Hạnh phúc khi góp phần cảm hoá kẻ lầm lỗi thành công

02:08, 21/08/2010
.

 
(QNg) - Người phụ nữ "có duyên cảm hoá đối tượng lầm lỗi" Nguyễn Thị Hồng Hạnh (ảnh) (quê ở xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh) đã mang hạnh phúc đến cho rất nhiều mảnh đời. Chính tình yêu thương xuất phát tận đáy lòng đã giúp chị làm nên điều kỳ diệu ấy. 


Thoạt đầu nghe giọng nói qua điện thoại, tôi cứ ngỡ chị còn trẻ tuổi. Khi gặp mặt tôi mới biết chị Hạnh là người phụ nữ đã "đứng tuổi". Chị Hạnh cười bảo: "Cô sắp nghỉ hưu rồi. 55 tuổi rồi chứ ít ỏi gì". Chị Hạnh hiện là Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Ấn Tây. Nói đến các đối tượng đã một thời lầm lỗi mà chị là người đưa họ đến với con đường hoàn lương, hai mắt chị Hạnh sáng hẳn lên. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt người phụ nữ có duyên cảm hoá này. "Bây giờ đứa nào cũng có cuộc sống ổn định. Đúng là khó khăn thật. Nhưng nghĩ mình cũng kiên trì, với lại chỉ có tình yêu thương mới cảm hoá đối tượng thành công…" Chị Hạnh cười hiền bảo. Chị Hạnh như đang quay lại quãng thời gian đầy khó khăn khi tham gia cảm hoá các đối tượng lầm lỗi qua câu chuyện kể.

Ở xã Tịnh Ấn Tây một thời người dân ngao ngán khi nghe tên N.M.H và D.Q.D. Hai đối tượng này tuổi đời chưa đầy 20, thế nhưng quậy phá thì thuộc vào hàng bậc nhất. Chúng bỏ học, ăn chơi lêu lổng, rồi sinh trộm cắp. Công an xã "giáo dục" nhiều lần, thế nhưng chúng vẫn chứng nào tật nấy. Sau đó cơ quan chức năng đưa các đối tượng ra giáo dục trước dân và đích thân Chủ tịch xã giao cho chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh "quản lý". Lần đầu tiên nhận cảm hoá, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, chị Hạnh lo lắng "liệu mình có cảm hoá thành công, bởi lẽ nhìn vào khuôn mặt "bất cần đời" của đối tượng không thôi cũng đủ khiến cho nhiều người né tránh công việc này".

Chị Hạnh nhớ lại: "Hồi đó ai cũng bảo mình nhận cho có nhận vậy thôi, chứ khuyên răn không được đâu. Tụi nhỏ lì phải biết mà. Các anh công an còn ngán huống hồ…". Dẫu "gai góc" nhưng chị Hạnh vẫn đặt quyết tâm… Kể từ đó chị dành thời gian "trực chiến" ở nhà hai đối tượng N.M.H và D.Q.D. Và nhiều người trố mắt nhìn chị Hạnh với vẻ bất ngờ khi thấy chị thường xuyên xuất hiện ở các quán bi-da. Hỏi ra thì họ mới  hay "chị đi theo khuyên răn các đối tượng để tu tâm dưỡng tính". Chị Hạnh cười bảo: Hồi đó ban đêm thường xuyên chị vắng nhà. Mục đích là đi theo các đối tượng để khuyên bảo chúng trở về nhà, không được ăn chơi quậy phá. Theo canh chừng miết thôi. May là có ông xã cảm thông và động viên…".

Theo chị Hạnh thì phương pháp cảm hoá hữu hiệu đó là khuyên răn theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Điều đặc biệt quan trọng nữa là phải xuất phát từ tình yêu sự quan tâm, yêu thương các đối tượng này như con cháu trong nhà. Những lời khuyên nhủ chị thường dùng khi gặp đối tượng là: Con thấy không, bạn bè vô tư vui đùa không sợ sệt điều gì. Còn ăn cắp vặt thì tâm trạng mình đâu có thoải mái được, lúc nào cũng trốn tránh, lo sợ… Ba mẹ vất vả nuôi con đến chừng này tuổi, họ hy vọng vào con nhiều lắm, vậy mà con… Con phải lo học để sau này có nghề nghiệp ổn định. Bây giờ không lo học sau này có hối hận thì muộn mất rồi… Cố gắng nghen con. Phải ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành". Và chị Hạnh đã làm được điều mà nhiều người không ngờ đến. Đó là chưa đầy 3 tháng chị đã cảm hoá thành công hai đối tượng "lì lợm" nói trên. Cả hai đều quay trở lại trường học, ngoài thời gian học tập thì về nhà phụ giúp bố mẹ, không còn ăn chơi quậy phá… Và cũng bắt đầu từ đấy, chị Hạnh thêm một mối duyên cảm hoá thành công nhiều đối tượng lầm đường lạc lối.

Đến nay chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã cảm hoá thành công 8 đối tượng vốn lầm đường lạc lối. Trong số các đối tượng này thoạt đầu chị Hạnh "ngán" nhất đối tượng là nữ có tên gọi N.T.T.K. Chị Hạnh nói: "Lúc đầu, mình không tưởng tượng nổi là có thể cảm hoá được đối tượng này. Cô gái đó khoảng 20 tuổi, nhưng là đại ca của một băng nhóm quậy phá khét tiếng. "Đại ca" N.T.T.K đi đâu cũng có đồng bọn kề bên. Chị Hạnh nhiều phen hú vía, vì đồng bọn thấy chị thường xuyên gặp gỡ K. nên tập trung rồ ga, phóng xe như điên trước mặt chị.

Theo lời kể của chị Hạnh thì nhóm côn đồ của N.T.T.K "coi trời bằng vung". Chúng uống rượu, rồi chở ba, chở năm la hét ngoài đường phố. Nhìn thấy ai đó có vẻ "chướng mắt", thì chúng xông vào đánh mặc cho không quen biết. Riêng K. thì uống rượu như "trút nước", mỗi lần say là nằm dài trên đường phố… Bố mẹ K. coi như "bó tay" không dạy nổi đứa con do chính mình sinh ra. Họ trực tiếp nhờ chính quyền địa phương "dạy bảo" K. Chị Hạnh vào cuộc cảm hoá và thành công trước thời hạn quy định là 6 tháng.

Chị Hạnh kể: "Hồi đó ông xã cứ sợ chị bị đồng bọn của K. đánh, nên đêm nào chị đến nhà K. ổng cũng âm thầm theo sau để bảo vệ. Gai góc lắm, nhưng ai ngờ mình cảm hoá thành công. Mà cũng lạ, ai nói con K. cũng không nghe, công an huyện và xã cũng làm hung dữ lắm, nhưng rồi nó nghe mỗi mình chị". Điều mà chị Hạnh cho là "lạ" khi cảm hoá được K, đó chính là "phép lạ" của sự cảm thông, tình yêu thương, rộng mở cõi lòng. Chị Hạnh  vừa là cha, là mẹ, là bạn của K. Chị cùng K. ăn sáng, đi mua sắm, đi uống càphê… để tranh thủ thì thầm khuyên bảo. Cô gái N.T.T.K quậy phá ngày nào giờ đã là vợ, là mẹ. N.T.T.K thường xuyên về thăm mẹ đỡ đầu Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Mỗi lần K. về là chị Hạnh gói gém quà và tiền như gởi cho chính đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã sẻ chia tình yêu thương, bao bọc lấy những mảnh đời lầm lỗi, hướng họ đi đến con đường tươi đẹp của cuộc sống.

Bài, ảnh: Phương Lý

.