Các nạn nhân da cam âm ỉ nỗi đau hàng ngày

08:07, 12/07/2011
.

(QNg)- Tham gia kháng chiến chống Mĩ, trở lại quê hương với thương tật vĩnh viễn 3/4, cựu chiến binh Trần Điềm, thôn Phước Hiệp, xã Đức Hòa (Mộ Đức) trử về quê lập gia đình, và rồi bốn đứa con lần lượt ra đời. Đứa con trai út của ông là Trần Đức Cường đã không may mắn, hơn 30 tuổi mà nói cười huyên thuyên như đứa trẻ lên 2. Gia đình ông chạy chữa khắp nơi nhưng Cường không khỏi, rồi ông Điềm bàng hoàng nghe thông báo rằng, con ông đã bị di chứng của chất độc da cam.
 

Tuổi già, sức yếu, cộng thêm vết thương thời chiến khiến ông Điềm gục ngã chỉ nằm bất động trên giường. Những lúc tỉnh táo, ông lại thở dài và khóc. Giọt nước mắt lăn dài trên gò má  của người cựu chiến binh khi lo sợ cho tương lai của đứa con  bất hạnh. Được biết 3 người con trai lớn của ông giờ đã lập gia đình, nhưng kinh tế còn khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính, nên khó có thể san sẻ trách nhiệm chăm lo cho người con út Trần Đức Cường.
 
 
Ông Trần Kiệm nằm liệt giường và đứa con trai bị nhiễm chất độc da cam.
Ông Trần Kiệm nằm liệt giường và đứa con trai bị nhiễm chất độc da cam.

Theo số liệu điều tra của Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, Quảng Ngãi có 1837 cháu thế hệ thứ ba bị khuyết tật, dị dạng do di chứng chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống chiến trường trong suốt những năm tháng chiến tranh. Đằng sau mỗi con số là một câu chuyện đời đáng thương.

Mang trong người mầm mống của chất độc da cam quái ác di truyền từ cha mình là ông Trần Quang Thanh (bộ đội tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ), nhưng chị Trần Thị Hoài Anh (cư trú tại thôn Phước An, xã Đức Hòa)  không hề hay biết. Mãi đến khi lấy chồng và sinh con, vào giây phút nhìn thấy đứa con bé bỏng chào đời, chị Anh hốt hoảng khóc thét lên trước một sinh linh mềm oặt, trắng bủng và có cái đầu to dị thường.

Cháu Hưng Nguyên - con gái của chị Anh năm nay đã 16 tuổi, nhưng chỉ nằm một chỗ, sống trong vô thức. Thân hình cháu Nguyên trắng bủng, èo uột bất động trên giường, thi thoảng lại la hét, rồi khóc lóc nên chị luôn túc trực bên con bất kể ngày đêm. Nhiều khi cháu đau đớn, quấy khóc cả đêm, chị Anh như đứt từng khúc ruột. Thấy người lạ nó cố nghiêng cái đầu to dị thường ra mép giường để nhìn, rồi cất tiếng cười hềnh hệch.

"Lắm lúc muốn tìm việc gì đó để làm, trang trải chi phí sinh hoạt, nhưng lại lo cháu ở nhà không ai chăm sóc nên tôi lại thôi" - chị Hoài Anh trải lòng. Cha bé Hưng Nguyên bỏ lại hai mẹ con, để tìm hạnh phúc bên người phụ nữ khác. Chị Anh và cháu chỉ còn biết sống nương nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi của bà ngoại. Với di chứng của chất độc này quá khắc nghiệt. Làm gì có người đàn ông nào muốn cưới một người phụ nữ khi biết họ sẽ sinh ra những đứa con không bình thường?".  Chi Anh tâm sự.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện còn hàng nghìn nạn nhân khác cũng sống lay lắt trong khó khăn, vất vả bởi di chứng của chất độc  quái ác này. Quảng Ngãi có  16.432 nạn nhân chất độc da cam (đã chết 1592 người), còn sống 14.855 người. Toàn tỉnh hiện còn trên 4000 hộ nạn nhân nghèo, có 1.200 gia đình có từ 3 nạn nhân nhiễm chất độc da cam trở lên. Cần lắm những tấm lòng và sự giúp đỡ thiết thực của xã hội, để những nạn nhân chất độc da cam bớt đi phần nào gian khó trong cuộc sống hàng ngày.      
          
                   Bài, ảnh : Ý Thu

.