Lý Sơn chủ động phòng, chống mưa bão

12:08, 21/08/2010
.

(QNg)- Những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, đã gây thiệt hại lớn cho người dân huyện đảo Lý Sơn. Năm 2009 Lý Sơn chịu ảnh hưởng trực tiếp của 11 cơn bão, 4 đợt áp thấp nhiệt đới và 5 đợt tố lốc... làm 4 người chết, 19 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị sập, tốc mái; hàng trăm ha cây trồng bị hư hại và hơn 70 chiếc tàu, thuyền bị chìm; nhiều tuyến đường giao thông, cầu cảng và công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, với tổng thiệt hại lên đến trên 279 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Văn Lê - Phó ban trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) và TKCN huyện Lý Sơn cho biết: Để giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân do mưa bão gây ra, năm 2010 Lý Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai ngay từ đầu năm.

Đến nay Lý Sơn đã hoàn thành phương án PCLB và triển khai đến từng xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Công tác tuyên truyền đến người dân được thực hiện nghiêm túc với phương châm "4 tại chỗ" (hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ), nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác PCLB. UBND huyện phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban chỉ huy PCLB về phụ trách từng địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, triều cường để kịp thời chỉ đạo khi có tình huống xấu xảy ra. Đối với các xã, ngoài việc củng cố BCH PCLB ở từng xã do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, các xã thành lập đội xung kích và trực chiến 24/24 giờ khi có mưa bão xảy ra.
 
Việc đầu tư xây dựng bờ kè kết hợp đường giao thông đã hạn chế triều cường xâm thực ở Lý Sơn.
Việc đầu tư xây dựng bờ kè kết hợp đường giao thông đã hạn chế triều cường xâm thực ở Lý Sơn.

Đối với cơ quan quân sự và công an huyện, đến nay Ban chỉ huy PCLB các phòng, ban của các cơ quan này cũng được củng cố, sẵn sàng xung kích khi có lệnh. Bộ đội Biên phòng đồn 328, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng ứng chiến khi có mưa bão, còn được giao trách nhiệm nắm chắc tình hình tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển, nhất là ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa; thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến của mưa bão; khi có bão thì kịp thời thông báo để ngư dân và các tàu thuyền qua lại trong vùng biết tìm nơi tránh bão; đồng thời tìm cách thông báo cho tàu thuyền ở ngoài khơi về nơi trú bão an toàn như bắn pháo hiệu khi có mưa bão.

Ngoài ra, đồn Biên phòng còn tăng cường kiểm tra, vận động các chủ phương tiện trang bị phao cứu sinh, máy bộ đàm khi ra khơi và thường xuyên liên lạc với đất liền; phối hợp với HTX GTVT thường xuyên kiểm tra các tàu vận chuyển hành khách và hàng hóa (nếu đủ điều kiện thì mới cho xuất bến).

Các đơn vị Nhà máy điện cũng vào cuộc ngay từ khá sớm như, ngoài việc thành lập BCH PCLB, thì có nhiệm vụ củng cố hành lang an toàn lưới điện, phân công trực 24/24 giờ, cố gắng duy trì việc thắp sáng điện phục nhân dân trong thời gian mưa bão. Riêng ngành Bưu điện đã tăng cường duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường dây, hệ thống viễn thông ở chế độ trực 24/24 giờ, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt từ huyện vào đất liền và các nơi khác, khi có mưa lão.

Bệnh viện Đa khoa ngoài việc chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, thiết bị y tế còn phân công y, bác sĩ trực 24/24 giờ để kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân khi có mưa bão. Cùng với việc triển khai phương án phòng, chống mưa bão, Lý Sơn cũng đã chủ động dự trữ lương thực ở cả đảo lớn và đảo bé. Không chỉ các lực lượng chức năng trên đảo sẵn sàng đối phó với mưa bão, mà hầu hết người dân trên đảo cũng chuẩn bị đối phó với mưa bão như: Ngoài việc chủ động thu hoạch hành, tỏi, hoa màu sớm, mỗi hộ dân đã tự lo và chuẩn bị cho mình các nhu yếu phẩm cần thiết như: Lương thực, mì tôm, dầu hỏa…

Bài, ảnh: Bá Sơn

.