Hệ lụy từ những vụ tai nạn lao động

11:04, 08/04/2011
.

(QNg)- Tai nạn lao động (TNLĐ) đang là mối lo ngại của các cấp, ngành, đơn vị và doanh nghiệp. Nhiều vụ tai nạn không chỉ cướp đi sinh mạng của người lao động mà còn để lại những hệ lụy đau thương cho gia đình và người thân.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, năm 2007 trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn làm 14 người chết, 3 người bị thương nặng. Đến năm 2010 xảy ra 4 vụ làm chết 4 người và 2 người bị thương nặng; riêng qúi I/2011 xảy ra 1 vụ TNLĐ làm chết 1 người. "Tuy số vụ TNLĐ giảm nhưng cũng đáng lo ngại. Phần lớn các doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận với nhau, nên có nhiều vụ không đưa vào hồ sơ và để lại những hệ lụy rất đau thương" - bà Lê Thị Kim Ngân - phụ trách Ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh) cho biết.

Cách đây 2 năm, cũng như bao người lao động khác, anh Nguyễn Hồng Tình (36 tuổi) ở thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) là thợ điện của Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi, vẫn ngày ngày đi làm trong niềm vui của gia đình. Nhưng một ngày nọ, cả gia đình hốt hoảng  khi thấy công nhân của nhà máy đưa Tình về trong tư thế nằm bất động. Biết chuyện chẳng lành, cụ bà Võ Thị Trương ập đến bên con, rồi ngất lịm.

Còn vợ anh - chị Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng không giấu được nỗi đau mất chồng. Chị sống vật vã suốt mấy tháng liền. Cụ Trương kể lại: "Tình hiền lành và hiếu thảo. Trước giờ chưa làm mất lòng ai. Sau giờ làm việc, Tình về nhà phụ giúp vợ, chăm sóc ông bà, bố mẹ. Vì vậy nên ai cũng thương yêu nó. Cái ngày nó ra đi, tôi không dám tin vào mắt mình, nhưng đáng thương hơn là vợ và đứa con trai duy nhất của Tình thiếu đi tình cảm vợ chồng, cha con". Sau khi chồng mất, chị Thúy liên tục đau ốm, nhưng vì tương lai của cháu Nguyễn Hữu Thanh (5 tuổi) nên chị phải cố gắng vực dậy. "Tuy hay đau ốm, nhưng không vì thế mà Thuý bỏ bê công việc. Thuý vẫn tần tảo làm công nhân Nhà máy bao bì để lo cho con và là người con dâu hiếu thảo" - cụ Trương bộc bạch.

Với chị Nguyễn Thị Phú Cường thì có hoàn cảnh bi thương không kém chị Thúy. Năm 2008 anh Nguyễn Văn Sĩ (54 tuổi) - chồng chị nhận lợp lại một phần mái tôn cho Nhà máy cồn (C.ty CP Đường Quảng Ngãi). Khi đang làm việc thì không may anh bước trúng tấm tôn bị mục, nên rơi từ trên mái nhà xuống đất. Anh Tư vong ngay tại chỗ. Chị Cường một mình nuôi các con, trong đó có cậu con trai út đang học lớp 12 Trường THPT Lê Trung Đình.

Sớm hôm chị tần tảo bên quán ăn của gia đình được mở hơn mười năm nay. Trung bình mỗi ngày chị Cường bán được vài chục đĩa cơm, nhưng cũng chỉ đủ lo bữa ăn hàng ngày và đóng tiền học phí cho con. Cũng may 3 đứa lớn đã có nghề nghiệp tự lo cho bản thân nên chị cũng vơi đi phần nào gánh nặng. Tuy nhiên, chị Cường cũng đang lo lắng, nếu đứa con trai út- Nguyễn Trần Thế Bảo thi đỗ đại học thì không biết lấy gì để lo, bởi tuổi của chị ngày càng cao, sức khỏe yếu, trong khi các anh của Bảo có cuộc sống cũng chẳng khấm khá gì.

Không chỉ chị Thúy, chị Cường, mà thực tế ở tỉnh ta còn rất nhiều những gia đình phải gánh lấy nỗi đau từ những vụ TNLĐ. Đến xã Bình Thạnh (Bình Sơn) chúng tôi không thể cầm lòng khi nghe người thân của nạn nhân Lê Văn Khôi (1975) kể về sự ra đi của anh. Khôi lập gia đình được 14 năm và có 4 mặt con. Ngày anh Khôi được tuyển dụng vào vận hành máy ủi bánh xích tại Nhà máy Chế biến lâm sản xuất khẩu Dung Quất gia đình mừng khôn xiết, vì có cơ may giúp gia đình xoá đói giảm nghèo được mở ra. 5 năm làm nghề cũng là khoảng thời gian vợ chồng anh vô cùng hạnh phúc, dù đồng lương chẳng đáng là bao. Nhưng rồi đêm 18/10/2009 một tai nạn bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của anh.

Nguyên nhân do ánh sáng nơi làm việc không đảm bảo, trên đống dăm gỗ có nhiều ụ dăm gỗ cao che khuất tầm nhìn, nên một đồng nghiệp đã lui xe và đè lên người anh Khôi khi anh đang ở phía sau. Sự ra đi của anh Khôi đã để lại nỗi đau khôn xiết cho người vợ trẻ và 4 đứa con thơ. Cảm thông hoàn cảnh chị Nhung (vợ), cơ quan của anh Khôi đã nhận vào làm việc để nuôi con".

Chị Nhung tâm sự: "Mỗi lần bé út - cháu Nguyễn Thị Mỹ Linh bập bẹ hỏi ba đâu mẹ, là lòng tôi lại nhói đau". Hay chị Nguyễn Thị Sương, giáo viên Trường Mầm non Tịnh Khê (Sơn Tịnh) bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về vào năm 2006. Chị ra đi để lại mẹ già và người chị gái bệnh thần kinh không ổn định. Trước đây chị Sương là "trụ cột" của gia đình, giờ mẹ và chị gái đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống, vì không có ai chăm sóc, nương tựa.

Thực tế đó đang là hồi chuông báo động về vấn đề an toàn lao động trong các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất ở tỉnh ta.

Trịnh Phương

.