Quyết tâm khống chế dịch LMLM trong tháng 4/2011

09:04, 06/04/2011
.

(QNĐT) - Đó là mục tiêu đặt ra tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch LMLM do Bộ NN&PTNT tổ chức vào sáng ngày 6/4 do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì.

Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2010 và 3 tháng đầu năm 2011, dịch LMLM đã xảy ra ở 297 xã thuộc 103 huyện của 28 tỉnh, thành phố, với số gia súc bị mắc bệnh là 16.333 con trâu bò và 1.700 con lợn, trong đó 419 con trâu bò và 848 con lợn phải  tiêu hủy.

Dịch LMLM xảy ra trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), duyên hải miền Trung và Tây Nguyên (Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Lăk) và các tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang,  Lào Cai,  Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh,  Điện Biên, Lai Châu và Sơn La).

Dịch xảy ra trên qui mô rộng vào tháng 12/2010, cao điểm nhất có tới trên  98 ổ dịch và tháng 11/2010 là 56 ổ dịch xuất hiện trong tháng. Các tháng khác dịch xảy ra ít hơn và rải rác tại nhiều địa phương.

Bệnh LMLM xảy ra nặng ở tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên,  Lai Châu, Quảng Ninh, Đăk Lăk. Đặc biệt Sơn La xảy ra dịch nhiều lần với mức độ nặng. Các tỉnh Đăk Lăk, Điện Biên, Lai Châu để dịch dây dưa kéo dài. Các tỉnh dịch xảy ra nhẹ là  Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Long An, Quảng Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Tiền  Giang và Sóc Trăng.

Hiện nay, cả nước còn 10 địa phương có ổ dịch đã qua 21 ngày và 29 tỉnh có ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày, trong đó có Quảng Ngãi.
 
fff
Từ năm 2010  đến 31/3/2011, đã  có 16.333 con trâu bò và 1.700 con lợn mắc bệnh LMLM, trong đó 419 con trâu bò và 848 con lợn phải  tiêu hủy.

Tính từ đầu năm 2011 đến ngày 5/4/2011, dịch LMLM gia súc đã  xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với tổng số gia súc mắc bệnh là 2.650 con, gồm 1.039  con trâu, 1.434 con bò và 177 con lợn.

Nguyên nhân khiến dịch LMLM lây lan và kéo dài là do chính quyền và người dân tại một số địa phương chủ quan, lơ  là trong công tác phòng chống dịch. Một số cán bộ thú y ở cơ sở giấu dịch để chữa trị kiếm tiền, khi dịch lây lan rộng thì mới báo cáo. Công tác giám sát phát hiện dịch bị buông lỏng, trung bình các ổ dịch báo cáo sau 24-25 ngày phát dịch, thậm chí có ổ dịch sau 101 ngày mới báo cáo.

Một số địa phương không báo cáo cũng như không công  bố dịch như quy định, vẫn cấp phép vận chuyển gia súc sang địa phương khác tiêu thụ. Việc tổ chức tiêm phòng không đảm bảo kỹ thuật, đặc biệt tiêm phòng không triệt để cho cả đàn gia súc, có nơi nhiều người dân không đồng ý  tiêm phòng cho gia súc với lý  do sợ gia súc sẽ bị gầy.
 

 

 
Một số địa phương không báo cáo cũng như không công  bố dịch như quy định, vẫn cấp phép vận chuyển gia súc sang địa phương khác tiêu thụ
Một số địa phương vẫn cấp phép vận chuyển gia súc sang địa phương khác tiêu thụ là một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan và kéo dài.
 
Tiến sĩ Tô Long Thành-Viện trưởng Viện Dịch tể Trung ương cho biết, kết quả phân lập và định danh  virut được thực hiện tại Việt Nam và sau đó được khẳng định bởi Phòng Thí nghiệm tham chiếu thế giới về bệnh LMLM tại Pirbright (Anh Quốc) xác định type virut lưu hành chủ yếu tại Việt Nam trong năm 2010 và đầu năm 2011 là type O (serotype O Myanmar 98 lưu hành chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và phía Bắc, serotype O PanAsia lưu hành ở các tỉnh phía  Nam. Tuy nhiên, phân type O Myanmar 98 gây ra đợt dịch này có những biến đổi đáng kể so với năm 2005, quan sát từ thực tế cho thấy virut có xu hướng gây ra tỷ lệ chết cao trên lợn với bệnh tích hoại tử cơ tim.

Hiện nay, dịch LMLM đã có dấu hiệu chững lại và đang có chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên nguy cơ dịch LMLM tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là rất cao nếu không có biện pháp quản lý chặt đàn gia súc mới vừa lành bệnh.

Tại hội nghị, các địa phương đề nghị Bộ NN&PTNT sớm phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM giai đoạn 2011-2015 để sớm cung ứng vắc xin cho các địa phương tiêm phòng.

Bộ NN&PTNT đưa ra mục tiêu là khống chế được dịch LMLM trong tháng 4/2011. Khi có ổ dịch xảy ra, trong phạm vi 3 ngày đối với vùng đồng bằng và 5 ngày đối với vùng núi tính từ ngày có ca bệnh đầu tiên, ổ dịch phải được phát hiện, báo cáo cho các cơ quan chức năng và xử lý triệt để theo quy định, không để dịch lây lan rộng.

Để hoàn thành được mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương cần tập trung vào các giải pháp như: tiêm phòng vắc xin, giám sát phát hiện sớm và quản lý chặt ổ dịch, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các biện pháp thường xuyên tiêu độc khử trùng ổ dịch để tiêu diệt virut do gia súc bệnh hoặc vừa lành bệnh thải ra môi trường; tuyên truyền để người dân cùng tham gia giám sát, báo cáo và quản lý ổ dịch, đồng thời hạn chế các hành vi làm phát sinh và lây lan dịch.

Đối với hành vi dấu dịch để chữa trị kiếm tiền của cán bộ thú y cơ sở, các địa phương phải nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật.

Về phía Cục Thú y, trong tháng 4 phải tổ chức tập huấn về lấy mẫu cho cán bộ thú y để tăng cường giúp các địa phương xác định chính xác loại virut gây bệnh nhằm sử dụng loại vắc xin phù hợp để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả. 

Ái Kiều
 

.