Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên

10:06, 05/06/2011
.

(QNĐT) - Ngày Môi trường thế giới là một sự kiện thường niên về môi trường được tổ chức rộng rãi trên khắp toàn cầu. Năm nay, Liên hiệp quốc đã lựa chọn chủ đề cho ngày này là “Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống và hệ sinh thái, đồng thời đưa ra cảnh báo về tình trạng phá rừng và suy thoái rừng trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra.

Rừng bao phủ 1/3 diện tích bề mặt lục địa Trái đất, thực thi nhiều dịch vụ và chức năng thiết yếu duy trì sự sống trên khắp hành tinh chúng ta, là sinh kế của khoảng 1,6 tỷ người phụ thuộc vào rừng. Rừng là lá phổi khổng lồ, hấp thụ khí cabonic và giải phóng khí oxy vào khí quyển. Do vậy rừng đóng vai trò cực kì quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Quan trọng hơn nữa, rừng lưu trữ nguồn nước nuôi dưỡng các con sông và bảo vệ nguồn cung cấp nước cho gần 50% nhu cầu của các thành phố lớn nhất toàn cầu. Với vẻ đẹp bí ẩn và hùng vĩ, các cánh rừng là hệ sinh thái có độ đa dạng sinh học cao nhất trên đất liền, là ngôi nhà chung của hơn một nửa số động vật và thực vật trên cạn. Rừng cũng tạo việc làm, góp phần hình thành văn hóa cho các cư dân sống phụ thuộc vào rừng.

Rừng là nguồn cung cấp nhiều loại lâm sản cần thiết cho cuộc sống, cung cấp cho ta nhiều sản vật quí hiếm, tạo ra và duy trì độ phì cho đất và giúp giảm nhẹ sự tàn phá của các loại thiên tai như: ngăn nước lũ trên núi, chắn gió, chắn cát, xâm nhập mặn ven biển, hạn chế năng lượng của sóng thần…Thế nhưng, bất chấp cả lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế - xã hội và sức khỏe mà rừng ban tặng, chúng ta đang tàn phá rừng không thương tiếc.
 
AA
Bất chấp cả lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế - xã hội và sức khỏe mà rừng ban tặng, những năm gần đây tình trạng tàn phá rừng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây, thiên tai ngày càng khốc liệt, diễn biến bất thường, cực đoan hơn và gia tăng cả về tần suất lẫn quy mô, gây nguy hại vô cùng to lớn đến đời sống nhân dân. Vấn đề sạt lở đất, suy thoái môi trường ngày càng diễn biến phức tạp và liên tiếp xảy ra đều có nguyên nhân từ tàn phá rừng.

Chỉ tính riêng trong vòng 4 thập niên trở lại đây, có tới 50% diện tích rừng trên thế giới bị biến mất do nhiều nguyên nhân khác nhau. Rừng nguyên sinh bị tàn phá, đất đai  bị xói mòn dẫn tới tình trạng sa mạc hóa ngày một gia tăng. Nhiều loài động-thực vật, lâm sản bị biến mất trong danh mục các loài quý hiếm, số còn lại đang đối mặt với nguy cơ dần bị tuyệt chủng.
 
Nghiêm trọng hơn, diiện  tích rừng bị thu hẹp trên quy mô lớn đã làm tổn thương lá phổi của tự nhiên, khiến bầu khí quyển bị ô nhiễm nặng nề, làm mất cần bằng sinh thái, ảnh hưởng xấu đế sức khỏe con người và đời sống động, thực vật…

Thế nhưng, sẽ không là quá muộn để chúng ta bắt đầu xây dựng một cuộc sống xanh trong tương lai, mà ở đó những cánh rừng là trọng tâm của sự phát triển bền vững và các nền kinh tế xanh.

Là một quốc gia đất hẹp người đông, Việt Nam là một trong những quốc gia hiện nay có chỉ tiêu rừng vào loại thấp nhất thế giới, chỉ đạt mức bình quân khoảng 0,14 ha/người, trong khi mức bình quân của thế giới là 0,97ha/người.

Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, nước ta có khoảng 11 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 9,4 triệu ha và 1,6 triệu ha rừng trồng, độ che phủ của rừng chỉ đạt 33% so với 45% của thời kỳ giữa những năm 40 của thế kỷ trước.

Những năm gần đây, nhờ có sự nỗ lực trong thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, “phủ xanh đất trống dồi núi trọc”, giao đất giao rừng cho nông dân quản lý, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án phát triển ngành lâm nghiệp… nên diện tích rừng nước ta  đã tăng 1,6 triệu ha so với năm 1995, trong đó, rừng tự nhiên tăng 1,2 triệu ha, rừng trồng tăng 0,4 triệu ha.

Thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Quảng Ngãi đã khoán quản lý bảo vệ trên 523.200 lượt hecta, khoanh nuôi hơn 66.300 hecta, đạt 90% kế hoạch; trồng mới 23.112 hecta; nâng độ che phủ của rừng từ 24,6% năm 1999 đến hết năm 2010 lên gần 45%. Dự án cũng thực hiện chuyển đổi gần 80.000 ha đất trống đồi núi trọc sang trồng rừng, tạo việc làm cho 10 ngàn hộ dân trong vùng dự án, hình thành trong cộng đồng dân cư miền núi biết làm nghề rừng, giữ rừng, xóa bỏ dần tập quán du canh du cư phát rừng làm nương rẫy.
  
Dự án cũng góp phần tạo vùng nguyên liệu tập trung cho phát triển công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh. Trữ lượng gỗ đối với rừng sản xuất từ 2-10 tuổi tại thời điểm năm 2010 đạt 610.000 m3 với giá trị gần 264 tỷ đồng, cung cấp nguyên liệu hàng năm khoảng 500.000 m3 cho 1.400 cơ sở chế biến gỗ và trên 20 nhà máy chế biến gỗ  với tổng doanh thu hàng năm từ 440- 500 tỷ đồng.
 
aa
Diện tích rừng nước ta đã tăng 1,6 triệu ha so với năm 1995, trong đó, rừng tự nhiên tăng 1,2 triệu ha, rừng trồng tăng 0,4 triệu ha.

Không sao kể hết những giá trị mà rừng ban tặng. Chính vì thế, Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống và hệ sinh thái, đồng thời đưa ra cảnh báo về tình trạng phá rừng và suy thoái rừng trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra.

Ấn Độ được chọn là chủ nhà của Ngày Môi trường thế giới năm nay. Đây là quốc gia đứng thứ 7 về diện tích và đông dân thứ 2 trên thế giới với khoảng 1,2 tỷ người. Đất nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường nghiêm trọng và đang tìm giải pháp để giải quyết các vấn nạn này trong khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Liên hiệp quốc kêu gọi các quốc gia hãy nỗ lực hành động, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng trên khắp thế giới để giúp bảo tồn các hệ sinh thái và khuyến khích sử dụng rừng bền vững.

Song hành với việc nâng cao nhận thức thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục đòi hỏi các quốc gia phải có một khung pháp lý cụ thể trong quy trình bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đồng thời cần phải đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ mạnh, có tinh thần trách nhiệm và khả năng tác nghiệp cao, được đầu tư thỏa đáng và tarng bị phương tiện kỹ thuật chuyên ngành hiện đại.

Ba Tơ là địa phương có diện tích rừng lớn nhất trong toàn tỉnh, vì thế Quảng Ngãi đã chọn Ba Tơ làm điểm tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2011, với mong muốn tạo thêm cơ hội để thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường tại địa phương ngày càng tốt hơn, đặc đặc biệt là công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tất cả các loại rừng, phòng chống phá rừng và suy thoái rừng, đồng thời kêu gọi toàn thể cộng đồng có thói quen tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, trồng rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã… giữ gìn cho trái đất của chúng, hành tinh của chúng ta mãi mãi xanh tươi và thịnh vượng.
 

Ái Kiều

.