Những người "bắt mạch lũ" bên dòng sông Vệ

02:11, 02/11/2010
.

(QNg) - Bất kể ngày hay đêm, mưa lũ, bão tố, họ vẫn dầm mình dưới sông để đo mực nước, độ phù sa... Họ là những cán bộ ngành thủy văn sống âm thầm, gắn bó bên sông để dự báo tình hình lũ lụt, cung cấp những thông số để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, thủy lợi, bố trí các khu dân cư tránh lũ...

Tìm thông số trên đỉnh lũ
Nơi đầu nguồn sông Vệ, thuộc thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) bây giờ nước đã đục ngầu. Trưởng trạm thủy văn An Chỉ Lê Văn Khánh vội vàng huy động anh em xuống thuyền. Con nước cứ lớn dần nhích con thuyền sắt nặng khoảng 5 tấn theo lên. Cả 5 cán bộ, nhân viên lội nước lên thuyền, mỗi người tự lấy một chiếc áo phao mặc vào.
 
Thuần thục từng thao tác, người nổ máy lái thuyền, người vào buồng máy ghi chép, người quay ròng rọc gắn dụng cụ đo độ phù sa, lưu lượng nước thả xuống sông... "Cứ mỗi điểm bình quân mất 5 phút. Lòng sông này được bố trí 9 điểm đo”  - Anh Khánh bộc bạch.

Tôi nhìn theo con thuyền sắt nặng nề di chuyển trên từng điểm đo dưới dòng nước đục ngầu. Con thuyền có lúc xuôi theo dòng nước, có lúc lại quay ngang, lúc dừng hẳn.  Qua một vòng đo đạc ghi chép, các anh quay về. Và tất cả đều lao vào bàn tính toán các chỉ số, rồi thảo bức điện báo gửi về Trung tâm khí tượng thủy văn, dự báo tình hình lũ lụt trên sông. 
 
"Bão lũ về là phải đo liên tục mới biết độ chính xác của mực nước ở dòng sông. Chỉ cần sai một con số là gây thiệt hại lớn ở vùng hạ lưu" - Anh Trương Văn Thân cán bộ của Trạm giải thích.
 
Chuyển “cá” sắt xuống sông để đo lưu lượng trong mùa lũ
Chuyển “cá” sắt xuống sông để đo lưu lượng trong mùa lũ

Những ngày mưa bão người làm công tác thủy văn phải túc trực trên sông 24/24 giờ. Để lấy được những thông số về cơn lũ, ban ngày các anh có thể quan sát xung quanh có gỗ củi trôi từ thượng nguồn về còn xử lý kịp thời, chứ ban đêm chỉ lần mò theo quán tính nên tai họa bất ngờ vẫn luôn rình rập  họ.

Tai hoạ chực chờ...
Các con sông miền Trung đều có địa hình chảy dốc như nhau. Anh Lê Văn Khánh đã có 30 năm công tác trong nghề thủy văn thì có 24 năm làm việc ở Trạm thủy văn An Chỉ - nơi đầu nguồn sông Vệ.  Anh Khánh cho biết: "Sông Vệ cũng quanh co, nước chảy xiết, nhưng quen rồi. 
 
Mùa lũ năm 1999 rồi đến năm 2009, nếu đo trên dòng sông Vệ nguy hiểm một, thì ở đầu nguồn dòng Trà Khúc (thuộc địa phận xã Sơn Giang, Sơn Hà) nguy hiểm đến mười. Địa phận đo mực nước  là nơi hứng toàn bộ nguồn nước từ sông Re và sông Rin đổ về. "Mưa nguồn dai dẳng. Cây rừng lại thưa thớt. Nước chảy dốc về sông lớn đột ngột. Củi gộc, cây to chắn ngang dọc dòng sông. Chỉ cần có một sơ suất nhỏ là bỏ mạng. Sau một lần đo đạc mực nước là anh em ai cũng mệt nhoài, vì chống chèo thuyền trên lũ" - Anh Nguyễn Văn Giới đã có 10 năm công tác ở Trạm thủy văn Sơn Giang nói với tôi.

Biết rằng nguy hiểm nhưng hiếm ai bỏ nghề. Họ lặng lẽ gắn bó bên sông làm những việc mà ít người biết đến, để dự báo tình hình lũ lụt được chuẩn xác, để dự lường độ phù sa trên núi đổ về đồng bằng hằng năm. Trên cơ sở này cung cấp thông số cho các ngành giao thông, thủy lợi để xây dựng cầu cống, đường giao thông, bố trí các khu dân cư, dọc triền sông cho phù hợp, hạn chế được tình trạng sông "gặm" mất nhà cửa, vườn tược của bà con.

Theo thống kê của Trung tâm khí tượng thủy văn, toàn tỉnh hiện có 18 trạm thủy văn, trong đó có 13 trạm được ngành đầu tư, 5 trạm do UBND tỉnh đầu tư hoạt động trong mùa mưa lũ. Mỗi trạm có từ 2-5 cán bộ (trạm cấp 1 có 5 người, trạm cấp 2 và 3 có từ 2-3 người). Đội ngũ cán bộ này đã âm thầm hoạt động bên sông, để dự báo tình hình lũ lụt ở các dòng sông trong tỉnh.
Là trạm thủy văn, nên việc đặt trạm ở bên sông thường cách xa khu dân cư. Hôm chúng tôi tìm đường về Trạm thủy văn An Chỉ phải hỏi nhiều người dân ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) họ cứ lắc đầu "không  biết", bởi con đường quanh co dẫn sâu vào hóc núi, rồi theo triền núi đổ ra sông mới đến trạm.

Ở nơi xa cách khu dân cư và công việc thầm lặng gắn với sông nước, nên ít ai biết đến cơ quan này. Tuy đồng lương ít ỏi, sống cảnh xa nhà mà hằng tháng đồng tiền gửi về cho gia đình chẳng có bao nhiêu, nên từ lâu cán bộ, nhân viên của Trạm thuỷ văn động viên nhau tranh thủ sản xuất và hạn chế chi phí thường ngày. Trong khuôn viên vườn của trạm, anh em còn trồng mì, khoai lang, bắp để cải thiện  cuộc sống theo kiểu mùa nào thức ấy.

Nghề nghiệp và điều kiện địa hình vô hình chung đã tách biệt họ với dân làng. Anh Nguyễn Văn Giới đã 40 tuổi, gắn bó với nghề gần 12 năm (trong đó có 10 năm xa gia đình). Có lẽ vì thế mà anh em cán bộ thủy văn càng quý nhau hơn. Họ cùng nhau chia sẻ những khó khăn, động viên nhau vượt qua mọi thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà mình đã chọn.

Bài, ảnh: MAI HẠ 

.