,
Cập nhật lúc 19:44, Wednesday, 13/04/2011

Quảng Ngãi: Đã hết gia súc có triệu chứng nhiễm bệnh lở mồm long móng


(QNĐT) - Sau gần 2 tháng nỗ lực dập dịch, đến nay 11/11 huyện trong tỉnh có gia súc nhiễm bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã hết triệu chứng.

Tính từ đầu năm 2011 đến nay, dịch LMLM gia súc đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với tổng số gia súc mắc bệnh là 2.650 con, gồm 1.039 con trâu, 1.434 con bò và 177 con lợn, đã gây chết và phải tiêu hủy 209 con của 1.050 hộ chăn nuôi ở 174 thôn thuộc 71 xã của 11 huyện trong tỉnh bao gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Minh Long và Ba Tơ. Trong đó, các huyện có gia súc mắc bệnh LMLM nhiều nhất là Ba Tơ (488 con), Tư Nghĩa (484 con), Minh Long (414 con), Trà Bồng (408 con).

Cùng với mưa lạnh kéo dài, thức ăn thiếu thốn làm giảm sức đề kháng của gia súc tạo điều kiện cho vi rút LMLM phát triển và gây bệnh, nguyên nhân khiến dịch lây lan rộng, đặc biệt là ở các huyện miền núi là do tập quán chăn thả rông trâu, bò trong rừng, ý thức chấp hành của người chăn nuôi đối với công tác tiêm phòng chưa cao. Khi xảy ra dịch, người dân không cách ly gia súc bị bệnh mà nuôi nhốt tập trung. Thêm vào đó, việc cán bộ thú ý ở cơ sở dấu dịch để chữa trị kiếm tiền làm dịch lây lan nhanh chóng. 
 
Từ 4 huyện là Trà Bồng, Sơn Tịnh, Ba Tơ và Đức Phổ có gia súc 313 con gia súc bị bệnh, dịch bùng phát dữ dội và lây lan rộng vào những ngày giữa tháng Hai. Đến ngày 17/2/2011, đã có 10/14 huyện, thành phố trong tỉnh có gia súc nhiễm bệnh với 1.248 con, gồm 493 con trâu, 712 con bò và 43 con lợn, trong đó đã có 96 con gia súc bị chết. Trung bình mỗi ngày có thêm 2,5 xã và 40 gia súc bị bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng, ngày 18/2/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế đã ký Quyết định công bố dịch LMLM trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và yêu cầu ngành chức năng, người dân thực hiện các biện pháp bắt buộc trong công tác phòng chống dịch như kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển gia súc tại vùng dịch, hướng dẫn người dân nuôi nhốt gia súc tại chuồng và tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Thú y.
 
dd
Đến ngày 9/4, 30 con gia súc cuối cùng bị nhiễm bệnh LMLM ở huyện  Ba Tơ đã hết triệu chứng nhiễm bệnh.
 
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan thú y và các hộ chăn nuôi và sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an trong việc kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch để ngăn chặn vận chuyển gia súc mắc bệnh ra ngoài ổ dịch… tình hình dịch bệnh có dấu hiệu “nguội” so với thời điểm cuối tháng Hai và tuần đầu tháng Ba vừa qua.

Suốt trong khoảng thời gian từ ngày 29/3-5/4 vừa qua, toàn tỉnh không phát hiện thêm gia súc nhiễm bệnh, đã có 10/11 huyện có gia súc bệnh hết triệu chứng, trong đó hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ đã công bố hết dịch. 
 
Mặc dù tích cực trong công tác chống dịch nhưng do tập quán chăn nuôi thả rông của người dân cộng với tổng đàn gia súc lớn nên Ba Tơ là địa phương dẫn đầu số gia súc mắc bệnh. Đến ngày 5/4/2011, Ba Tơ còn 30 gia súc của 7 hộ còn triệu chứng mắc bệnh LMLM thuộc 3 địa phương là Ba Cung, Ba Thành và Ba Xa.

Với quyết tâm dập dịch trong thời gian ngắn nhất, chính quyền đã phối hợp với Trạm Thú y huyện Ba Tơ đến từng hộ chăn nuôi kiểm tra, giám sát, thực hiện công tác tiêm phòng bao vây và sát trùng ổ dịch. Ngoài ra, còn huy động 7 hộ chăn nuôi tự mua vôi bột để sát trùng chuồng trại. Đến ngày 9/4 vừa qua thì toàn bộ số gia súc trên đã hết triệu chứng nhiễm bệnh.

Bà Thới Thị Chương, ở thôn 5, xã Ba Cung (Ba Tơ) - một trong 7 hộ có gia súc vừa hết triệu chứng nhiễm bệnh LMLM cho biết: “Giữa tháng Ba vừa qua, 14 con lợn của gia đình tôi kém ăn, miệng tiết nước bọt nhiều, móng chân lần lượt rơi ra, lợn phải nằm một chỗ.
 
Hai ngày sau thì 7 con trong số ấy đã chết. Ngay sau đó, tôi gọi thú y xã đến tiêu hủy số đã chết, tiêm phòng số còn lại, dùng dung dịch BenKoGid để phun khử trùng chuồng trại và cho lợn ăn cháo trắng để nâng cao sức đề kháng. Đến nay, đàn lợn đã bình phục, móng chân đã mọc dài ra, lợn đã đi lại bình thường”.

Ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã hết gia súc có triệu chứng nhiễm bệnh LMLM. Tuy vậy, các địa phương vẫn đang kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc và sản phẩm của chúng, hạn chế hành vi làm phát sinh dịch trở lại. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ chỉ đạo xây dựng các lò giết mổ tập trung và khuyến khích các địa phương, người chăn nuôi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. 

Ái  Kiều
 
http://baoquangngai.com.vn/channel/2024/201104/Quang-Ngai-da-het-gia-suc-co-trieu-chung-nhiem-benh-lo-mom-long-mong-1987681/
,
Ý KIẾN BẠN ĐỌC (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. Chúng tôi có thể sẽ biên tập lại nội dung phản hồi của quý vị để phù hợp với tiêu chí chung của website)
,
Doosan Vina đứng đầu danh sách CSR Award
(QNĐT)- Doosan Vina vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc trao trao giải CSR Award. CSR Award là giải thưởng ghi nhận trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và cá nhân người Hàn Quốc đang đầu tư, làm việc tại Việt Nam.
,
,
,