Tuyên truyền ngăn ngừa trẻ đuối nước: Việc cần làm

01:05, 03/05/2011
.

(QNg)- Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều sông ngòi, với chiều dài hàng trăm kilômét và trên 40 hồ nhân tạo. Mỗi năm trung bình trên toàn tỉnh có 130 trẻ em dưới 16 tuổi bị đuối nước, tử vong 23 em.  

Ông Trương Đình Đức - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận xét: Năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra bão lũ. Với địa hình từ đồng bằng đến miền núi bị chia cắt nhiều, bởi hệ thống sông, suối. Nên nguy cơ xảy ra đuối nước ở trẻ là rất cao. Thời điểm xảy ra các vụ tai nạn thường là mùa hè, đặc  biệt là thời điểm nghỉ hè hoặc trong các dịp nghỉ lễ. Mặc dù các cấp, ngành và gia đình có quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của các bậc cha mẹ để trẻ chơi tự do, thiếu sự quản lý, theo dõi; nhiều trẻ tự trốn gia đình tìm đến các bãi, sông, suối để học bơi... 
 
Bờ mương nơi xảy ra cái chết thương tâm của em Bùi Thị Kim Trâm.
Bờ mương nơi xảy ra cái chết thương tâm của em Bùi Thị Kim Trâm.

Điều đáng quan tâm ở đây là hầu hết các em không biết bơi và đi bơi không có người lớn đi kèm, không có bất kỳ phương tiện cứu hộ nào, bơi ở những nơi không hề có biển báo nguy hiểm. Ở nông thôn nghỉ hè, các em thường rủ nhau đi mò cua, bắt ốc và nhất là hay rủ nhau đi tắm sông, ao, hồ. Ngay cả những địa điểm năm nào cũng có trẻ chết đuối, nhưng các em vẫn rủ nhau đến đó đùa nghịch và bơi. Để giảm thiểu tình trạng này cần có sự phối hợp từ nhiều phía, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục cho trẻ từ gia đình đến trường và ngoài cộng đồng là yếu tố mấu chốt.

Ngay trong ngày mùng 10 tết (âm lịch) năm nay, cháu Bùi Thị Kim Trâm - học sinh lớp 4, ở thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) khi đi chơi với bạn dọc bờ mương gần nhà, đã sẩy chân rơi xuống mương nước và tử vong.

Mẹ của cháu - chị Hồ Thị Thanh Thư kể lại: Con mương này hằng ngày cháu và các bạn vẫn thường chơi, hôm xảy ra vụ việc cháu và bạn cùng xóm vẫn dạo chơi ở đây bằng xe đạp, chỉ lúc quay xe về nhà vào lúc nhập nhoạng tối, mới trượt chân ngã xuống mương, gây ra cái chết.

Hay như vụ em Nguyễn Ngọc Dũng - 16 tuổi ở xã  Trà Bình (Trà Bồng) nhân dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, đã cùng 32 bạn học sinh lớp 10 trường THPT Trà Bồng rủ nhau đi biển Khe Hai (Bình Sơn). Trong lúc chơi bóng trên bãi biển bóng rơi xuống biển, Dũng liền chạy ra nhặt và bị sóng cuốn trôi. Do không biết bơi, Dũng đã bị chết đuối. Tại khu vực biển Khe Hai có một số khu vực nguy hiểm, nhưng lại không có biển cảnh báo hoặc nhân viên cứu hộ, nên thường xảy ra những cái chết thương tâm… Có thể lý giải về tình trạng trẻ đuối nước dưới nhiều góc độ, nhưng nguyên nhân chính là các cháu đều thiếu sự hiểu biết và phòng vệ khi xảy tình huống nguy kịch.

Càng gần đến ngày hè thì công tác quản lý trẻ em cần phải đẩy mạnh. Trước hết chính quyền địa phương cần phối hợp với các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, trang bị cho các em kiến thức về cách thức phòng chống đuối nước, cũng như tác hại của nó. Các trường cần phối hợp với địa phương, gia đình bàn giao quản lý học sinh khi kết thúc năm học.
 
Ở các bến sông nơi có trẻ nhỏ đi qua, bắt buộc phải có phao cứu sinh hoặc người đi kèm; bể nước, cống rãnh, miệng giếng phải có nắp đậy, đặt các biển báo nguy hiểm tại các bãi biển, bãi tắm; nên đưa chương trình dạy bơi vào trường học, hướng dẫn cho học sinh biện pháp sơ cứu ban đầu khi gặp trường hợp đuối nước. Đặc biệt cần tạo cho trẻ sân chơi bổ ích, thu hút sự quan tâm của trẻ trong những ngày hè. Vì vậy truyền thông sẽ là một kênh chủ lực nằm trong Chương trình Hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước giai đoạn 2011-2015.

Bài, ảnh: Vũ Yến

.