Phát triển giao thông nông thôn: Nối mạch "ý Đảng lòng dân"

09:01, 03/01/2011
.

(QNg)- Hiện nay khi tham gia giao thông trên các tuyến đường ở làng quê, nhiều người nghĩ rằng mình như đang đi trên các tuyến đường phố. Những con đường bùn lầy, "ổ gà, ổ trâu" ngày nào đang dần dần được thay thế bằng những con đường bê tông xi măng phẳng lỳ...

Nhà nước và nhân dân cùng làm
Xác định phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), miền núi  là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo (XĐGN), nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời đưa văn hoá, khoa học đến với bà con nông thôn vùng sâu, vùng xa. Vì vậy những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình GTNT, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 
 Người dân xóm 5 Tân Mỹ (Tịnh An - Sơn Tịnh) tự bỏ tiền, công sức làm 400m đường.
Người dân xóm 5 Tân Mỹ (Tịnh An - Sơn Tịnh) tự bỏ tiền, công sức làm 400m đường.

Đặc biệt, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều tuyến đường giao thông từ đường huyện đến xã, phường, thị trấn và thôn, xóm... trong tỉnh được triển khai xây dựng. Việc đầu tư phát triển GTNT đã tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt từ miền núi cho đến đồng bằng, ven biển, tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế, XĐGN và rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Nhờ thực hiện tốt chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huyện Bình Sơn đã vận động nhân dân tham gia xây dựng hàng trăm km đường GTNT. Trong đó điển hình là giữa năm 2008 bà con xóm 5, thôn An Điềm, xã Bình Chương đã đóng góp 100% kinh phí làm 270m đường bê tông, với chiều rộng 3,5m. Không chỉ đóng góp tiền, mà nhiều hộ dân ở huyện Bình Sơn còn hiến cả đất để mở rộng đường như 21 hộ dân xã Bình Minh đã hiến hàng trăm m2.

Ông Trịnh Lộ (72 tuổi) thôn Tân Phước bộc bạch: “Mình chịu thiệt một chút mà nhiều người được hưởng lợi, trong đó có gia đình và con cháu mình nữa, bởi con đường là niềm mong đợi của người dân nơi đây". Từ những nỗ lực trên mà đến nay 25 xã, thị trấn của huyện Bình Sơn đều có đường ô tô đến trung tâm xã; xe 2 bánh lưu thông được ở các thôn, xóm, góp phần đưa bộ mặt nông thôn của Bình Sơn ngày càng khởi sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Cũng như Bình Sơn, ở Sơn Tịnh phong trào xây dựng GTNT cũng được người dân ủng hộ cao. Từ năm 2005 đến nay huyện đã xây dựng được nhiều km đường GTNT, với tổng kinh phí nhiều tỷ đồng. Xóm 5, thôn Tân Mỹ (Tịnh An) chỉ có 15 hộ dân, nhưng họ đã vận động con em, bà con trong xóm và bà con làm ăn xa đóng góp 110 triệu đồng, làm 400m đường bê tông.

"Đòn bẩy" phát triển kinh tế
Thực tế cho thấy, những năm qua nơi nào hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông phát triển thì nơi ấy kinh tế - xã hội phát triển mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Chính vì vậy việc phát triển giao thông được xác định là "đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Ông Lê Nhân - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết: Chủ trương đúng đắn được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động thiết thực, đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ năm 2006 đến nay, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở đường, xây dựng các công trình GTNT.

Các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Sơn Hà là những địa phương triển khai khá tốt chương trình kiên cố hóa đường GTNT. Các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhựa hóa, cứng hóa đường cấp huyện 337,5km, nâng tổng số đường được nhựa hóa, cứng hóa lên 683,6 km. Riêng đường cấp xã, phường, thị trấn được các địa phương triển khai được gần 300km, nâng tổng số đường được cứng hóa hoặc nhựa hóa lên 873km.

Ngoài ra các địa phương còn xây dựng gần 40km đường thôn, khối phố. Ngành giao thông vận tải tỉnh đã triển khai nhựa hóa hoặc cứng hóa đường tỉnh 260km, nâng tổng số đường tỉnh được cứng hóa, nhựa hóa lên 572km. 100% tuyến đường đến trung tâm các huyện miền núi trong tỉnh đã được nhựa hóa, cứng hóa; 55,65% đường huyện và 40% đường xã, 3,56% đường thôn, khối phố được cứng hóa... Tổng nguồn vốn triển khai xây dựng mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh từ năm 2006 - 2009 trên 1.752,6 tỷ đồng.

Có thể nói, những con đường nghĩa tình, đúng ý Đảng hợp lòng dân đang vươn dài, tỏa rộng mãi trên khắp các làng quê Quảng Ngãi. Những "mạch máu" giao thông đã giúp rút ngắn khoảng cách các miền quê xa xôi với thành thị và nó thực sự làm bừng lên sức sống ở những vùng nông thôn của tỉnh hôm nay.

B.Sơn

.