Khi đất rẫy thành sông

02:12, 09/12/2010
.

(QNĐT) - Nghe có vẻ khó tin, vì đất rẫy là vùng đất gò đồi. Theo ý nghĩ của nhiều người thì người dân sống trên vùng đất này sẽ bình chân như vại mỗi khi mùa mưa đến, nhưng sự thật suốt 10 năm ròng rã, chỉ cần 2 ngày mưa hơi nặng hạt, vùng đất rẫy thuộc xã Phổ An (Đức Phổ) đã biến thành sông.

* 10 năm sống chung cùng ngập úng

Vùng đất này giáp với rộc biển Mỹ Á, trải đều trên 4 thôn An Thạch, An Thổ, Hội An 1 và Hội An 2. Mười năm trở lại đây tên gọi này được người dân biến thể thành “Ngập đồng lau”. Gọi thế vì không những mỗi khi mùa mưa đến mà chỉ cần 2 ngày mưa hơi nặng hạt, nơi đây đã biến thành con “sông” rộng lớn. Cứ thế, tình trạng này kéo dài cả tháng trời và lặp lại suốt 10 năm qua.

Cuộc sống của người dân nơi đây vì thế hết sức nhọc nhằn, vì đường sá, nhà cửa, vườn tược, giếng nước, cây cối… bị ngập sâu trong nước, sinh hoạt của người dân gặp vô vàn khó khăn.  
 
ddd
Mưa là ngập.
 
Chúng tôi có mặt ở đây vào những ngày đầu tháng 11 âm lịch, khung cảnh khiến chúng tôi ngỡ ngàng là nước vẫn vây tứ bề, có nơi ngập sâu đến 1m. Hậu quả là 300 ha cây hoa màu hư hại, những vườn bắp, mì tốt tươi giờ khô héo cả vùng. Con đường rộng 5m dẫn vào 4 thôn lầy lội như ruộng sắp cấy, đỏ ngầu bởi đất sét, đen ngòm bởi phân trôi nổi từ các chuồng gia súc, gia cầm, và cả phân từ các hố xí hòa quyện vào nước.
 
Dưới vườn khoai lang nước ngập đến đầu gối, chị Phan Thị Kim Thư ở xóm Bảo An, thôn An Thạch đang hì hục cắt những sợi khoai lang lấm lem đất đỏ, úng gần như sạch lá. "Ngập hơn cả tháng rồi, cứ trời hửng nắng, nước rút được chút ít, nhưng có trận mưa lại dâng lên. Tiếc của thì đi hái về chứ úng thế này mà giếng nước lại bị ngập, không rửa sạch chưa chắc heo, bò chịu ăn"- Chị Thư rầu rĩ.
 
Cách đó vài trăm mét, nhà chị Nguyễn Thị Bên, ở đội 2, thôn Hội An 2 rơi vào cảnh bước xuống giường là đụng nước. Chị Bên than thở: “Đầu mùa mưa, 4 sào mì chưa đủ tháng nhưng tôi phải bán đổ bán tháo. Thà kiếm được vài đồng còn hơn để trời lấy. Mọi thứ trong nhà phải kê lên cao, thậm chí chuồng trâu, chuồng bò cũng phải xây tường chứ nói chi đến hoa màu. Khổ nỗi giếng cũng bị san bằng nên suốt ngày quanh quẩn với việc lội bộ cả cây số chở nước sạch về dùng, rồi đưa đón thằng út đang học lớp 1 đi học. Nước ngập sâu quá, không dám cho nó đi một mình”.
 
Vườn nhà ông Nguyễn Bay, ở thôn Hội An 1 có hơn 1 ha đất hoa màu nhưng chết sạch, gia đình hết sức khó khăn, không biết kiếm đầu đâu ra thu nhập để lo cho 2 con đang tuổi ăn tuổi học.
 
Trong khi lòng dạ người lớn đang rối bời thì đám trẻ con lại rất thích. Với bản năng tự nhiên chúng thích nước ngự trị càng lâu và càng sâu để chúng được nghỉ học hay vui đùa thỏa mái, thậm chí là bắt cá chứ chúng đâu hiểu rằng, ngoài nước mưa đổ về còn có nước thải từ chuồng trâu, bò, heo, hố xí… và hệ luỵ tất yếu là chân đứa nào cũng bị ghẻ lở thường xuyên.
 
*Đừng để dân chịu một mình!
 
Trước đây, vùng đất này có địa hình rất cao và hệ thống thoát nước ra cửa Mỹ Á, nhưng dần dần hệ thống đã bị bồi lấp nên mỗi khi mưa xuống, nước  các xã Đức Thắng, Đức Minh và Đức Phong (Mộ Đức) đổ về Phổ An gây ngập úng trên diện  rộng. Diện tích thường xuyên bị ngập trong trường hợp này là 500 ha với khoảng 800 hộ dân sinh sống.       
 
Qua thống kê hàng năm, khi bị ngập, khoảng 300 ha hoa màu thị thiệt hại với giá trị trên 1 tỷ đồng, sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn, giao thông lầy lội, tình trạng  dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

 

Ông Nguyễn Tấn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An thở dài: “Nhìn cảnh người dân khổ sở, làm người cán bộ như chúng tôi rất xót xa nhưng với khả năng của địa phương thì không đủ sức bỏ ra nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước. Chỉ biết chia sẻ với dân bằng cách cấp thuốc Cloramin B để người dân khử trùng nước, các loại thuốc trị ghẻ, ngứa và trích ngân sách dự trữ lương thực để sẵn sàng cứu trợ cho dân nếu ngập úng kéo dài”.
 
Nước vây tứ bề, mọi sinh hoạt của người dân gặp vô vàn khó khăn.
Nước vây tứ bề, mọi sinh hoạt của người dân gặp vô vàn khó khăn.

Ông Mỹ cho biết thêm, xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên đầu tư hệ thống thoát nước từ khu vực này dẫn ra sông Thoa để rút nước về cửa Mỹ Á. Theo tính toán của ông thì hệ thống này chỉ tốn khoảng 3 tỷ đồng nhưng chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh gì. Chính quyền cũng đành bó tay thôi!
 
Điều mà chính quyền và nhân dân nơi đây trăn trở, chúng tôi cũng đã được nghe lãnh đạo các cấp đề cập nhiều trong các cuộc họp. Thiết nghĩ, 3 tỷ đồng không phải là số tiền quá lớn để đảm bảo sự an toàn cũng như tạo điều kiện cho 800 hộ dân sinh sống ở đây ổn định cuộc sống. Đừng để dân chịu một mình!

 

Bài, ảnh: Ái Kiều

.