Sức sống mới ở vùng cao Ba Ngạc

07:05, 03/05/2011
.

(QNg)- Chúng tôi trở lại vùng đất nằm dưới chân đèo Viôlắc bên dòng sông Re, thuộc xã Ba Ngạc (Ba Tơ) vào cuối tháng 4. Nơi đây đã đổi thay thật nhiều. Trên các sườn đồi, ruộng chân cao phủ xanh keo, mía, hoa màu. Trên những cánh đồng bậc thang bà con đang  gặt lúa...

Ông Phạm Văn Vôn - Chủ tịch UBND xã Ba Ngạc cho biết: Xã nằm cách trung tâm huyện lỵ Ba Tơ đến 31 km về hướng tây. Tuy nằm dưới chân đèo Viôlắc, nhưng so với nhiều nơi khác thì địa hình nơi đây thật khắc nghiệt. Mùa mưa - sông suối chia cắt, mùa nắng - nước cạn khô đồng. T
 
 
Xây dựng cầu treo thôn Nước Lầy giúp nhân dân đi lại thuận lợi phát triển sản xuất.
Xây dựng cầu treo thôn Nước Lầy giúp nhân dân đi lại thuận lợi phát triển sản xuất.
rong nhiệm kỳ qua, Ba Ngạc đã tập trung khoảng 7,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của các Chương trình 134, WB, 135 giai đoạn II và nhiều chính sách miền núi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất. Trước khi triển khai các chương trình, xã đã rà soát toàn bộ các hạng mục, các công trình thiết yếu, nhu cầu của người dân để đầu tư, sớm giúp dân thoát  nghèo.

Thông qua Chương trình 134, xã Ba Ngạc đã triển khai xây dựng 100 nhà ở cho hộ nghèo; 2 công trình nước tự chảy giúp dân có nguồn nước uống; chú trọng xây dựng các công trình kênh mương thủy lợi để đưa nước về tưới các cánh đồng chân cao, giúp dân phát triển sản xuất. Các công trình kênh nước Nong, đập và kênh Ba Ham, kênh suối Na lần lượt được xây dựng bên các chân đồi. Đến nay toàn xã đã có 6 công trình thủy lợi kiên cố tưới cho khoảng 192 ha diện tích ruộng lúa hai vụ/năm.

Có điều kiện phát triển sản xuất, nhưng trên vùng cao Ba Ngạc bà con thiếu kiến thức kỹ thuật thâm canh cây, con giống mới. Xã đã xây dựng 2 nhà văn hóa thôn để làm nơi hội họp phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, về lịch thời vụ, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thâm canh cây, con. Bên cạnh đó xã đã tập trung xây dựng và mở rộng các con đường liên thôn, liên xóm. Nhờ đó trong 5 thôn bây giờ đều có đường ô tô đến tận trung tâm xã. Cũng từ nguồn kinh phí của các chương trình, xã đã đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, chợ, tạo nên thay đổi bộ mặt của xã vùng cao này.

Thành quả lớn nhất trong nhiệm kỳ qua mà Đảng bộ và chính quyền xã Ba Ngạc đạt được là làm nhận thức của người dân trong việc sản xuất cũng như nếp sống sinh hoạt được nâng cao. Bây giờ dạo quanh các thôn, làng dưới chân đèo Viôlắc, bên những đồi nương xanh ngắt của cây nguyên liệu là những ngôi nhà sàn xây dựng chắc chắn.
 
Đi sâu vào bên trong nhà dân, thấy nếp sống của bà con đã gọn gàng, ngăn nắp. Chuồng trại gia súc làm cách xa nhà. Trong các khuôn viên vườn, nhiều gia đình trồng hoa và chăm sóc cây hoa gạo, để mỗi mùa tháng 3 (âm lịch) về, hoa nở đỏ rực như biểu tượng sức sống của thôn làng. Già Phạm Văn Biêu, thôn Krên cho biết: "Bà con giờ ít lam lũ hơn trước nhiều. Nhờ biết cách áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa nước đúng như cán bộ nói, nên cái đói không còn. Ngày trước dân cư lên nương mãi, hết gieo hạt lúa là trồng mì, khoai lang, chặt củi bán, Có năm nắng hạn mất mùa, bà con thiếu đói triền miên. Còn nay đồi nương trồng cây nguyên liệu, ruộng đồng có nước tưới, chỉ cần chuyên cần chăm sóc là có lúa ăn".

Không chỉ già Biêu, mà toàn xã có 707 hộ thì hầu hết bà con đã biết áp dụng kỹ thuật trồng lúa, nuôi gia súc làm hàng hóa... Cuộc sống đồng bào dần ấm no, số hộ nghèo giảm dần từng năm (năm 2010 chỉ còn 185 hộ chiếm 26,3%). Kinh tế ổn định, đồng bào Hrê Ba Ngạc đã sắm phương tiện đi lại, nghe, nhìn. Bà con đau ốm đã biết đưa đến trạm xá, khám bệnh điều trị, hạn chế cảnh cúng bái, ma chay như trước đây. Nhiều gia đình cũng định hướng cho con  em đến trường học hành đàng hoàng. Toàn xã có 553 học sinh ở 3 bậc học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở). Các em đều chăm ngoan học tập, hàng năm có hơn 97% học sinh lên lớp. Tình trạng học sinh bỏ học không còn diễn ra.

Bên cạnh những nỗ lực ấy, qua rà soát hộ nghèo (theo chuẩn mới) giai đoạn 2011 -2015, Ba Ngạc vẫn còn 356 hộ nghèo (hơn 50% số hộ trong xã). Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Vôn cho biết: Trong thời gian đến, xã chú trọng công tác xuất khẩu lao động; đồng thời tận dụng vùng đất có đường Quốc lộ 24 chạy qua nối với các tỉnh Tây Nguyên, sẽ tiếp tục phổ biến kỹ thuật nuôi, trồng cây, con giống mới, hướng bà con sản xuất theo hướng hàng hóa, trên cơ sở định hướng cho dân nuôi con gì, trồng cây gì để phù hợp với từng chân đất, từng thời điểm nhằm phát triển kinh tế gia đình bền vững...

       TRƯỜNG AN

.