh to lớn của họ cho đất nước.

Tuy nhiên với 13.000 người có công trên toàn tỉnh hiện nay thì Trung tâm chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu. Anh Phạm Diệu cho biết, hiện nay Trung tâm còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhu cầu sinh hoạt về tinh thần như chưa có phòng thư viện, chưa thành lập được đội văn nghệ để tổ chức giao lưu, chưa có phương tiện vận chuyển đi thăm quan, và đặc biệt là kinh phí tổ chức các hoạt động. Bên cạnh đó, rất mong cấp trên quan tâm đầu tư để mở rộng Trung tâm, nâng công suất giường điều dưỡng, bố trí sân, công viên, phòng đọc sách, báo, sân thể thao ngoài trời, để đáp ứng nhu cầu phục vụ tốt hơn…

Từng bước khắc phục khó khăn về thiết bị, nhân lực, CB-CNVCLĐ ở Trung tâm luôn hết mình với nhiệm vụ được giao, thiết thực chăm sóc, điều dưỡng người có công, thể hiện cụ thể sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với người có công. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào "đền ơn đáp nghĩa" sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, phát huy đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

.